Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành sản xuất thép trong nước trong nửa đầu năm 2021 được mùa lớn, khi sản xuất và tiêu thụ đều tăng cao từ 35-37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, sản xuất théo 6 tháng đạt gần 16 triệu tấn, tăng 37%, tiêu thụ đạt 14 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 3,4 triệu tấn, tăng 84,4% so với 6 tháng năm 2020.
Nhu cầu tiêu dùng thép tăng cao, bất chấp giá thép tăng tới 40-45% so với cùng kỳ nhưng nhập khẩu thép cũng phi mã. 6 tháng qua, cả nước đã nhập gần 7 triệu tấn thép các loại, trị giá 5,662 tỷ USD, chỉ tăng 4% về lượng nhưng tăng 40,8% so với cùng kỳ. Nhập khẩu sản phẩm từ thép đạt 2,5 tỷ USD, tăng 29,5%.
VSA nhận định, thị trường thép 6 tháng đầu năm 2021 đã phục hồi tích cực, tăng trưởng sản xuất thép thô toàn cầu tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, giá cả nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng kể từ cuối năm 2020.
Không chỉ ở trong nước, mà ở khắp nơi trên thế giới, giá thép tăng vì nguồn cung nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu. Hầu hết nguyên liệu như phôi, thép phế liệu, điện cực graphite, than mỡ luyện coke, quặng sắt 62%… đều tăng giá mạnh.
Tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép trong tuần đầu tháng 7 vẫn tiếp đà tăng. Giá quặng sắt loại 62%Fe ngày 6/7/2021 giao dịch ở mức 221,75-222,25 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 20 USD/tấn so với thời điểm 7/6/2021.
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc (giá FOB) ngày 7/6/2021: Premium Hard coking coal: khoảng 200USD/tấn, tăng mạnh 33USD so với đầu tháng 6/2021, trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao.
Giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 518 USD/tấn CFR Đông Á ngày 30/6/2021. Mức giá này tăng 10USD/tấn so với hồi đầu tháng 6/2021.
Giá điện cực graphite trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng rất mạnh, giá than điện cực của Trung Quốc đã tăng khoảng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2021. Hiện tại, giá GE loại 600mm UHP công suất cực cao hiện được đánh giá ở mức 4.100 USD/tấn và của loại 450mm HP được giao dịch ở mức 3.200 USD/tấn.
Cùng với sự nhảy múa của giá thép thì các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đều công bố lãi đậm. Lợi nhuận quý II/2021 của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã CK: NKG) đạt 976,7 tỷ đồng, gấp 90 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đạt 1.342 tỷ đồng, cao gấp 23 lần so với năm 2020.
Các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen, Pomina...đều đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm 2021. Đơn cử, 6 tháng qua, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất hơn 4 triệu tấn thép thô, tăng 55% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước của Tập đoàn Hòa Phát đạt trên 5.200 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ 2020.
Trước tình trạng giá thép tại nội địa tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào, Bộ Tài chính mới đây đề nghị tăng thuế xuất khẩu phôi thép nhằm bình ổn thị trường trong nước.
Tai dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện theo phương án này sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.
Cũng để góp phần giảm giá thép nguyên liệu đầu vào, Bộ Tài chính đồng thời trình Chính phủ giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số sản phẩm thép xây dựng xuống còn từ 10 - 15%.
Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với thép cốt bê tông thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15 (mã HS 7213.91.20; 7213.99.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7214.20.51; 7214.20.61; 7215.50.91; 7215.90.10) từ 20% xuống 15%; đối với thép góc, khuôn, hình thuộc nhóm 72.16 (mã HS 7216.33.11; 7216.33.19; 7216.33.90) và thép có răng khía thuộc nhóm 72.13 (mã HS 7213.10.10 và 7213.10.90) từ 15% xuống 10%.
Điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng của nhóm 72.10 (HS 7210.41.11; 7210.41.91;7210.49.12; 7210.49.91; 7210.61.11; 7210.61.91; 7210.69.11; 7210.69.91) từ mức 20% và 25% xuống 15%.
Bộ Tài chính cho rằng, việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất.