Doanh nghiệp
Ẩn số trong phương án thoái vốn nhà nước tại VIMC
Anh Minh - 19/04/2024 08:50
Chưa có nhiều thông tin cụ thể về lộ trình thoái sâu vốn nhà nước tại Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) từ 99,469% xuống 65% vốn điều lệ.
Cảng SSIT, đơn vị có vốn góp của VIMC      Ảnh: B.N

Sớm kích hoạt lộ trình thoái vốn

Trong số các nội dung quan trọng liên quan Đề án Cơ cấu lại VIMC giai đoạn 2021 - 2025 vừa được các cổ đông thông qua, đáng chú ý nhất là chủ trương tăng vốn điều lệ đồng thời với việc thoái vốn nhà nước tại công ty mẹ - VIMC từ 99,469% xuống còn 65% vốn điều lệ.

Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VIMC được tổ chức vào đầu tuần này, các cổ đông đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của VIMC thông qua phát hành cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại VIMC xuống 65% vốn điều lệ.

Mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn lần này có xét ưu tiên cho cổ đông hiện hữu và các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển loại hình vận tải hàng hoá đặc thù này. Thông qua việc cổ đông nhà nước giữ nguyên số lượng cổ phiếu hiện hữu, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ sẽ được đưa về mức 65% vốn điều lệ của công ty mẹ - VIMC sau khi tăng.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIMC cho biết, theo Chiến lược Phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch Sản xuất - kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, VIMC có nhu cầu vốn rất lớn để đầu tư các dự án đầu tư cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cần Giờ; mở rộng quy mô đội tàu container và các kết cấu hạ tầng logistics.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, cổ đông của VIMC đã thông qua tờ trình của HĐQT về việc cập nhật Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 của VICM, trong đó có chủ trương đầu tư góp vốn thành lập công ty liên doanh giữa VIMC và Công ty Aries Energy Corporation (Hy Lạp).

Công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đại lý vận tải hàng hoá, kho bãi, logistics này dự kiến có vốn điều lệ 200.000 USD, trong đó, VIMC góp 102.000 USD (tương đương 51% vốn điều lệ) và Aries Energy Corporation góp 98.000 USD (tương đương 49% vốn điều lệ).

Dự kiến, nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư của VIMC trong giai đoạn này lên tới 43.196 tỷ đồng, trong đó, giá trị giải ngân giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 31.796 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 12.246 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản hiện tại của VIMC chủ yếu tập trung ở tài sản cố định (đội tàu) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

“Chính vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của VIMC, nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh (đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả…), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của VIMC”, ông Sơn cho biết.

Được biết, theo phương án cổ phần hóa công ty mẹ - VIMC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018, vốn điều lệ của công ty mẹ - VIMC là 14.046 tỷ đồng, trong đó, cổ đông Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, do việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được và tỷ lệ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng thấp, nên vốn điều lệ hiện tại của công ty mẹ - VIMC chỉ là 12.005,8 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VIMC bị đẩy lên tới 99,469% vốn điều lệ.

Vào giữa năm 2023, VIMC cũng đã từng đề xuất giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước từ 99,47% xuống 65%; giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà nước tại 5 công ty vận tải biển, trong đó có 4 đơn vị thoái toàn bộ vốn góp; thoái một phần vốn nhà nước tại 7 công ty kinh doanh, khai thác cảng biển; thoái toàn bộ vốn góp nhà nước tại 3 doanh nghiệp dịch vụ hàng hải - logistics và một phần vốn góp nhà nước tại một công ty dịch vụ hàng hải - logistics.

Đại diện VIMC cho biết, đơn vị này đã nhận được khá nhiều xác nhận của các nhà đầu tư, các đối tác của Tổng công ty, trong đó có cả một số hãng tàu nước ngoài. Tuy nhiên, thời điểm và khối lượng phát hành sẽ chỉ được công bố sau khi cấp có thẩm quyền bổ sung VIMC vào danh mục các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 được ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.

“Chúng tôi đang bám sát việc cập nhật và hy vọng sẽ nhận được quyết định bổ sung vào danh mục các đơn vị thoái vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 vào đầu tháng 5/2024 để sớm bắt tay vào việc thoái vốn nhà nước tại công ty mẹ - VIMC”, đại diện VIMC thông tin.

Tạo nền tảng thuận lợi

Cần phải nói thêm, so với năm 2018, việc thoái vốn nhà nước tại công ty mẹ - VIMC được đánh giá là có nhiều thuận lợi, bởi tình hình sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty đang rất tích cực.

Theo kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2023 vừa được các cổ đông thông qua, doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 15.301 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.055 tỷ đồng; trong đó, công ty mẹ - VIMC đạt doanh thu 2.417 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 653 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VIMC chỉ bằng 91% kế hoạch, nhưng vẫn đứng vị trí thứ 59 trong Top 100 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023, được tôn vinh là doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam do VietNam Report đánh giá.

“Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của VIMC, nhất là trong bối cảnh năm 2023, tình hình thị trường vận tải biển thế giới có nhiều biến động”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan được giao nhiệm vụ đại diện phần vốn nhà nước tại VIMC) đánh giá.

Liên quan Kế hoạch Hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2024 vừa được cổ đông thông qua, VIMC đặt mục tiêu sản lượng vận tải biển đạt 15,9 triệu tấn (76% so với năm 2023); sản lượng hàng thông qua cảng 123,6 triệu tấn (108% so với năm 2023); doanh thu hợp nhất đạt 13.447 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.736 tỷ đồng. Công ty mẹ - VIMC đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 2.067 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 357 tỷ đồng.

VIMC cho biết, sản lượng năm 2024 của hầu hết đơn vị dự kiến giảm do thị trường vận tải biển năm 2024 vẫn rất khó khăn.

Công ty mẹ - VIMC phấn đấu đạt sản lượng vận tải biển 3,8 triệu tấn, giảm 32%, tương đương giảm 1,8 triệu tấn so với thực hiện năm 2023 (do ảnh hưởng từ khó khăn của thị trường vận tải biển và do dự kiến bán, thanh lý tàu); tổng doanh thu đạt 2.415 tỷ đồng, tăng 348 tỷ đồng, tương đương 17% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 935 tỷ đồng, tăng 578 tỷ đồng so với thực hiện năm 2023, gấp 2,62 lần so với thực hiện năm 2023.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC, trong năm 2024, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, thị trường vận tải biển tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, chiến tranh tiếp tục căng thẳng, leo thang tại nhiều khu vực, kéo theo nhiều hệ lụy, sức tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi gây ảnh hưởng tới nhu cầu vận tải hàng hóa trong năm 2024.

Các yếu tố như hạn hán tại kênh đào Panama; các cuộc tấn công tàu thuyền thương mại liên tục leo thang ở khu vực biển Đỏ, kênh đào Suez, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, dự kiến nguồn cung tàu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 khi các hãng tàu bắt đầu nhận bàn giao tàu mới sau 2 năm chờ đóng. Ngược lại, năm 2024, dự báo chỉ có số lượng thấp tàu được đem đi phá dỡ. Những yếu tố này sẽ khiến hoạt động kinh doanh của các hãng tàu suy giảm nghiêm trọng.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều hãng tàu lớn trên thế giới phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (năm 2023, Cosco đã cắt giảm 37% chi phí hoạt động so với năm 2022), dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán giá dịch vụ giữa các cảng và hãng tàu.

Tại thị trường Việt Nam, xu hướng tăng kích cỡ tàu, đặc biệt đối với cỡ tàu đi châu Âu (cỡ tàu lớn nhất lên tới hơn 24.000 TEU) có thể dẫn tới việc mất đi cơ hội đối với các cảng của VIMC như SSIT, CMIT, SP-PSA, lợi thế hoàn toàn thuộc về Gemalink.

Hiện nay, VIMC phải đối mặt với những thách thức lớn do đội tàu già (tuổi tàu trung bình là 20 tuổi), tính năng kỹ thuật kém, không đồng bộ, quy mô đội tàu ngày càng thu hẹp do quá trình tái cơ cấu cũng như do vướng mắc trong quy định về thủ tục đầu tư, nên nhiều năm nay, các doanh nghiệp của VIMC chưa đầu tư phát triển được đội tàu.

Khối cảng biển VIMC chịu áp lực ngày càng gay gắt từ khối tư nhân cũng như sự ra đời của nhiều cảng mới tại tất cả các khu vực có lợi thế hơn vị trí cảng của VIMC.

Nhằm thực hiện được những nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, qua đó giúp VIMC có năm thứ 4 liên tiếp có lãi trên 1.000 tỷ đồng/năm, từng bước cải thiện đáng kể các chỉ tiêu tài chình, chỉ số hiệu quả hoạt động, Tổng công ty sẽ quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng như.

“Để giữ được khách hàng, việc quan trọng là phải luôn ngồi vào vị trí khách hàng và đặt mình vào vị trí đối thủ, tức là luôn suy nghĩ và cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích cho khách hàng. VIMC sẽ quản lý và bảo toàn vốn, mang lại doanh thu cho Tổng công ty và các đơn vị thành viên thông qua các giải pháp đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển đội tàu vận tải thế hệ mới, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại”, ông Tĩnh nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác