Cuối tháng 05/2021, UBND TP.HCM đã có công văn về việc triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Ủy ban cũng giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, Sở Công thương, Sở Du lịch rà soát, nắm chắc các khó khăn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ, ảnh hưởng việc làm của người lao động để có giải pháp tháo gỡ, chủ động hỗ trợ kịp thời theo gói hỗ trợ của Thành phố.
Để có cơ tham mưu UBND Thành phố, Sở Lao động vừa gửi văn bản khẩn, đề nghị Sở ngành liên quan phối hợp thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, cần khảo sát, thống kê và báo cáo tình hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục gặp khó khăn do dịch cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, lao động nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên (từ ngày 01/05/2021), mất việc làm, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (gọi tắt là người lao động bị ngừng việc, mất việc).
Mặt bằng tại ngã tư Lê Quý Đôn và Võ Văn Tần, quận 3 được rao từ lâu nhưng đến nay chưa có khách thuê (Ảnh: H.P). |
Theo đó, UBND Thành phố Thủ Đức và quận - huyện xác định, thống kê, báo cáo số liệu người lao động bị ngừng việc, mất việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn (nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao).
Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý khu công nghệ sẽ thực hiện công việc tương tự tại các doanh nghiệp hoạt động trong các khu.
Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm báo cáo số liệu về giáo viên, nhân viên bị ngừng việc, mất việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (từ cấp mầm non đến THPT).
Sở Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương sẽ báo cáo số liệu lao động bị ngừng việc, mất việc tại các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực, ngành quản lý (du lịch, vận tải, thương nghiệp).
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ là đối tượng đang được nhắm đến để hỗ trợ trong đợt này (Ảnh: Trần Nhân). |
Liên đoàn lao động Thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục xác định, thống kê số liệu người lao động bị ngừng việc, mất việc do ảnh hưởng bởi dịch.
Từ đó, có dữ liệu kịp thời, chính xác làm cơ sở tham mưu UBND TP.HCM.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM yêu cầu các cơ quan nêu trên gửi báo cáo về Sở trước 15 giờ ngày 07/06/2021 để kịp thời tổng hợp, báo cáo Uỷ ban. Quá thời hạn, nếu các Sở Ban ngành liên quan không gửi báo cáo thì xem như không có đề xuất hỗ trợ.
Theo Cục thống kê TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn có gần 41.400 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn các chế độ cho người lao động theo quy định.
Trong đó, đã có hơn 39.200 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, tính từ đầu năm đến 15/05, TP.HCM đã cấp phép thành lập cho hơn 14.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 245.500 tỷ đồng.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt xấp xỉ 17 tỷ đồng, tăng gần 30% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, từ tháng 05/2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện tại Việt Nam, TP.HCM đã phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Một số dịch vụ văn hóa, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa.
Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú; lữ hành trong tháng 5 đã giảm bình quân 12.5% so với tháng trước đó. Hiện, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn vẫn tăng khiến tình hình sản xuất kinh doanh có thể tiếp tục đà suy giảm.
Tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn vào ngày 1/6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, việc đảm bảo phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, bởi số lượng lao động công nhân lớn là nhiệm vụ rất quan trọng.
Cùng với đó, Thành phố cũng đang tập trung xem xét, triển khai gói hỗ trợ thứ hai cho doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn, đặc biệt với nhóm ngành dịch vụ để đảm bảo vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh cũng như an sinh xã hội.