Uỷ ban Chống bán phá giá (Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) Australia gia hạn thời hạn ban hành Bản Công bố về các dữ kiện trọng yếu và Báo cáo cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nhôm ép (aluminium extrusion) nhập khẩu từ Malaysia và Việt Nam.
Việc lùi thời hạn thêm gần 2 tháng ban Bản Công bố về các dữ kiện trọng yếu nhằm nhằm xác minh thêm một số thông tin liên quan đến vụ việc. |
Ngày 30 tháng 11 năm 2016, Uỷ ban Chống bán phá giá (Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) Australia đã ra thông báo về việc gia hạn ban hành Bản Công bố về các dữ kiện trọng yếu và Báo cáo cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm nhôm ép nhập khẩu từ Malaysia và Việt Nam.
Trước đó, ngày 16 tháng 8 năm 2016, Australia đã khởi xướng điều tra vụ việc trên.
Theo Thông báo khởi xướng điều tra, Bản Công bố về các dữ kiện trọng yếu dự kiến được ban hành vào ngày 05/12/2016, và Báo cáo cuối cùng của cơ quan điều tra theo đó đưa ra các kết luận và khuyến nghị về vụ việc sẽ được ban hành vào hoặc trước ngày 18/01/2017.
Tuy nhiên, nhằm xác minh thêm một số thông tin, cơ quan điều tra đã quyết định gia hạn thời hạn nêu trên, theo đó Bản Công bố về các dữ kiện trọng yếu sẽ được ban hành không muộn hơn ngày 02/02/2017, và Báo cáo cuối cùng của cơ quan điều tra sẽ được ban hành vào hoặc trước ngày 20/3/2017, trừ trường hợp chấm dứt điều tra.
Bản Công bố về các dữ kiện trọng yếu sẽ đưa ra các dữ kiện mà theo đó cơ quan điều tra dựa vào để đưa ra kết luận và khuyến nghị về vụ việc. Các bên liên quan có thể nộp bản bình luận về Bản công bố này trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành.
Trước đó, ngày 27 tháng 6 năm 2016, Công ty Capral Limited, một nhà sản xuất sản phẩm nhôm ép của Australia (nguyên đơn) đã gửi Đơn lên Uỷ ban Chống bán phá giá nước này yêu cầu điều tra áp thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm “nhôm ép” nhập khẩu từ Malaysia và Việt Nam.
Nguyên đơn cáo buộc sản phẩm bị điều tra đã bán phá giá và nhận được trợ cấp có thể đối kháng và do đó đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Australia dưới dạng: kìm giá, giảm lợi nhuận, giảm lợi tức đầu tư, tăng hàng tồn kho.