Ngân hàng - Bảo hiểm
Áp lực lên lãi suất còn lớn
Vân Linh - 02/11/2022 09:38
Mặt bằng lãi suất liên tục tăng mạnh sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành thêm 1% và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng lên 6%, song sức ép lên lãi suất trong 2 tháng cuối năm còn lớn, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm lãi suất.
Mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022. Ảnh: Đức Thanh

Lãi suất tăng mạnh

Theo biểu lãi suất cập nhật mới nhất ngày 28/10 của VPBank, mức lãi suất cao nhất hiện nay là 8,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online từ 50 tỷ đồng trở lên, lãnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn từ 12-36 tháng. Tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng theo hình thức kể trên có mức lãi suất dao động khoảng 5,6-6%/năm; đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng, lãi suất cao nhất là 8,7%/năm và thấp nhất là 7,9%/năm. Với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, người gửi tiền được cộng thêm 0,1% lãi suất nếu thuộc nhóm khách hàng ưu tiên và lãi suất tối đa lên đến 9,4%/năm.

Cũng bắt đầu điều chỉnh tăng từ ngày 28/10, Nam A Bank áp dụng lãi suất tiền gửi lên đến 11%/năm, nhưng chỉ cho 3 tháng đầu đối với các khoản tiền gửi tại sản phẩm Happy Future kỳ hạn 9 tháng, còn 6 tháng sau chỉ có lãi suất 5,95%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…

Trong khi đó, SCB niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 9,3%/năm kể từ ngày 25/10. Ngân hàng Bản Việt điều chỉnh lãi suất tiền gửi từ ngày 26/10, tăng 0,5 - 1,2%/năm theo từng kỳ hạn gửi, trong đó mức lãi suất cao nhất lên tới 8,9%. Tại CBBank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện là 8,9%/năm, dành cho tiền gửi thuộc gói sản phẩm Vạn Phát Lộc, kỳ hạn từ 13 tháng cho đến dưới 24 tháng.

Không chỉ khối ngân hàng tư nhân, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng tăng lãi suất huy động thêm 1%/năm từ ngày 27/10.

Thực tế trên khiến ngân hàng đẩy dần lãi suất cho vay để đảm bảo chi phí và lợi nhuận trong kinh doanh. Hiện mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực ưu tiên đã tăng thêm 1-2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà băng cho vay trong khoảng 8-10% tùy từng nhóm khách hàng và mục tiêu vay vốn.

Đáng chú ý, với nhóm khách hàng cá nhân, mức lãi suất cho vay mới và khoản vay cũ tại phần lớn ngân hàng đã tăng ít nhất 2-3% so với đầu năm nay. Thông thường, nhà băng ưu đãi lãi suất cho khoản vay mới trong 3 tháng đến một năm đầu tiên, trước khi áp dụng mức lãi suất thả nổi. Hiện lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân đã tăng từ 9-9,5% lên mức tối thiểu 11,5-13%/năm tại nhà băng tư nhân và khoảng 11,5-12%/năm tại khối ngân hàng vốn nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, trần huy động được nâng lên cho phép các ngân hàng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Đây là thời điểm tốt cho người gửi tiền tiết kiệm, bởi lãi suất vẫn có xu hướng nhích lên. Nhưng việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân cần vốn, kể cả ngân hàng khi chi phí đầu vào đội lên so với trước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng ủng hộ NHNN tăng lãi suất điều hành, vì không còn cách nào khác. Nguyên do là áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao. Trong bối cảnh này, Fed đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Ngoài ra, việc USD lên giá mạnh đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Chưa hết áp lực cuối năm

Các nhà phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tỷ giá - lãi suất đang là một vòng xoáy. NHNN có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5-1% lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá. Với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá 10-15% trong năm 2022.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sức ép tăng lãi suất đang rất lớn. Dù NHNN đã nới biên độ tỷ giá nhằm góp phần giảm áp lực tăng lãi suất, song từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay.

Theo VDSC, từ đầu tháng 10/2022 đến nay, tiền đồng đã mất giá 4,1% so với cuối tháng 9, gần xấp xỉ mức mất giá của tiền đồng trong suốt 9 tháng đầu năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá xấp xỉ 8,8% trên thị trường chính thức, có xu hướng rơi vào kịch bản xấu và kỳ vọng mức mất giá 10% cho cả năm 2022. Tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng mạnh song hành với việc NHNN liên tục nâng tỷ giá trung tâm thời gian gần đây, nới biên độ tỷ giá và tăng giá bán USD cho các ngân hàng thương mại, do đó giải pháp tốt nhất là tăng lãi suất.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, sắp tới, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ biến động theo, để kìm mức độ mất giá của VND, thì có thể dùng dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất điều hành cũng đã được tăng trong tháng 9 và tháng 10/2022, dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng an toàn là 3 tuần nhập khẩu.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và điều kiện thị trường trong nước, cho thấy NHNN luôn nhìn nhận phản ứng của thị trường, khi sau lần tăng lãi suất điều hành thứ nhất, áp lực lên thị trường vẫn lớn. Bên cạnh đó, tăng lãi suất điều hành là công cụ quan trọng để giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước và sức ép của lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh USD lên giá mạnh.

Theo một chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, CPI tháng 9/2022 của Mỹ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021, dù giảm 0,1% so với tháng 8/2022 do giá năng lượng giảm 2,1%, nhưng tăng mạnh hơn so với mức dự kiến là 8,1%. Như vậy, khả năng Fed sẽ đưa lãi suất cơ bản USD lên 4,5- 4,75% vào cuối năm 2022, sau đó có thể tăng nhỏ hơn vào tháng 2 và tháng 3/2023. Chu kỳ thắt chặt tiền tệ lần này của Fed có thể đưa lãi suất tăng lên trên 5%. Do đó, áp lực lên tỷ giá là khó tránh.

Các nhà phân tích tài chính dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 với một số lý do: nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; thanh khoản thị trường chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng; nhu cầu tiền mặt mùa Tết Nguyên đán tăng cao vào cuối năm tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Tin liên quan
Tin khác