- Doanh nhân Phan Văn Quý: “Người chiến sỹ ấy…”
- Đại biểu Phan Văn Quý: Đầu tư thích đáng để bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Doanh nhân Phan Văn Quý: Tạo thêm động lực cho kinh tế biển
- Doanh nhân Phan Văn Quý: “Người chiến sỹ ấy…”
- Đại biểu Phan Văn Quý: Đầu tư thích đáng để bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Doanh nhân Phan Văn Quý: Tạo thêm động lực cho kinh tế biển
- Đại biểu Phan Văn Quý: Đầu tư thích đáng để bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Doanh nhân Phan Văn Quý: “Người chiến sỹ ấy…”
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nhân Phan Văn Quý, nhà sáng lập, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương (Ảnh: Chí Cường) |
Thưa ông, những người có dịp tiếp xúc với ông đều cảm nhận được sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, xông pha vào chiến trận, gan dạ, sáng tạo, bản lĩnh, hết mình vì đồng đội…, tạo nên một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Quý ở tuổi đôi mươi. Những ngày đầu tiên bước chân vào quân ngũ của ông như thế nào?
Cuối năm 1971, cũng như bao thanh niên khác, tôi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Sau hơn một tháng huấn luyện bộ binh và khoảng 5 tháng đào tạo lái xe, tôi được điều động về công tác tại Đại đội 7, Tiểu đoàn 76 thuộc Trung đoàn 11 ô tô vận tải, bộ đội Trường Sơn. Sau một thời gian ngắn, tôi được chỉ huy đơn vị giao lái chính chiếc xe Zil-157 DD4432 - loại xe ba cầu do Liên Xô sản xuất và chiếc xe này đã gắn bó, đồng hành cùng tôi suốt thời gian tôi tham gia phục vụ chiến đấu trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn.
Ít người biết, ông là thương binh 4/4, sau một lần bị máy bay địch đánh chặn trên đường vận chuyển. Ông còn nhớ chuyến đi đó không?
Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc của tôi trong thời gian tham gia phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Lần đó, đơn vị tôi vận chuyển hàng ra mặt trận. Sau khi giao hàng, tôi cùng đơn vị nhận nhiệm vụ chở thương binh từ tuyến trước về tuyến sau. Khi đoàn xe vừa qua trọng điểm đèo Phu La Nhích thì trời gần sáng, bị máy bay địch phát hiện, đánh chặn. Trong ầm ầm tiếng bom đạn, tôi điều khiển xe đi vào đường mang cá để đảm bảo an toàn cho xe và người. Sau đó, tôi cùng chiến sĩ giao liên lần lượt dìu 25 thương binh vào nơi ẩn nấp. Khi máy bay địch dừng oanh tạc, tôi lại cùng các chiến sĩ giao liên đưa đoàn thương binh về phía sau an toàn.
Sau hơn 3 năm hoạt động trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, với những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương. Đặc biệt, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 23 tuổi. Vì sao ông lại quyết định rời môi trường quân đội và “tự bơi” ra thương trường?
Cuối năm 1999, nền kinh tế đất nước ngày càng mở cửa và hội nhập. Tôi muốn làm một việc gì đó để cải thiện kinh tế cho gia đình và đóng góp cho cộng đồng. Vì vậy, tôi quyết định rời quân ngũ, làm kinh tế tư nhân.
Tôi đã gặp Thủ trưởng của mình là Trung tướng Phạm Tuân, lúc đó là Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm chính trị, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, để trình bày ý nguyện của mình. Thủ trưởng Phạm Tuân dù rất bất ngờ với đề xuất của tôi, nhưng sau những đắn đo, lo ngại, ông cũng ủng hộ quyết định này. Và cuối cùng, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã nhất trí cho tôi ra quân, nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.
Về câu chuyện này, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: Phan Văn Quý không dựa vào dĩ vãng, không sống bằng vinh quang. Nhà thơ có viết mấy câu: “Trước giặc là lính cựu/Sau trâu, là tân binh/Cái nghèo và cái dốt/Bày trận giữa thời bình”. Rời vị trí một cựu binh được tôn vinh anh hùng để bước vào một trận chiến mới - nơi ông chỉ là một tân binh, ông đã gặp những khó khăn gì và đối mặt với nó như thế nào?
Đến với thương trường, hành trang tôi mang theo để khởi nghiệp vỏn vẹn là ý chí, bản lĩnh, phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ và tôi cũng không tránh khỏi quy luật “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại”. Ở bước khởi đầu, tôi đã từng hai lần vấp ngã. Đó là thành lập doanh nghiệp chuyên kinh doanh về xăng dầu và doanh nghiệp về xây dựng - cả hai đều phải giải thể sau một thời gian ngắn do kinh doanh đổ vỡ.
Có những lúc, khi áp lực công việc lên đến đỉnh điểm, tôi đã phải vục đầu vào nước lạnh, thậm chí, trầm mình vào bể nước dưới 10oC để giải tỏa. Nói chung, cay đắng, áp lực, rủi ro… là những điều không thể tránh khỏi đối với nghiệp kinh doanh. Nhưng càng áp lực thì càng cần cố gắng.
Đến tháng 7/2001, tôi cùng một số đồng đội sáng lập công ty mới - nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương. Sau gần 25 năm hoạt động, Công ty đã phát triển trở thành một tập đoàn đa ngành, với quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh được phát triển tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam và một số nước trong khu vực, với khoảng 20 doanh nghiệp thành viên và đơn vị có vốn góp.
Đối với tôi, những gì đã qua là trải nghiệm để tôi vững vàng hơn trong “nghiệp” mà mình đã chọn.
Nguyên soái Zhukov, một trong những nhà cầm quân lỗi lạc của quân đội Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai từng nói: “Một người tá giỏi phải biết chỉ huy quân xông pha trong trận mạc giỏi, nhưng một người tướng giỏi phải là người nhận định được trận đánh giỏi”. Vậy ông đã vận dụng để “nhận định được trận đánh” khi tham gia thương trường như thế nào?
Với tôi, làm kinh tế cũng giống như trong quân sự, việc chọn thời cơ là vô cùng quan trọng.
Năm 2007, khi theo dõi thị trường thế giới, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ, tôi thấy có những điều bất bình thường. Thị trường trong nước cũng bắt đầu có một số dấu hiệu bất ổn. Vì vậy, trong lúc đầu tư kinh doanh ngân hàng, chứng khoán đang sôi động, tôi đã quyết định bán và rút vốn khỏi ngân hàng, chứng khoán. Ngay sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới nổ ra, ảnh hưởng nặng nề tới thị trường tài chính Việt Nam, còn Tập đoàn Thái Bình Dương đã “né bão” thành công.
Tôi nghĩ, quyết định đó là do học hỏi những người đi trước, nắm bắt được đầy đủ thông tin và quan trọng hơn là từ những trải nghiệm của người lính.
Có người nói rằng, tiếp xúc với ông và người Thái Bình Dương sẽ nhận thấy được nét văn hóa rất riêng của doanh nghiệp - doanh nhân, đó là vừa giữ được giá trị truyền thống, vừa có những nét hiện đại, mới mẻ, hội nhập. Ông suy nghĩ gì về nhận xét này?
Với tôi, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững. Gần 25 năm qua, chúng tôi đã học hỏi, tích lũy để xây dựng cho mình văn hóa doanh nghiệp, với các giá trị cốt lõi: “Hợp tác - Kế hoạch - Kỷ luật - Sáng tạo - Nhân văn”, và slogan “Tri thức nâng tầm giá trị”. Đây chính là kim chỉ nam định hướng cho mọi hoạt động của Tập đoàn.
Trong mọi hoạt động, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần “thượng tôn pháp luật”, xây dựng cho mình các quy chế, quy định chặt chẽ và đầy đủ. Khi triển khai công việc, dù lớn hay nhỏ, đều phải có kế hoạch, phải theo đúng quy trình, quy định và phải thực hiện nghiêm từ người đứng đầu… Chúng tôi luôn xác định con người là yếu tố trung tâm, nên đã xây dựng các cơ chế lương, thưởng và phụ cấp đầy đủ, phù hợp, đặc biệt là phụ cấp bù lạm phát, hài hòa lợi ích cho người lao động, để họ yên tâm công tác, nỗ lực phấn đấu trong công việc, góp phần xây dựng phát triển doanh nghiệp. Với đối tác, chúng tôi luôn minh bạch trong mọi hoạt động, coi đối tác như đồng đội, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan và lợi ích của doanh nghiệp mình…
Cùng với việc đầu tư kinh doanh, chúng tôi đã và đang tài trợ khoảng 150 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị vật chất cho các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần chia sẻ cùng cộng đồng.
Được biết, ông đã và đang có các bước chuyển giao cho thế hệ sau nối tiếp công việc kinh doanh và khát vọng phát triển của Tập đoàn. Ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến các thế hệ nhận chuyển giao?
Với tôi, việc đầu tư kinh doanh cũng như người trồng cây vậy. Theo đó, phải tìm đất, chọn giống phù hợp trước lúc gieo trồng. Sau đó, phải dày công chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây mới xanh tốt, đơm hoa, kết trái, mới cho người trồng những hoa thơm, trái ngọt và những mùa bội thu.
Trong những năm gần đây, tôi đã có kế hoạch chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo. Không những chuyển giao về công việc, mà còn định hướng cho thế hệ tiếp theo rằng, để có thêm kiến thức thì phải biết sống hòa đồng, gần gũi, tôn trọng mọi người và luôn luôn biết lắng nghe, thấu hiểu, biết chia sẻ và chân thành với mọi người. Muốn thành công phải lao động không ngừng nghỉ, phải thực sự cần cù, chịu khó, phải lăn lộn trong thực tế và học tập mọi lúc, mọi nơi, học ở mọi người.
Những nỗ lực ấy phải được tích lũy từ khi còn trẻ. Đó là cơ sở để tạo nên sự phát triển bền vững và sẽ nâng thêm tầm nhìn cho mỗi cá nhân và đơn vị của mình.
Ông mong đợi các thế hệ tiếp theo trong Tập đoàn sẽ thừa hưởng và phát huy những phẩm chất nào để đưa Thái Bình Dương tiếp tục lập nên những kỳ tích mới?
Tôi mong những phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, như quyết liệt trong hành động, sáng tạo trong tư duy, biết hiệp đồng tác chiến, biết làm giàu cho mình và chia sẻ với cộng đồng… tiếp tục được phát huy cho các thế hệ của Tập đoàn Thái Bình Dương, trong đó có các con yêu quý của tôi. Để rồi, Thái Bình Dương sẽ tiếp tục có nhiều dự án, công trình, đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển chung của cộng đồng và đất nước.