Vừa qua tại Cần Thơ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo “Kinh doanh bền vững: Chìa khoá tạo lợi thế cạnh tranh”, nhằm cập nhật cho doanh nghiệp Việt Nam những xu hướng và thực tiễn trong áp dụng ESG (Môi trường, Xã hội, và Quản trị) cũng như các cơ hội và nguồn lực hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong việc triển khai áp dụng ESG vào thực tiễn doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia tọa đàm tại hội thảo Kinh doanh bền vững - chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh |
Ông Vũ Chí Công, Quỹ đầu tư VinaCapital đưa ra nhận định: “Thị trường, bao gồm nhà đầu tư, các đối tác và khách hàng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về phát triển bền vững. Khi các doanh nghiệp thấy đối tác của mình không triển khai ESG một cách tốt nhất sẽ tạo những rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp”.
Đại diện Quỹ đầu tư VinaCapital dẫn chứng những doanh nghiệp dệt may da giày: “Ngành da giày Việt Nam trong thời gian vừa qua mất rất nhiều hợp đồng sang tay của các nhà sản xuất Bangladesh chỉ vì Bangladesh đi trước Việt Nam trong việc triển khai ESG”.
Thực tế, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, tại đây có khoảng 85 – 90% nhà máy may đạt tiêu chuẩn LEED Platinum, tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất của Mỹ do hiệp hội các nhà đầu tư xây dựng Mỹ đặt ra. Hình ảnh của ngành may mặc của đất nước đã được làm sáng tỏ nhờ ý tưởng sáng tạo về các tòa nhà xanh và cũng tiết kiệm được gần 30% năng lượng và nước tiêu thụ.
Thêm vào đó, nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI), theo ông Công, tiếp tục là nguồn vốn thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, đều có những ràng buộc phát triển nghiêm ngặt trong khuôn khổ ESG. Để các doanh nghiệp có thể nhận được nguồn vốn này cũng như các dự án có thể đi vào triển khai, ngoài những quy định tại nước sở tại, ESG tại doanh nghiệp cũng phải được tuân thủ rõ ràng. Cụ thể, như trường hợp LEGO (Đan Mạch) vừa cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam. Điều kiện đặt ra là đối tác phải triển khai thực hiện ESG ở một mức độ nhất định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quý Hạnh, chuyên viên tư vấn cao cấp ERM, “Các nhà đầu tư quốc tế ngày càng có nhiều ưu tiên và kỳ vọng về ESG”. Bối cảnh ESG ở Việt Nam hiện nay “rất sôi động”, các doanh nghiệp Việt Nam đang đưa rủi ro khí hậu và ESG vào trong chiến lược kinh doanh và quản trị. Theo ông, đây vừa là thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp thực hành ESG.
Ông Nguyễn Quý Hạnh - Chuyên viên tư vấn cao cấp và trưởng nhóm xã hội công ty ERM Việt Nam trình bày trực tuyến tại Hội thảo |
Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng giới thiệu chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 để thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững xuất sắc nhất.
Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 (Vietnam ESG Initiative 2023) là chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững triển khai thực hành khung đánh giá ESG. Đây là một trong những nỗ lực góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững. Việc áp dụng thực hành ESG sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.
Được chính thức công bố ngày 22/11/2022, Sáng kiến ESG Việt Nam hướng đến thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội. Sáng kiến này sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và hộ gia đình áp dụng tiêu chuẩn ESG. Mục tiêu là đến năm 2025, Sáng kiến này sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình, trong đó 10 doanh sẽ nhận được các hỗ trợ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo.