“Việt Nam có nhiều hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề nhưng quy mô nhỏ. Do đó, cần tập hợp thành một ngôi nhà chung để tạo sức mạnh cho doanh nghiệp”, ông Michael Beckman đánh giá.
Đồng tình quan điểm trên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội- nghề nghiệp, trong đó có hiệp hội là kết nối các tổ chức, cá nhân lại với nhau. Công việc này không vì mục tiêu chính là lợi nhuận hay thương mại hoá mà kết nối, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp các thành viên của hiệp hội.
“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau” là câu nói được ông Tuấn nhắc đến nhằm khẳng định, trong bối cảnh hội nhập thì sự liên kết các doanh nghiệp trong ngành có liên quan với nhau là cực kỳ quan trọng để chia sẻ thông tin, tham vấn cũng như học hỏi lẫn nhau.
Hội hay hiệp hội cũng được ví von như lăng kính phản ánh không chỉ lợi ích của doanh nghiệp hội viên, mà còn là lợi ích của người lao động, các bên liên quan của doanh nghiệp.
Và để gia tăng sức mạnh của hiệp hội, khả năng lắng nghe và thấu hiểu Hội viên là yếu tố cần được xây dựng. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA), ông Trần Mạnh Báo cho biết, ngay khi vào vị trí Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn ThaiBinh Seed vào năm 2000, việc đầu tiên ông làm là gia nhập Hiệp hội Giống châu Á - Thái Bình Dương.
Bởi, tại đây, các hội viên có thể cùng chia sẻ thông tin về thị trường, ngành hàng, kinh nghiệm cũng như khoa học công nghệ có thể áp dụng trong từng lĩnh vực.
Ông Trần Mạnh Báo cũng đánh giá cao vai trò của các hiệp hội trong nền kinh tế thị trường khi các doanh nghiệp có thể phản ảnh nguyện vọng, ý kién của mình với chính quyền. Hiệp hội đại diện doanh nghiệp đề xuất và phản biện chính sách trước và sau khi được ban hành hay chuyển tải thông tin thị trường, chính sách, pháp luật nhà nước cho doanh nghiệp. Đồng thời, giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực và tiêu thụ sản phẩm.
“Ở Mỹ, có những hiệp hội hàng trăm năm tuổi và có vai trò lớn trong nền kinh tế thị trường, bởi họ là người đại diện bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên, giúp doanh nghiệp tiếp cận/phản biện chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, việc xây dựng pháp luật đặc biệt pháp luật kinh doanh tại Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu, nếu không có sự phản biện từ các Hiệp hội thì những chính sách được đẻ ra trong phòng lạnh không bao giờ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, cũng như không bao giờ tạo ra sự thuận lợi cho sự phát triển kinh doanh”, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) nói.
Khi doanh nghiệp Hội viên gặp các trở ngại trong quá trình kinh doanh, theo ông Mạnh Báo, nếu văn bản kiến nghị chỉ do đại diện doanh nghiệp gửi đến cơ quan chính quyền sẽ “không có sức nặng bằng văn bản kiến nghị từ hiệp hội”.
Lưu ý thêm về việc đại diện ý kiến của doanh nghiệp Hội viên gửi đến các bộ, ban, ngành, ông Michael Beckman cho biết, trong văn bản kiến nghị thường là không nêu rõ đích danh công ty hội viên mà chỉ nói rằng, một thành viên của AmCham hay một nhà đầu tư Hoa Kỳ.
“Thêm vào đó, nội dung văn bản không bao giờ thể hiện sự cảnh cáo hay gây sức ép với Chính phủ mà đưa ra quan điểm rằng, trở ngại vướng mắc đó sẽ tác động ra sao đến hoạt động kinh doanh và nếu thay đổi được điều này có thể vốn đầu tư sẽ gia tăng vào Việt Nam”, ông Michael Beckman chia sẻ.