Khu vực tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy qua đang là tâm điểm tăng giá của thị trường bất động sản TP.HCM. Ảnh: G.H |
Khan hàng và tăng giá
Nếu quanh khu vực tuyến metro số 1 đi qua có tới 16 dự án mới mở bán trong những năm 2015 - 2017, thì từ năm 2018 tới nay, chỉ có 5 dự án và các dự án này đều nằm cách xa tuyến đường sắt đô thị này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc có ít dự án bất động sản mới dọc tuyến metro số 1 thời gian qua vì hiện quỹ đất tại đây đã khan hiếm. Vì khan hàng mới, nên giá bất động sản tại quanh tuyến metro số 1 tăng khá mạnh.
Cụ thể, năm 2018, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, tuyến metro số 1 được kéo dài về huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã tạo đà cho các dự án bất động sản tại khu vực này tăng giá. Xa lộ Hà Nội - nơi tuyến metro số 1 đi qua, giá đất tăng mạnh nhất. Nếu như năm 2015, Tập đoàn Novaland ra mắt Dự án The Sun Avenue với giá 45 triệu đồng/m2, thì Công ty cổ phần Bất động sản Phú Khang mới ra mắt Dự án Rome Diamond Lotus (cùng phân khúc và sát bên dự án của Novaland), giá chào bán khởi điểm lên tới 70 triệu đồng/m2.
Hay tại trạm ngầm Ba Son của tuyến metro số 1, một dự án bất động sản ra mắt chung cư tại đây năm 2015 với giá 90 - 100 triệu đòng/m2, thì mới đây, Dự án Alpha King tại khu vực này chào bán giá với gần 200 triệu gần/m2.
Không chỉ các dự án mới mở bán tăng giá, mà các dự án bán trước đó nhiều năm cũng được đẩy giá tăng cao, như Dự án Him Lam Phú An giá bán lúc đầu 1,8 tỷ đồng/căn chung cư, thì nay đã tăng lên 2,4 tỷ đồng/căn…
Nguy cơ vỡ trận giá bất động sản
Giới phân tích cho rằng, vấn đề hiện nay là chưa quản lý được giá bất động sản. Hầu như mức tăng giá do các doanh nghiệp tự áp đặt, dựa trên các chi phí giá đất mua, chi phí xây dựng…
Đại diện một chủ đầu tư xin được giấu tên cho biết, mức độ tăng giá nhà đang do chủ đầu tư chủ động đưa ra. Ví dụ, một dự án chung cư có 600 căn hộ, chủ đầu tư sẽ chia làm nhiều đợt mở bán. Đợt đầu giá khoảng 23 triệu đồng/m2, nhưng tới đợt mở bán thứ 2, giá sẽ được tăng thêm 3 đến 5%. Giá bán được đẩy lên để tạo ra sóng thị trường, giúp chủ đầu tư tạo ra độ sốt ảo của dự án, tạo cho nhà đầu tư mua lúc đầu có lợi nhuận và kích thích thị trường các đợt bán sau. Tới đợt mở bán cuối, giá sẽ đẩy lên từ 10 đến 15% và khi giao nhà, giá sẽ tăng 15 - 20%.
Chính các đợt đẩy giá này của doanh nghiệp đã tạo ra áp lực giá cho các dự án mở bán sau, buộc các dự án sau không thể mở bán giá thấp hơn dự án trước. Kết quả, người mua nhà không biết đâu là giá trị thực của dự án mình mua.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu không có chính sách cụ thể về quy định giá bất động sản mà cứ thả nổi cho doanh nghiệp tự ấn định như hiện nay sẽ dẫn tới lệch pha cung - cầu. Nguồn cung hiện nay chủ yếu ở các dòng sản phẩm có giá trên 2 tỷ đồng/căn, trong khi nhu cầu mua nhà tập trung ở phân khúc dưới 2 tỷ đồng/căn. Nếu giá cao, lượng tồn kho tăng, người mua đa phần là giới đầu tư mua nhà để kinh doanh, nên tình trạng dự án được bàn giao mà vắng người ở sẽ diễn ra.
“Vấn đề này đã xuất hiện trên thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tình trạng tăng giá không kiểm soát như hiện nay có thể dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản, bởi thị trường sốt ảo”, ông Châu nói.
Chia sẻ vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, bất cứ thị trường nào, khi tăng giá quá mạnh mà không tương ứng với nguồn cầu thì sớm muộn sẽ rơi vào khủng hoảng. Hiện nay, ngân hàng đang kiểm soát rất gắt gao việc cho vay mua bất động sản, nên thời gian tới, bất động sản tại TP.HCM sẽ đứng giá hoặc giảm giá. Xu thế này có thể diễn ra vào khoảng cuối năm 2019 và trong năm 2020. Vì vậy, khách hàng cần thận trọng khi bỏ tiền đầu tư bất động sản.