Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Ảnh: Đức Thanh |
Tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng, thuế suất 15%
Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám (dự kiến khai mạc ngày 21/10), Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào đầu tuần sau (ngày 23/9).
Một trong những chính sách đáng chú ý của Dự thảo là điểm mới của quy định thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Ban Soạn thảo (Bộ Tài chính), hiện nay, số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Trong tổng số khoảng 900.000 doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động, thì số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%.
Sau một số lần được hỗ trợ về thuế, từ ngày 1/1/2016 đến nay, doanh nghiệp có quy mô nhỏ đang áp dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác (mức thuế suất phổ thông là 20%). Riêng năm 2020 - 2021, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên các doanh nghiệp này được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, phần lớn các nước áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ thấp hơn mức thuế suất phổ thông, có phân biệt theo quy mô doanh thu, thu nhập chịu thuế.
Để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh hiện nay, Chính phủ đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng. Áp dụng thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 15% và 17% nêu trên là tổng doanh thu của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng cho phù hợp với yêu cầu quản lý.
Mức thuế suất 15% và 17% nêu trên không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất quy định tại khoản này, để đảm bảo việc thực hiện ưu đãi thuế đúng mục tiêu, hạn chế việc xói mòn cơ sở thuế.
Đánh giá tác động của chính sách mới nói trên, Bộ Tài chính tính toán, việc thực hiện ưu đãi thuế có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 12.600 tỷ đồng/năm (áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ làm giảm thu khoảng 8.700 tỷ đồng/năm, áp dụng thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ sẽ làm giảm thu khoảng 3.900 tỷ đồng/năm).
Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, số giảm thu do hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác, vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, việc giảm thuế sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo, do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo được ưu đãi
Lần sửa đổi này, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lược bỏ các ngành, nghề ưu đãi đối với phát triển công nghệ sinh học, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, phát triển ngành nghề truyền thống. Danh sách lược bỏ còn có dự án sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, dự án đầu tư tại khu công nghiệp, dự án đầu tư tại khu công nghệ cao, nhưng không phải là dự án trong lĩnh vực công nghệ cao.
Dự thảo cũng điều chỉnh mức ưu đãi đối với dự án đầu tư tại khu kinh tế, nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, để đảm bảo chính sách ưu đãi thuế có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Theo ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa đều ủng hộ việc giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Riêng với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Đức cho rằng, nên hạn chế sử dụng công cụ ưu đãi thuế. Bởi, ưu đãi thuế không phải là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư, tiêu chí này xếp sau rất nhiều tiêu chí khác như ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng cơ sở hạ tầng, sự minh bạch của hệ thống pháp luật… Mặt khác, thuế tối thiểu toàn cầu khiến ưu đãi thuế không còn nhiều tác dụng đối với thu hút FDI.
Song, Dự thảo bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đã được quy định cụ thể chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tại Luật Đầu tư năm 2020. Danh sách này bao gồm: dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại luật này; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự thảo còn bổ sung ngành nghề ưu đãi đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, bao gồm sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, sản xuất sản phẩm công nghệ số. Đồng thời, quy định rõ hơn dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các ngành điện tử - tin học được hưởng ưu đãi thuế bao gồm cả thiết kế, sản xuất bán dẫn.
Đáng chú ý, hoạt động báo chí khác cũng được bổ sung vào đối tượng được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (ngoài hoạt động báo in đã được hưởng ưu đãi như hiện nay).
Cụ thể, Dự thảo quy định, áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành
Tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư mà các doanh nghiệp nhận được và cho phép áp dụng từ năm 2025.
Một góp ý khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã được tiếp thu, đó là bổ sung chính sách miễn, giảm thuế đối với khoản đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 18, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Riêng đề nghị về ưu đãi thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ Tài chính hồi âm rằng, cần có đánh giá thêm về hiệu quả chính sách trên cơ sở kết quả thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù của TP.HCM.
Về đề nghị (cũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bổ sung quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập từ hoạt động có thu của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính cho biết, trường hợp NIC là tổ chức của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thì đã thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là, Chính phủ đề xuất sửa đổi mức thuế suất tối thiểu của khung thuế suất đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí “từ 32% đến 50%” thành “từ 25% đến 50%” và do “Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng hợp đồng dầu khí”. Quy định mới này nhằm thống nhất với Luật Dầu khí, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành khai thác dầu khí trong bối cảnh điều kiện khai thác ngày càng khó khăn.
Đồng thời, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định chi tiết về mức thuế suất đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản quý hiếm trên cơ sở luật hóa quy định tại văn bản dưới luật đang thực hiện ổn định, không vướng mắc để đảm bảo sự minh bạch, ổn định của chính sách.