Dầu thô toàn cầu đã mát hơn 20% trong 6 tuần qua. Ảnh: Bloomberg |
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đánh mất quyền kiểm soát trên thị trường dầu toàn cầu. Hiện tại, mỗi hành động, hoặc dòng tweet của Tổng thống Mỹ - Donald Trump, Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia - Mohammed Bin Salman mới là yếu tố quyết định hướng đi của giá dầu năm tới và cả sau đó nữa. Nhưng dĩ nhiên, mỗi người lại có một mục đích khác nhau.
Trong khi các nước OPEC vẫn đang chật vật tìm mục đích chung, Mỹ, Nga và Saudi Arabia đã thống trị nguồn cung toàn cầu. Tổng sản lượng của họ còn lớn hơn 15 nước thành viên OPEC. Cả ba nước này đều đang bơm dầu với tốc độ kỷ lục và có thể tiếp tục tăng sản lượng năm tới. Tuy vậy, có thể cả ba sẽ không cùng chọn cách này.
Hồi tháng 6, Saudi Arabia và Nga là hai nước tiên phong kêu gọi OPEC và các quốc gia khác nới lỏng chính sách kiềm chế sản xuất đã được áp dụng từ đầu năm 2017. Sau đó, cả hai đã dần nâng sản xuất lên gần mức kỷ lục hiện tại. Tuy nhiên, cùng lúc đó, sản xuất của Mỹ bất ngờ tăng vọt, do các công ty khai thác ở Texas giải quyết được vấn đề về đường ống vận chuyển dầu.
Sức tăng này, cùng việc tăng trưởng nhu cầu dầu được dự báo thấp đi và ông Trump cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu từ Iran trong nửa năm tới, đã khiến thị trường từ lo thiếu cung sang lo dư cung chỉ trong 3 tháng. Dự trữ dầu tại các nước phát triển trong OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), vốn giảm từ đầu năm 2017, nay đang tăng trở lại và có khả năng vượt mốc trung bình 5 năm, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Chỉ trong 6 tuần, giá dầu mất hơn 20%.
Khi giá đi xuống, Saudi Arabia cho biết sẽ giảm xuất khẩu 500.000 thùng dầu một ngày trong tháng tới. Họ cũng cảnh báo các quốc gia khác rằng họ cần giảm tổng cộng một triệu thùng một ngày so với mức tháng 10. Thông báo này không khiến Tổng thống Putin quan tâm, còn Tổng thống Trump lại tỏ ý chỉ trích.
Bin Salman cần doanh thu từ dầu mỏ để có tài chính thực hiện kế hoạch cải tổ Saudi Arabia đầy tham vọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo vương quốc này cần giá dầu 73,3 USD một thùng năm tới để cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, dầu Brent hiện còn kém số này 10 USD. Và dầu xuất khẩu của Saudi Arabia còn được bán với giá chiết khấu nữa. Kéo dài việc cắt giảm sản lượng sang năm thứ 3 là cách duy nhất ông có thể kéo giá lên mức mình cần.
Dù vậy, kế hoạch này lại đang gặp thách thức từ Tổng thống Putin và Trump. Tổng thống Nga tỏ ra không mấy mặn mà với việc lại giảm sản lượng lần nữa. Ngân sách của Moskva hiện ít phụ thuộc vào giá dầu hơn nhiều so với năm 2016 - khi Nga đồng ý cùng các nước OPEC giảm sản xuất tái cân bằng thị trường dầu. Các hãng dầu của Nga cũng đang muốn khai thác các mỏ dầu họ đã đầu tư.
Có lẽ ông Putin chưa quyết định nên hy sinh một chút để duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp với Thái tử Saudi Arabia hay không. Nhưng hiện tại, chưa ai có thể kết luận Nga sẽ đồng ý tiếp tục cắt giảm sản lượng khi các nước nhóm họp tại Vienna (Áo) tháng tới. Ông Putin từng cho biết hoàn toàn hài lòng nếu giá dầu quanh 70 USD.
Sự phản đối của ông Trump với Saudi Arabia thì lớn hơn. Nó lại diễn ra đúng thời điểm Thái tử Saudi Arabia cố gắng duy trì quan hệ chính trị hai nước sau vụ nghị sĩ Mỹ cân nhắc trừng phạt nước này mạnh tay hơn do cuộc chiến tại Yeman và cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
Ngoài các dòng tweet của ông Trump, Saudi Arabia còn lo ngại hoạt động sản xuất tại Texas. 12 tháng qua, các công ty Mỹ đã tăng sản xuất lượng dầu bằng toàn bộ sản lượng của Nigeria. Sản xuất của Mỹ có thể chạm 12 triệu thùng một ngày vào tháng 4 năm tới, theo Bộ Năng lượng Mỹ, tức là sớm hơn 6 tháng so với dự báo tháng trước.
Nói tóm lại, giới chuyên gia cho rằng để cân bằng thị trường dầu năm tới, Saudi Arabia sẽ phải đối phó với hàng loạt thách thức. Đó là sự thờ ơ của ông Putin, sự phản đối của ông Trump và cả sự bùng nổ trong hoạt động khai thác dầu đá phiến Mỹ.