Đầu tư
8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước
Trúc Giang - 17/05/2022 13:48
Tính đến ngày 30/4/2022, 8 tỉnh/thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giải ngân được 5.768 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đạt 14,2%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 15,08%.
Công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối liền 2 quận Cái Răng và Ninh Kiều (TP. Cần Thơ)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình, kết quả ước giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ với 8 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu) để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, cho biết, tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg, ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho 8 tỉnh, thành phố với tổng số vốn 39.760,930 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ chi tiết 85,67%. Trong đó, tổng số vốn ngân sách trung ương trong nước là 9.942,905 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 100%; tổng số vốn ODA là 3.195 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 78,44%; tổng số vốn ngân sách địa phương là 26.622,840 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 100,97%.

Về kết quả giải ngân, tính đến ngày 30/4/2022, cả 8 tỉnh, thành đã giải ngân được 5.768 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, đạt 14,2%, tuy cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn bình quân chung của cả nước (15,08%).

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 11,8%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 16,13%, thấp hơn 4,7% cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn ODA nước ngoài giải ngân đạt 0,9%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 4,1%. Nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 16,7%, cao hơn bình quân chung cả nước là 15,68%, cao hơn 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Ước giải ngân 5 tháng của 8 địa phương tính đến 30/5 khoảng 7.657,790 tỷ đồng, đạt 18,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 20,61%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân chậm là do giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thủ tục thực hiện một số công việc mất nhiều thời gian; công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của nhiều dự án thực hiện chậm, việc kiểm tra, giám sát thực hiện đối với một số chủ đầu tư chưa thường xuyên, chưa đôn đốc kịp thời, chưa xử lý đối với những trường hợp chậm tiến độ…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ban Quản lý, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng công trình, tổ chức giao ban hàng tháng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án. Chịu trách nhiệm trước UBND về việc giải ngân không bảo đảm tiến độ đề ra. Khẩn trương nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành,…

UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt; coi kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí để đánh giá cán bộ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc không để chậm những việc thuộc thẩm quyền; thành lập các tổ kiểm tra, đôn đốc tiến độ đầu tư công trên từng địa bàn cụ thể.

Từ đó, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.

Tin liên quan
Tin khác