Người đàn ông có dáng người cao lớn, ánh mắt kiên định dừng xe phía ngoài một quán cà phê ở quận 3, đợi bạn. Dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn, chiếc áo anh mặc thấm đẫm mồ hôi. Từ sau khi xảy ra án mạng thương tâm của nhóm hiệp sĩ Tân Bình, anh Lâm Hiếu Long, 28 tuổi, cùng các thành viên của đội hiệp sĩ Sài Gòn tăng cường đảo quanh khu vực thường xuyên xảy ra cướp giật để kịp thời giúp người dân ứng phó với những tình huống khẩn cấp.
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long, trưởng nhóm Hiệp sĩ Sài Gòn, đã tham gia truy bắt cướp 8 năm. |
Sự việc hai hiệp sĩ bị trộm đoạt mạng khiến các thành viên trong nhóm anh Long bàng hoàng và đau lòng. Nhấp miếng trà, chàng trai làm nghề phiên dịch có giọng nói trầm ấm và quyết liệt chia sẻ cơ duyên đến với công việc bắt cướp gắn bó suốt 8 năm qua.
Một buổi chiều năm 2010, khi đang trên đường về nhà, anh Long nghe tiếng truy hô "cướp" của người dân. Trông thấy hai tên cướp đang phóng xe máy, anh liền rồ ga đuổi theo. Được vài km, anh áp sát được bọn chúng và đạp đổ xe. Hai tên cướp không bị thương, toan quay lại tấn công liền bị anh Long tri hô và được mọi người xung quanh trợ giúp. Chúng tẩu thoát nhưng anh Long đã kịp lấy lại được tài sản cho người bị hại.
Từ đó trở đi mỗi lần ra đường, anh Long hay quan sát những đối tượng có hành vi khả nghi và âm thầm bám theo. Khi đối tượng thực hiện hành vi trộm cướp, anh bất chấp nguy hiểm để lao vào bắt giữ.
Cùng năm ấy, đội Hiệp sĩ Sài Gòn của anh Long ra đời, ban đầu chỉ gồm hai thành viên cùng chung ý hướng muốn giúp người dân tránh mất mát tài sản. Dần dần nhóm anh kết nạp thêm thành viên mới, làm nhiều nghề khác nhau từ xe ôm, tài xế, buôn bán đến nhân viên văn phòng.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhóm là lần theo dõi một kẻ lừa đảo tinh vi, địa bàn hoạt động rộng. Đối tượng là một phụ nữ trung niên tên Phượng sống tại Bến Tre. Mỗi ngày Phượng đều bắt xe từ Bến Tre lên TP HCM thực hiện hành vi lừa đảo, bằng cách mạo danh cán bộ tại một cơ quan nhà nước để đặt mua các mặt hàng đắt tiền như điện thoại, máy tính, nước hoa... rồi yêu cầu giao hàng tận nơi. Phượng nhận hàng, vờ quên mang tiền và quay vào trong cơ quan để lấy nhưng thực tế cuỗm luôn gói hàng và trốn ra bằng cửa sau.
Sau hai ngày theo dõi từ TP HCM về đến Bến Tre, nhóm của anh Long đã tóm gọn Phượng cùng tang vật và giao cho cơ quan công an xử lý.
Một lần khác, đội của anh gồm 7 người chủ chốt truy đuổi một nhóm cướp xe trên địa bàn quận Tân Bình và bị đối tượng chống trả quyết liệt. Chúng xịt hơi cay, ớt bột vào hai đồng đội của anh Long để tẩu thoát. Nhưng những người còn lại trong nhóm không bỏ cuộc, tiếp tục truy đuổi. Bị dồn vào thế yếu, chúng rút dao đã thủ sẵn trong người ra chống trả. Bằng phương tiện thô sơ như gậy gỗ và nhị khúc, anh Long cùng đồng đội tóm gọn hai tên cướp xe và áp giải về đồn công an.
Không ít lần, anh Long và các hiệp sĩ khác may mắn thoát được bẫy dụ vào chỗ vắng của nhóm cướp. Trong lần theo đuôi hai tên trộm chó trên địa bàn quận Hóc Môn, các anh phát hiện trên xe chúng chở tới 5-6 con chó. Thấy bị truy đuổi, chúng liền dùng súng tự chế với đầu mũi tên nhọn hoắt để bắn trả.
"Tôi né và tránh được thì chúng tiếp tục thả những con chó đầy thương tích ra đường để làm vật cản. Truy đuổi hơn chục km đến cánh đồng vắng ở ngoại ô Hóc Môn, hai tên cướp dẫn dụ chúng tôi vào khu vực có đồng bọn chờ sẵn. Rất may chúng tôi không sập bẫy", anh Long nhớ lại lần thoát chết cách đây vài năm.
Các thành viên chủ chốt trong nhóm Hiệp sĩ Sài Gòn của anh Long. |
Theo anh Long, khi tham gia đấu tranh phòng chống trộm cướp, các anh luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm và chịu áp lực trả thù lên bản thân và gia đình. Bị đạp ngã xe, xịt hơi cay, thậm chí bị đâm là những tình huống không xa lạ với các anh. Anh Long nhớ như in lần hứng chịu đòn trả thù đẫm máu năm 2013.
"Tôi đang đi trên đường thì gặp hai đối tượng áp sát xe tôi vào lề đường. Một trong số chúng bất ngờ vung dao vào bụng tôi. Nhờ cơ quan chức năng điều tra tôi mới biết đây là hai kẻ từng chạm mặt nhóm chúng tôi trước đó. Lần ấy, tôi suýt mất mạng và phải nằm viện điều trị 2 tháng", anh Long kể.
Gia đình và người thân can ngăn anh Long tham gia bắt cướp, còn bạn gái anh nhiều lần dọa bỏ vì sợ anh bị trả thù. Dù vậy, anh vẫn không có ý định từ bỏ công việc này và mong sẽ thuyết phục được người thân thông cảm. Ngoài giờ làm, hiệp sĩ Long vẫn rong xe cùng các anh em dạo trên đường bắt trộm cướp.
"Chúng tôi không coi đây là một nghề để kiếm sống mà đơn giản chỉ muốn giúp người bị hại trong cơn hoạn nạn", hiệp sĩ Long chia sẻ. "Nhìn thấy nước mắt vui mừng của người bị hại sau khi tìm lại được tài sản bị mất, mọi âu lo trong chúng tôi nhanh chóng qua đi".
Từ khi thành lập đến nay, đội Hiệp sĩ Sài Gòn của anh Long đã ngăn chặn hàng nghìn vụ trộm, cướp, vi phạm pháp luật và thu hồi được nhiều tài sản có giá trị trao trả lại cho người bị hại. Năm 2014, anh Long và các đồng đội chính thức thành lập Fanpage Hiệp sĩ Sài Gòn. Mỗi ngày nhóm nhận đến 30 đến 40 cuộc gọi, tin nhắn từ nạn nhân bị lừa đảo, cướp giật nhờ giúp đỡ.
Nhóm anh hướng dẫn người dân trình báo cơ quan chức năng trước, sau đó mới hành động. Không ít lần, các hiệp sĩ phối hợp với lực lượng chức năng để bắt cướp. Nhận được thông tin của người dân, nhóm anh Long sẽ đến hiện trường quan sát và đánh giá đối tượng là dân chuyên nghiệp hay không, cùng thông tin về tài sản bị cướp. Sau đó, các anh chia nhau ra lần tìm dấu vết đối tượng. Nếu không tìm được ngay, nhóm luôn ghi lại để ý và theo dõi.
Hiệp sĩ Long cho biết đối tượng mà nhóm truy bắt hầu hết là những kẻ phạm tội và có tang chứng. Sau khi phát hiện đối tượng khả nghi, nhóm lập tức ghi hình, ghi nhận biển số xe, đặc điểm nhận dạng để trình báo cơ quan công an tại địa phương.
Sau vụ việc xảy ra với nhóm Hiệp sĩ Tân Bình mới đây, anh Long mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ huấn luyện nghiệp vụ và trang thiết bị để các hiệp sĩ đối phó với kẻ cướp nguy hiểm.
Ảnh: NVCC