Doanh nghiệp
Áp thuế với phân bón để hỗ trợ doanh nghiệp
Trịnh Hằng - 14/06/2024 07:18
Việc sửa đổi quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng phân bón sẽ làm giảm đáng kể giá thành sản xuất trong nước, giúp ngành này cải thiện biên lợi nhuận, bù đắp những bất lợi của doanh nghiệp.

Kiến nghị đã nhiều năm

Theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy đang diễn ra và thông qua tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới. Một nội dung được quan tâm trong dự thảo này là chuyển mặt hàng phân bón và các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp sang áp dụng 5% thuế GTGT, thay vì thuộc nhóm đối tượng “không chịu thuế” như hiện nay.

Theo Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo), kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên chính sách thuế GTGT của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón.

Trong đó, chính sách hỗ trợ về thuế là công cụ thường được các nước sử dụng. Tại Trung Quốc, mức thuế GTGT đối với phân bón hiện ở mức 11% và đang được đề xuất giảm xuống mức 9%. Trong khi đó, Nga áp mức thuế 20% đối với mặt hàng này.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, doanh nghiệp phân bón khi đầu tư nhà xưởng, máy móc..., các khoản mục chi phí đều phải tính thuế GTGT. Tuy nhiên, do giá bán phân bón không tính thuế GTGT, nên doanh nghiệp không được khấu trừ các chi phí thuế GTGT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Phần thuế không được khấu trừ đối với nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón được tính vào chi phí sản xuất, làm giá thành tăng lên, dẫn đến giá bán cũng tăng theo.

Theo số liệu của Bộ Công thương, ước tính từ khi thực hiện việc không áp thuế GTGT với mặt hàng phân bón, giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%; phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6.1%.

Các doanh nghiệp phân bón cho biết, so với phân bón nhập khẩu, phân bón sản xuất trong nước chịu áp lực không nhỏ. Việc các nước đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT giúp doanh nghiệp nước ngoài được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu, nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán sản phẩm nhập khẩu so với phân bón sản xuất trong nước.

Đây là lý do những năm qua, các doanh nghiệp phân bón và Bộ Công thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam liên tục kiến nghị sửa đổi quy định về thuế GTGT với mặt hàng phân bón, để vừa tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón sản phẩm nhập khẩu, vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT.

Kỳ vọng sự thay đổi

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có thể hưởng lợi đáng kể từ Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (dự kiến có hiệu lực từ năm 2025). Với quy định phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT 5% thay vì không chịu thuế GTGT như hiện nay, thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ, làm giảm đáng kể giá thành sản phẩm, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho ngành thêm từ 5 - 6%, bù đắp cho những bất lợi của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp ngành phân bón cũng kỳ vọng, việc sửa đổi quy định thuế như trên vừa tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, nghiên cứu và phát triển.

Ước tính, mỗi nhà máy sản xuất phân bón bàn giao, đưa vào sử dụng tăng nguyên giá tài sản cố định ít nhất từ 6 - 8%. Nếu bất cập về thuế GTGT được khắc phục, hiệu quả các dự án đầu tư mới được cải thiện, doanh nghiệp có thể tính tới việc mở rộng đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Phân bón là hàng hóa đặc thù, đang chịu những ảnh hưởng lớn từ diễn biến địa chính trị, chính sách đảm bảo an ninh lương thực của các nước trên thế giới. Theo đó, mọi tính toán, điều chỉnh đều phải chú trọng tác động tới nông dân và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành, phân bón sản xuất trong nước đang mất lợi thế do ảnh hưởng từ chính sách thuế GTGT, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô. Sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân phải mua phân bón với giá cao. Như vậy, thiệt hại thuộc về cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân

Với tính chất đặc biệt liên quan đến ngành nông nghiệp và hàng triệu nông dân, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được đánh giá sẽ có nhiều ý kiến tranh luận trên diễn đàn Quốc hội.

Góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Để đáp ứng thông tin từ thị trường và nhu cầu thực tế, ngày 14/6, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” nhằm tạo diễn đàn trao đổi rõ hơn về cơ sở thực tế và mục đích chính sách trong việc chuyển mặt hàng phân bón sang áp dụng 5% thuế GTGT, thay vì thuộc nhóm đối tượng “không chịu thuế” như hiện nay, góp phần hoàn thiện nội dung của Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia đầu ngành, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp…, để cung cấp các góc nhìn chuyên sâu, đa chiều về vấn đề này.

Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên các nền tảng của Báo Đầu tư, bao gồm: baodautu.vn, tinnhanhchungkhoan.vn và Fanpage của Báo. Đồng thời, các bài viết chuyên sâu được đăng tải trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử của hệ thống Báo Đầu tư.

Đồng hành với chương trình có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau.
Tin liên quan
Tin khác