Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia phiên họp toàn thể lần thứ hai. |
Chiều 25/8, trong phiên toàn thể thứ hai của AIPA 42, trước khi bế mạc, các nghị viện thành viên đã nghe và thông qua các báo cáo của Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA), Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tổ chức.
Thông cáo chung của AIPA 42 cũng đã được sự nhất trí cao của tất cả 9 nghị viện thành viên.
Đề cập phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bản thông cáo nêu rõ, Trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng xã hội, bao gồm cả bất bình đẳng số và an sinh xã hội.
"Ngài Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, chúng ta cần đề cao, củng cố vai trò quan trọng của AIPA trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số và kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA gỡ bỏ các rào cản thông qua khuôn khổ pháp lý phù hợp, cải thiện chất lượng các dịch vụ công trực tuyến nhằm phát triển chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số, và thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số. Đại biểu Việt Nam cũng kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA thúc đẩy chính phủ các nước ASEAN triển khai các chương trình, chương trình hành động và kế hoạch cụ thể về phát triển số, đặc biệt là trong việc tăng cường kết nối số, thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia và khu vực, tăng cường kĩ năng số ở các khu vực kém phát triển và các tiểu vùng, qua đó đảm bảo sự phát triển bình đẳng và bền vững của ASEAN", thông cáo đề cập.
Theo thông cáo chung, Đại biểu Việt Nam mong các nghị viện sẽ trao quyền nhiều hơn cho các chính phủ để có thể ứng phó với đại dịch Covid-19 một cách tích cực, linh hoạt và hiệu quả, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội, và thúc đẩy hồi phục kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Kỹ thuật số bao trùm là trụ cột trong khôi phục sau Covid-19
Nhiều thông điệp đáng chú ý từ các phiên họp của các Uỷ ban cũng được thể hiện tại thông cáo chung.
Theo đó, Uỷ ban Chính trị đã thông qua Nghị quyết về Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN.
Ủy ban Chính trị chia sẻ sự quan ngại về các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu từ sự phát triển của thương mại điện tử. Nhận thức được tầm quan trọng của an ninh mạng trong việc tối đa hóa lợi ích của số hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và chính trị, Ủy ban ghi nhận vai trò quan trọng của các Nghị viện thành viên AIPA trong việc đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu trong khu vực thông qua luật pháp, chính sách và quy định của các quốc gia thành viên ASEAN.
Với Nghị quyết về Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN, Ủy ban chia sẻ quan điểm rằng kỹ thuật số bao trùm là một trong những trụ cột chính của quá trình khôi phục sau Covid-19 và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), và an ninh con người là cách tiếp cận quan trọng trong việc xác định và giải quyết các thách thức xuyên suốt và phổ biến đối với sự sống còn, sinh kế và phẩm giá của người dân trong khu vực.
Ủy ban nhất trí rằng các Nghị viện thành viên AIPA sẽ tận dụng tối đa AIPA như một nền tảng thúc đẩy an ninh con người để đạt được mục tiêu kỹ thuật số bao trùm thông qua các cuộc đối thoại hiệu quả và trao đổi các thực tiễn tốt. AIPA cũng nhất trí củng cố ngoại giao nghị viện để hỗ trợ và bổ sung cho các nỗ lực ngoại giao của các Nhà nước / Chính phủ.
Tại Nghị quyết về Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN, Ủy ban Chính trị nhất trí, với tư cách là đại diện của các quốc gia ASEAN, các Nghị viện thành viên AIPA sẽ đóng vai trò là cầu nối mạnh mẽ cho Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm thông qua ngoại giao nghị viện. Ủy ban nhất trí tăng cường ngoại giao nghị viện thông qua tất cả các cấp hoạt động của AIPA nhằ hướng tới Cộng đồng ASEAN. Ủy ban cũng nhất trí tăng cường ngoại giao nghị viện giữa AIPA và cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Ủy ban khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN tích cực tham gia các hoạt động của AIPA, nhằm thúc đẩy sức mạnh tổng hoà giữa AIPA và ASEAN.
Khuyến khích phát triển kinh tế số và chuyển đổi số cho các MSMEs
Trong khuôn khổ AIPA 42, Ủy ban Kinh tế đã xem xét và phê duyệt Nghị quyết về Tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN thông qua thúc đẩy số hoá các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Thông cáo nêu rõ, Ủy ban ủng hộ mạnh mẽ quan điểm về vai trò quan trọng của công nghệ kỹ thuật số và các MSMEs trong việc tăng cường hoạt động kinh tế và kết nối của ASEAN.
Nhận thức được tác động và những thách thức mà Covid-19 gây ra cho nền kinh tế, đặc biệt là đối với các MSMEs, Ủy ban chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng năng lực và mạng lưới cho các MSMEs. Do đó, Ủy ban nhất trí giải quyết vấn đề này bằng cách thúc đẩy các chính sách và luật pháp theo hướng hài hòa hoá nhằm hướng tới hội nhập kinh tế số ASEAN giữa các Quốc gia Thành viên ASEAN và khuyến khích phát triển kinh tế số và chuyển đổi số cho các MSMEs.
Với Nghị quyết về Phục hồi Kinh tế hậu Covid-19: Hợp tác du lịch trong ASEAN Ủy ban tái khẳng định cam kết của AIPA trong việc hỗ trợ Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025 thông qua sắp xếp lại ưu tiên các hoạt động và dự án nhằm khôi phục ngành du lịch của khu vực sau khi vượt qua đại dịch COVID-19.
Thông qua các Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế cũng ủng hộ tầm nhìn Du lịch ASEAN đến năm 2025, theo đó ASEAN hướng tới trở thành một điểm đến du lịch chất lượng và an toàn, mang đến trải nghiệm ASEAN đa dạng, độc đáo và cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng.
Sau khi ký thông cáo chung, AIPA 42 đã bế mạc, chấp thuận lời đề nghị của Campuchia về việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA lần thứ 43 tại Campuchia trong năm 2022.