Sắt thép, xi măng, phân bón được “gọi tên” đầu tiên
EU thông báo sẽ thực hiện Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro - những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
- EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm từ tháng 10/2023.
- Riêng nước Đức đã có chính sách quản lý chuỗi cung ứng gắn với tiêu chuẩn khắt khe về trách nhiệm thẩm định về môi trường trong chuỗi cung ứng từ ngày 1/1/2023. Tuy chính sách này áp dụng với doanh nghiệp Đức, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng tới tất cả chuỗi cung ứng khi doanh nghiệp làm xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, thực thi CBAM sẽ làm chậm bước đi của hàng hóa Việt Nam trong quá trình tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Những lợi thế đạt được từ EVFTA có thể bị giảm bởi diễn biến hoạch định chính sách trong khu vực EU, nổi bật là Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal), đồng nghĩa với việc xuất khẩu hàng hóa sang EU sẽ trở nên khó khăn hơn.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 50 tỷ USD. EU đang là một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Việc thực thi CBAM có thể gây ra một số khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới.
Trước đó, từ năm 2005, EU bắt đầu thực hiện đánh thuế việc xả thải carbon. Các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại EU bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường. Thuế carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm tuân theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết.
Chuyển đổi là tất yếu
Tháng 1/2026, CBAM sẽ có hiệu lực chính thức với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thép, xi măng, sắt, phân bón vào EU sẽ còn 3 năm để chuẩn bị.
Trong giai đoạn này, nếu doanh nghiệp không giảm phát thải khí carbon, trường hợp bị áp thuế, hàng hóa xuất khẩu sẽ trở nên đắt
đỏ hơn và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành hàng.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cũng đang quan ngại việc xuất khẩu xi măng sang các thị trường Mỹ, EU... sẽ trở nên hẹp đường do bị áp thuế phát thải carbon. Ông Dương Ngọc Trường, Phó ban An toàn Môi trường (Tổng công ty Xi măng Việt Nam) chia sẻ: “Cơ chế CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, nhiều doanh nghiệp xi măng đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai các dự án chuyển đổi công nghệ, không chỉ về vốn, mà còn cả về mặt chính sách”.
Với ngành thép, lo ngại còn lớn hơn. Cú hích EVFTA đi vào thực thi đã giúp xuất khẩu sắt thép sang thị trường EU năm 2021 tăng hơn 8 lần so với năm 2020, trong đó, lượng đạt 1,63 triệu tấn, tăng 532% so với năm 2020, kim ngạch đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng tới 845% so với năm 2020.
Dù vậy, cần phải nhấn mạnh rằng, giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu của thế giới. Các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã và đang xây dựng cơ chế tương tự và sớm hay muộn sẽ có lộ trình áp dụng. Do đó, chuyển đổi sản xuất hướng tới xanh hơn, bảo vệ môi trường nhờ cắt giảm phát thải trong quá trình sản xuất là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn khai thác kênh xuất khẩu, tận dụng 15 FTA đang có hiệu lực.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho rằng, để ứng phó tốt với quy định mới này của EU, trong tương lai gần, doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.
Không chỉ với các ngành sản xuất phân bón, xi măng, hóa chất, mà sẽ đến lúc, bất kỳ ngành hàng nào xuất khẩu sang EU cũng đều phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Bởi vậy, ngay từ thời điểm này, 2 ngành hàng xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD sang EU mỗi năm là da giày và dệt may cũng đang lo chuyển đổi sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu của EU về hàng hóa dệt may phải có tính bền vững, tái chế được, quá trình sản xuất phải giảm thiểu chất thải, nước thải và giảm tiêu hao điện năng.
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), khi thực hiện sản xuất xanh, chắc chắn giá thành sẽ bị đẩy lên, vì thế, nếu tiếp cận theo các chuẩn mực kinh doanh bình thường, thì những dự án đầu tư theo hướng xanh có tỷ suất thu hồi vốn không cao. Nhưng trong trung hạn, Vinatex cũng phải đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.