Bài 1: Dự mưu từ hơn thập kỷ trước
Để rút ruột triệu tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), hơn 11 năm trước, Trương Mỹ Lan đã dự mưu rồi tổ chức thực hiện bài bản, tinh vi. Đầu tiên, là biến SCB thành công cụ tài chính, rồi “săn người”, lập “kho” công ty ma để đứng tên vay vốn, ký kết và thao túng công ty định giá để nâng khống tài sản, hình thành “dây chuyền” khép kín.
Ẩn thân thôn tính SCB
Trước khi sáp nhập 3 ngân hàng hình thành SCB hiện nay, Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết.
Để có thể huy động vốn cho các tập đoàn, công ty này, Trương Mỹ Lan lên kế hoạch tỉ mỉ để thâu tóm và lũng đoạn SCB từ hơn 11 năm trước.
Cụ thể, trước năm 2011, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của SCB (cũ) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, nhưng chưa đủ 65% cổ phiếu trở lên, để khi bỏ phiếu sẽ quyết định được việc hợp nhất 3 ngân hàng, các cổ đông khác không thể chống đối.
Trước khi bùng ra vụ đại án, SCB là “công cụ tài chính” phục vụ Trương Mỹ Lan |
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, một cổ đông là cá nhân chỉ được sở hữu cổ phần có giá trị không vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Để “lách” được luật, chỉ có thể nhờ anh em, họ hàng, con cháu đứng tên hộ, hoặc sử dụng công ty bình phong.
Ngay trong năm 2011, Trương Mỹ Lan đổ tiền gom cổ phần các ngân hàng và nhờ người thân, quen đứng tên. Tới cuối năm, trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần của SCB (cũ) dưới tên của 32 cổ đông; 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.
Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 1/1/2012 với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB hiện nay), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên hơn 91,5% (tính đến tháng 10/2022, khi Bộ Công an khởi tố vụ án).
Một tay xếp “ghế”, phân công… công tác
Bởi “ẩn thân”, Trương Mỹ Lan cần phải có người thực thi tại SCB, nên quyết định tuyển lựa thân tín tại các công ty trong hệ sinh thái, hoặc người của các ngân hàng cũ, bố trí vào “ghế” chủ chốt tại SCB, để những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng thay mình.
Đầu tiên là ông Đinh Văn Thành, từng làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất từ năm 2009. Sáu tháng sau khi hợp nhất, tháng 6/2012, Trương Mỹ Lan cho ông Thành giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Hội sở, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) SCB để có thẩm quyền ký các biên bản họp/tờ trình của Hội đồng Tín dụng Hội sở, phiếu biểu quyết của HĐQT…, cho khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Ông Thành lấy được sự tin cậy tới tới mức, tất cả những người được ông “săn” về, tiến cử lên các chức vụ cao của SCB như tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc, đều được Trương Mỹ Lan chấp thuận.
Theo cáo buộc của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Đinh Văn Thành đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, liên đới gây thiệt hại cho SCB hơn 42.000 tỷ đồng và liên đới chiếm đoạn hơn 189.000 tỷ đồng.
Trước khi khởi tố vụ án, Đinh Văn Thành đã kịp xuất cảnh ra nước ngoài rồi “lặn”, không xác định được ở đâu, nên công an phải ra quyết định truy nã.
Một nhân vật “thân cận” nữa của Trương Mỹ Lan là Tạ Chiêu Trung, vốn là Phó chủ tịch HĐQT SCB (cũ) và từ năm 2005 đã được Trương Mỹ Lan cho giữ chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Việt Vĩnh Phú - doanh nghiệp đứng tên hộ cho Trương Mỹ Lan sở hữu 195.387.600 cổ phần, chiếm 12,828% vốn điều lệ của SCB.
Trương Mỹ Lan đã cho Tạ Chiêu Trung làm thành viên HĐQT SCB với nhiệm vụ: quản lý danh sách các cổ đông để điều hành việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông, để các cá nhân đứng tên hồ sơ cổ phần SCB đảm bảo đúng tỷ lệ (%) theo luật. Khi thực hiện, Tạ Chiêu Trung liên hệ với nhân viên Vạn Thịnh Phát, lấy thông tin nhân thân của người nhận chuyển nhượng để thực hiện, rồi lấy tiền mặt từ Trương Mỹ Lan để trả tiền thuế, phí chuyển nhượng.
Trong các kỳ Đại hội đồng cổ đông SCB, Tạ Chiêu Trung còn có nhiệm vụ thực hiện việc ủy quyền từ 5 pháp nhân nước ngoài cho 5 cá nhân là nhân viên của mình và Trương Mỹ Lan để tham gia biểu quyết tại Đại hội hoặc ủy quyền cho HĐQT SCB biểu quyết.
Không chỉ “ban” ghế, Trương Mỹ Lan còn “vung tay” cho cổ phần hàng tỷ đồng, khiến người được “ân sủng” cúc cung tận tụy bất chấp tất cả.
Điển hình, Bùi Anh Dũng từng làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa. Sau khi sáp nhập 3 ngân hàng, Trương Mỹ Lan cho Bùi Anh Dũng thăng tiến liên tục, từ Giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành, Thành viên Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở, lên Phó tổng giám đốc, Thành viên HĐQT/Phó chủ tịch HĐQT SCB, Chủ tịch HĐQT SCB vì “cậu này hiền lành, không quậy phá, được lòng người”.
Ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp lễ, Tết, Trương Mỹ Lan còn hào phóng cho Bùi Anh Dũng 500.000 cổ phiếu SCB (tương đương 5 tỷ đồng). Bởi vậy, theo cơ quan điều tra, Bùi Anh Dũng rất tích cực giúp Trương Mỹ Lan, nên đã liên đới gây thiệt hại cho SCB hơn 187.000 tỷ đồng và liên đới chiếm đoạt trên 104.000 tỷ đồng.
Trường hợp khác là Trương Khánh Hoàng, vào làm việc tại SCB từ tháng 9/2019, được Trương Mỹ Lan “ban” lần lượt các chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách Khối tái thẩm định, Phó tổng giám đốc thường trực phụ trách quản lý Khối doanh nghiệp, rồi quyền Tổng giám đốc SCB.
Ngoài lương, phụ cấp “khủng”, Trương Mỹ Lan còn “ban thưởng” cho Hoàng nhiều lần, tổng số khoảng 5 tỷ đồng và 10,3 triệu cổ phần SCB.
Thế nên, Trương Khánh Hoàng đã tích cực tổ chức chỉ đạo, tham gia phê duyệt các khoản vay cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, dù biết hồ sơ khống, biết SCB không tiếp xúc, thẩm định khách hàng, nên đã liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 182.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 65.000 tỷ đồng.
Cứ như vậy, với “ghế”, với lương thưởng “khủng” cùng ân huệ là cổ phiếu, hầu hết các thành viên, từ HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng ban Kiểm soát SCB đều “răm rắp” theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, thay vì tuân thủ pháp luật.
Phân bổ nhiệm vụ “săn người”, lập “kho” công ty ma
Để “rút ruột” SCB, còn cần phải có công ty, pháp nhân làm dự án vay vốn, nên song song với việc “xếp ghế” tại Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan giao đầu mối lập các công ty “ma” cho Hà Thục Kim và sau này là Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng văn phòng HĐQT của Vạn Thịnh Phát), phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương và Nguyễn Phương Anh (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát).
Các nhân vật này có nhiệm vụ đặt tên công ty “ma”, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn; tìm địa chỉ đặt trụ sở công ty “ma” và chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu.
Sau khi có danh sách các pháp nhân và cá nhân, một số nhân viên tại Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát theo dõi, khi cần sử dụng cho các mục đích đứng tên khoản vay/tài sản/phương án vay vốn/rút tiền của SCB, thì Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh sẽ chỉ đạo sử dụng.
Chưa hết, năm 2021, Trương Mỹ Lan mua lại Công ty cổ phần Lavifood, rồi cho cháu ruột vô cùng tin cẩn là Trương Huệ Vân điều hành kèm thêm nhiệm vụ lập các công ty “ma” để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Lavifood.
Trương Huệ Vân đứng tên cổ phần, vốn góp, tham gia quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Vạn Thịnh Phát như: Tổng giám Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Eurasia Concept… Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới tại các công ty mà mình quản lý tỏa ra để “săn người”.
Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, nhóm Vạn Thịnh Phát đã có cả “kho” hàng ngàn pháp nhân, thuê/sử dụng hàng ngàn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để hợp thức rút tiền của SCB. Nhưng, các bước trên vẫn chưa khép kín “dây chuyền” lũng đoạn để rút ruột ngân hàng.
(Còn tiếp)