Quốc tế
Ba kế sách Mỹ sắp dùng để kéo doanh nghiệp hồi hương
Lê Quân - 19/05/2020 09:43
Giảm thuế, ban hành cơ chế mới hay kể cả trợ cấp là những kế sách mà các nhà làm luật và quan chức Mỹ đang lập ra nhằm lôi kéo doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển sản xuất hoặc các nhà cung ứng chủ chốt khỏi Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 và mối lo phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vật tư y tế từ Trung Quốc đang thôi thúc Nhà Trắng thực hiện chiến lược lôi kéo doanh nghiệp về sản xuất trong nước. Ảnh: AFP

Lập quỹ 25 tỷ USD

Trả lời phỏng vấn Reuters, hàng chục cựu quan chức chính quyền Mỹ, lãnh đạo doanh nghiệp và nghị sĩ cho biết ý tưởng xây dựng “quỹ hồi hương” trị giá 25 tỷ USD nhằm khuyến khích doanh nghiệp Mỹ cơ cấu lại quan hệ sản xuất kinh doanh với thị trường Trung Quốc đang được xem xét rộng rãi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay cam kết kéo hoạt động sản xuất công nghiệp và chế tạo của doanh nghiệp Mỹ về nước, nhưng đại dịch Covid-19 và lo ngại về sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng y tế và thực phẩm Trung Quốc đang “đẩy thuyền” để Nhà Trắng hiện thực hóa ý tưởng trên.

Ông Trump tuần trước ký sắc lệnh hành chính trao thêm quyền cho cơ quan đầu tư nước ngoài của Mỹ nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất chế tạo của nước này. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết sắc lệnh này nhằm hướng đến sản xuất mọi thứ người Mỹ cần và xuất khẩu đi các nước khác, kể cả thuốc men.

Tranh cãi trên chính trường Mỹ ngày càng gay gắt và xoay quanh câu chuyện hỗ trợ nền kinh tế chống dịch và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Hai quan chức chính quyền Trump cho hay, việc gây “quỹ hồi hương” 25 tỷ USD là nhằm lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ đưa hoạt động sản xuất hàng hóa thiết yếu về nước, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất các mặt hàng đó không quá xa chuỗi cung ứng trong nước.

Chưa có nghị sĩ nào ra mặt ủng hộ ý tưởng phân bổ 25 tỷ USD nói trên, ngoại trừ một vài nghị sĩ cho biết đề xuất này sẽ được thảo luận rộng rãi trong Quốc hội Mỹ. Một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên cho hay các bang có thể quản lý nguồn tiền trong gói 25 tỷ USD thông qua các tổ chức phát triển kinh tế biệt lập.

Sáng kiến “quỹ hồi hương” 25 tỷ USD có thể là giải pháp tốt cho các bang đang căng mình tìm cách chi trả theo các gói hỗ trợ bởi sau khi tiến hành phong tỏa trên diện rộng, các bang tại Mỹ thất thu thuế trong khi chi phí cho chống dịch lại tăng vọt.

Đã xuất hiện nhiều lo ngại xoay quanh việc chính phủ Mỹ hướng đến xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp, thậm chí xuất hiện những luồng quan điểm đối lập nhau ngay trong đội ngũ cố vấn của ông Trump.

Một nguồn tin chính phủ của Reuters đánh giá, việc trợ cấp sản xuất công nghiệp một cách công khai là giải pháp khó thành công. “Sẽ có người đặt câu hỏi tại sao chúng ta phải cấp tiền cho những doanh nghiệp đã rời đất nước cách đây vài năm trước”, nguồn tin này lập luận.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã công khai quan điểm rằng hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ thông qua ưu đãi thuế tốt hơn là khuyến khích doanh nghiệp Mỹ hồi hương sản xuất.

Trước đó, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đề xuất chính quyền liên bang chi nhiều hơn cho các mặt hàng y tế và thuốc men sản xuất trong nước, nhưng ông Trump vẫn chưa ký sắc lệnh mà cố vấn Navarro kêu gọi.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các quan chức khác ủng hộ việc xây dựng hệ thống cung ứng vật tư y tế và thuốc men, hai nguồn thạo tin của Reuters cho biết.

Trái lại, nhiều ý kiến chỉ trích lại cho rằng, việc Mỹ chi tiền cho doanh nghiệp nước này dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về nước có thể đi ngược các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoại đến kinh doanh đầu tư tại thị trường Mỹ.

Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang phối hợp với các cơ quan và chính phủ các nước để đa dạng các chuỗi cung ứng của Mỹ. “Động thái này có thể tập trung vào việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất của Mỹ về nước và mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất toàn cầu khác”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Sự đồng thuận hiếm có

Cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều đang soạn thỏa các dự luật nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Năm ngoái, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 18% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

“Vấn đề chuỗi cung ứng và việc sáp nhập các chuỗi cung ứng đều được các thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa rất lưu tâm”, hạ nghị sĩ phe Cộng hòa Mac Thornberry chia sẻ với báo giới gần đây. Đặc biệt, các hàng hóa liên quan đến quốc phòng và y tế đứng đầu danh mục tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

“Covid-19 có lẽ là cơn thức giấc đầy đau đớn đối với chúng ta vì quá phụ thuộc vào nguồn vật tư y tế quan trọng từ Trung Quốc”, thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết. Ông hy vọng một dự luật mới sẽ được ban hành trong tuần này.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley đang kêu gọi xây dựng các quy định ở cấp địa phương về phát triển các chuỗi cung ứng vật tư y tế và các trợ cấp đầu tư “rộng rãi” nhằm khuyến khích sản xuất trong nước.

Trước đó, một thượng nghị sĩ Cộng hòa khác Marco Rubio đã đề xuất dự luật cấm bán hàng hóa nhạy cảm của Mỹ cho Trung Quốc, đồng thời tăng thuế đối với doanh nghiệp Mỹ có doanh thu từ thị trường Trung Quốc.

Hay một đạo luật khác phản ánh sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng được hạ nghị sĩ Dân chủ Anna Eschoo và thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Brooks cùng đề xuất là ủy thác một ban hội thẩm đưa ra biện pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

Còn hạ nghị sĩ Cộng hòa Mark Green đề xuất (chính phủ-BTV) chi tiền thâu tóm các doanh nghiệp Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia mà dễ bị ảnh hưởng bởi các quyết sách cơ cấu lại chuỗi cung ứng.

Các nhà làm luật Mỹ dự kiến sẽ đưa các điều khoản “hồi hương” vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2020 - một đạo luật trị giá 740 tỷ USD được Quốc hội thông qua hàng năm.

Tin liên quan
Tin khác