Lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ban hành quyết định về việc chuyển cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG) từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 15/8/2024, do vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Tuy nhiên, mã cổ phiếu DAG còn phải đối mặt với áp lực lớn hơn, đó là hủy niêm yết bắt buộc, khi mà lỗ lũy kế của Nhựa Đông Á đã vượt vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 do Nhựa Đông Á tự lập, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty âm 641 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp của chủ sở hữu là 603 tỷ đồng.
Theo khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, một trong các trường hợp khiến cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết là kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Nửa đầu năm 2024, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu chỉ đạt 55 tỷ đồng, tương đương 6% con số đạt được của cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn, cộng thêm việc phải gánh các chi phí như lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp… khiến Nhựa Đông Á lỗ ròng 67 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Nhựa Đông Á ghi nhận lỗ ròng 606 tỷ đồng, chủ yếu do dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng mạnh đột ngột, từ 34 tỷ đồng lên 404 tỷ đồng.
Cần nhắc lại rằng, Nhựa Đông Á từng được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, doanh thu tăng trưởng đều đặn kể từ năm 2007 và đạt đỉnh hơn 2.200 tỷ đồng năm 2022. Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ từ năm 2023 đến nay đã “thổi bay” mọi thành quả tích lũy của Công ty.
Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Tổng giám đốc Đường Ngọc Diệu cho biết, nguyên nhân chính khiến Nhựa Đông Á đi lùi là đại dịch và vòng đời sản phẩm giảm. Bên cạnh đó, áp lực lãi vay ngày càng gia tăng khiến lợi nhuận lùi sâu (năm 2023, chi phí lãi vay là 90 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022; nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay là 36,5 tỷ đồng).
Hoán đổi cổ phiếu cho chủ nợ để giải tỏa áp lực nợ vay
Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, Nhựa Đông Á có nhiều khoản vay dài hạn với lãnh đạo Công ty, như vay Thành viên HĐQT Phạm Ngọc Hinh 100 tỷ đồng, vay cựu Chủ tịch HĐQT Trần Việt Thắng 40 tỷ đồng; vay Thành viên HĐQT Nguyễn Bá Hùng gần 184 tỷ đồng.
Để tái cơ cấu các khoản nợ, Nhựa Đông Á có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho các chủ nợ hơn 28,3 triệu cổ phần để hoán đổi 283 tỷ đồng nợ vay thành vốn cổ phần. Theo đó, ông Phạm Ngọc Hinh sẽ nhận 10 triệu cổ phần và ông Nguyễn Bá Hùng gần 18,4 triệu cổ phần.
Nếu thực hiện thành công kế hoạch phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 là doanh thu 642,2 tỷ đồng, lãi sau thuế 9,5 tỷ đồng, thì Nhựa Đông Á sẽ “thoát” án hủy niêm yết bắt buộc.
Song khó khăn vẫn còn đeo đuổi trong tương lai gần. Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Đường Ngọc Diệu cho biết, năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, do các ngân hàng đồng loạt hạ nhóm tín dụng xuống nhóm 5, nên việc tiếp cận vốn vay khó có thể khôi phục để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, Nhựa Đông Á có tổng nợ phải trả là 1.367,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 733,6 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 412 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nhựa Đông Á có những khoản trích lập dự phòng với giá trị lớn, có nguy cơ mất vốn. Cụ thể, Công ty đang trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 118,5 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn kho xấp xỉ 362 tỷ đồng.
Ông Đường Ngọc Diệu cho biết, Nhựa Đông Á sẽ nghiên cứu, định hướng các phương án cơ cấu lại tài sản, nợ vay nhằm giảm bớt áp lực về tài chính, tìm các giải pháp để duy trì và đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.