Án lệ hiểu một cách đơn giản là với cùng một hành vi, trước kia tòa án phán quyết thế nào, thì với vụ việc tương tự cũng phải phán quyết như thế. Hiện nay ở nước ta, phổ biến tình trạng mỗi cấp tòa xử một kiểu.
Một trường hợp hiện đang gây bức xúc cho dư luận, vì cùng một việc giống nhau mà tòa xử không thống nhất, đó là vụ 3 khách hàng của dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP.HCM), kiện chủ đầu tư là Công ty PVC Land vì chậm giao căn hộ.
Cụ thể, bà Trần Thị Châu Giang, ông Hà Khắc Huy và bà Trần Thị Châu Hà cùng kiện PVC Land ra Tòa án Nhân dân quận 2, TP.HCM, đòi số tiền đã nộp để mua nhà của công ty này và tiền lãi suất phát sinh. TAND quận 2 đã xử 3 bản án giống nhau, đó là tuyên hủy hợp đồng mua bán căn hộ, buộc PVC Land phải hoàn trả số tiền mà các khách hàng này đã nộp.
Ảnh minh hoạ, nguồn Internet |
Tuy nhiên, ở cấp phúc thẩm thì Toà án Nhân dân TP.HCM lại bác bản án mà TAND quận 2 xử cho nguyên đơn Trần Thị Châu Giang, vì cho rằng cấp sơ thẩm không định giá tài sản (căn hộ) mua bán để giải quyết hậu quả thiệt hại của hợp đồng vô hiệu là không đúng quy định; buộc PVC Land trả cho nguyên đơn (bên mua) toàn bộ số tiền đã thanh toán và tiền lãi theo lãi suất chậm là không đúng căn cứ.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là với 2 bản án còn lại, của ông Hà Khắc Huy và bà Trần Thị Châu Hà, cùng kiện PVC Land, thì TAND TP.HCM lại giữ nguyên phán quyết của TAND quận 2. Điều này khiến dư luận rất băn khoăn, vì nội dung vụ việc giống nhau, cùng chung một sai phạm của chủ đầu tư là “không bàn giao căn hộ như hợp đồng ký kết”, cùng một tòa xử, mà tại sao phán quyết với đương sự này lại khác hoàn toàn với đương sự kia?.
Qua vụ việc có thể thấy, nếu áp dụng án lệ sẽ đem lại công bằng cho các đương sự, tránh sự thắc mắc khiếu kiện. Ông Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử thuộc Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, việc phát triển án lệ sẽ giúp nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của ngành tòa án, đảm bảo áp dụng đúng pháp luật, thống nhất, ngăn ngừa sự duy ý chí của thẩm phán khi áp dụng pháp luật, nâng cao kỹ năng và chất lượng xét xử.
Qua tham khảo kinh nghiệm các nước như Anh, Mỹ cho thấy, viện dẫn án lệ, thẩm phán có thể đưa ra phán quyết một cách chính xác hơn, giảm số án bị hủy, bị sửa. Quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ sẽ là khuôn mẫu cụ thể, rõ ràng để dễ nhận biết vấn đề pháp lý được đặt ra trong vụ án.
Đặc biệt, ông Minh đánh giá, án lệ sẽ bổ trợ cho sự thiếu hụt các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, định hướng cho tòa các cấp viện dẫn để giải quyết vụ việc. Viện dẫn án lệ giúp tăng tính thuyết phục và rõ ràng trong các quyết định của tòa.
Là người nhiều năm tranh tụng tại Tòa án, luật sư Nguyễn Duy Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty luật Hoàng Giao và Cộng sự đánh giá, áp dụng án lệ có rất nhiều ưu điểm, ngoài việc giúp tòa án ra phán quyết công bằng giữa các vụ việc tương tự, án lệ còn chống được nạn chạy án.
Theo luật sư Nguyên, kẻ chạy án thường nhắm vào những khoảng hở, thiếu quy định pháp luật điều chỉnh, thẩm phán dễ né được lỗi trách nhiệm. Nhiều trường hợp lợi dụng đương sự thiếu hiểu biết pháp luật, một số kẻ biết trước đường lối xét xử vụ án rồi đi lừa tiền, chứ không cần chạy án thì kết quả vẫn thế. Áp dụng án lệ, nếu xử khác thì tòa án phải nêu rõ lý do vì sao không vận dụng án lệ. Nếu hội đồng xét xử phán quyết sai thì lỗi chủ quan quá rõ, không né trách nhiệm được. Sẽ không còn dư luận là quyền trong tay, tòa muốn xử thế nào cũng được.
“Công bố án lệ thì đương sự trong vụ việc có thể tìm hiểu, nắm được đường lối xét xử, dự báo trước kết quả. Họ cũng hiểu rằng án lệ rõ thế, nếu chạy án rất dễ bị tòa cấp trên phát hiện ra, hủy án, mất tiền vô ích. Thậm chí, nếu thấy phán quyết của hội đồng xét xử khác với án lệ mà gây thiệt thòi thì họ có thể dùng quyền kháng cáo yêu cầu phúc thẩm, viện dẫn án lệ đối chứng”, luật sư Nguyên phân tích.
Được biết, vấn đề áp dụng án lệ đã được Bộ Chính trị bàn khi xây dựng các Nghị quyết về cải cách tư pháp. Nghị quyết 49/2015/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020, khẳng định chủ trương cho phép nghiên cứu áp dụng án lệ. Án lệ sẽ giúp giải quyết vấn đề xã hội dân sự và quan hệ dân sự vốn rất phát triển, luôn biến động và pháp luật không thể điều chỉnh được tất cả.
Tư tưởng cải cách tư pháp của Trung ương và Bộ Chính trị, trong đó có nghiên cứu áp dụng án lệ được hầu hết giới luật gia đánh giá là hoàn toàn chính xác, vì luật không chỉ áp dụng cho Việt Nam mà còn đảm bảo hội nhập quốc tế tốt hơn. Tất nhiên, không thể muốn áp dụng án lệ là triển khai được ngay, bởi sẽ phải chuẩn bị nguồn án lệ và phải xác định bản án của tòa án cấp nào được coi là án lệ; bản án của tòa án cấp dưới có được coi là án lệ để tòa án cấp trên áp dụng không,...
Tuy nhiên, áp dụng án lệ là xu hướng không thể đảo ngược. Vì thế, chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, mà việc chuẩn bị trước tiên là khơi thông nhận thức từ các nhà làm luật, tòa án cho đến người dân, để hiểu và ủng hộ việc áp dụng án lệ.