- Vụ Vạn Thịnh Phát: Làm rõ hành vi nhóm bị cáo giúp sức cho Trương Mỹ Lan
- Xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan phủ nhận nhiều cáo buộc
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Trưởng đoàn thanh tra khai gặp bà Lan chỉ để "trao đổi công việc"
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Tiếp tục làm rõ vai trò của bà Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB
Chiều 13/3, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi của các Luật sư.
Trả lời câu hỏi liên quan đến quyết định nhân sự tại Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cho hay, không biết và không tiến cử Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB.
Trước khi Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2020) đưa vợ đi Mỹ để chữa bệnh đã gặp bị cáo và tiến cử Bùi Anh Dũng làm tạm chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB.
“Thành có nói chị yên tâm anh này hiền lành, không quậy phá”, bị cáo Lan nói và khẳng định không chỉ đạo bị cáo Dũng trong xuyên suốt vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. |
Đối với Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), bị cáo Lan cho biết việc tuyển chọn Văn do cựu Chủ tịch HĐQT SCB Nguyễn Thị Thu Sương (bị cáo đã bỏ trốn, xét xử vắng mặt - PV) tiến cử.
Tại tòa, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) cũng khẳng định với luật sư câu trả lời của bị cáo Lan là đúng.
Về câu hỏi liên quan việc bị cáo Lan chỉ đạo phê duyệt các khoản vay, công tác tín dụng, bị cáo Lan trả lời: “Tôi không có nghiệp vụ ngân hàng để chỉ đạo. Tôi biết SCB rất khổ, phải ngày đêm suy nghĩ việc cơ cấu”.
Tiếp tục xét hỏi đối với các tài sản không được định giá trong vụ án mà hiện nay SCB đang giữ, bị cáo Lan cho biết đã có nhiều ý kiến gửi nhờ HĐXX xem xét định giá. Có một số tài sản do hợp nhất lại nên thiếu một vài giấy tờ và các tài sản này đều có thật và đều là mồ hôi nước mắt.
“Hiện nay, các tài sản này đang ở SCB, nếu giao cho SCB sử dụng thu hồi nợ khắc phục hậu quả thì có đảm bảo khả năng khắc phục hay có cơ chế nào?”, luật sư đặt câu hỏi.
“Nếu như cho bị cáo kết hợp với anh em tại SCB để cùng xử lý tài sản trên thì thu hồi được các tài sản trên”, bị cáo Lan trả lời.
Liên quan đến cáo buộc đưa 5,2 triệu USD cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, trưởng đoàn thanh tra) để che giấu sai phạm tại SCB, tại phiên toà chiều nay, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB thừa nhận việc nhiều lần đưa tiền cho bà Nhàn.
Trong đó, lần thứ 3, khi bị cáo Nhàn không có ở nhà, bị cáo Văn gọi điện thoại và được bị cáo Nhàn cho mật khẩu để đặt thùng xốp đựng tiền vào nhà.
Nói về mối quan hệ với bà Nhàn, bị cáo Văn khai do quen biết hơn 10 năm với con của bị cáo Nhàn nên biết bị cáo Nhàn. Ban đầu khi làm việc với bà Nhàn thì bị cáo Văn chỉ trao đổi công việc.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB thừa nhận việc nhiều lần đưa tiền cho bà Nhàn. |
Trước đó, trả lời liên quan đến quá trình giải quỹ để cắt đứt dòng tiền sau khi Ngân hàng SCB giải ngân, bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cho biết, hoạt động giải quỹ là làm các thủ tục để chuyển tiền ra khỏi tài khoản thụ hưởng mà trước đó ngân hàng SCB đã giải ngân theo phương án vay vốn.
Phương cũng cho biết thêm, nhiệm vụ thường xuyên là phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính kế toán, kiểm toán và theo dõi các hợp đồng liên quan đến hai công ty là tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát.
Quá trình làm việc thì có khoảng 8 người hỗ trợ và bị cáo này không tham gia vào việc giải quỹ. Còn cáo trạng xác định Phương tham gia vào quá trình giải quỹ là theo chỉ đạo của chị Lan (bà Trương Mỹ Lan) để hỗ trợ cho Nguyễn Phương Anh. Sau khi tiền giải quỹ ra thông qua các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần có quay lại hay không và sau đó đi đâu bị cáo cũng không rõ.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Phương Anh (phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) khai, việc thực hiện các phương án giải quỹ là thực hiện theo “nếp” cũ đã làm. Bị cáo Phương Anh được giao nhiệm vụ liên hệ với Hồ Bửu Phương để thực hiện việc giải quỹ.
Cáo trạng xác định để hợp thức việc rút tiền đã được ngân hàng SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Anh, Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân lập phương án thực hiện việc “giải quỹ” bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung và nhân viên SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần… đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.
Trả lời luật sư bào chữa sau đó, bị cáo Trương Khánh Hoàng, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho biết, bản thân làm việc tại Ngân hàng SCB từ năm 2019 đến khoảng tháng 6 năm 2022 thì làm đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, đến tháng 8/2022 mới có quyết định chính thức. Lý do nghỉ việc là bị áp lực lớn và "cuốn vào vòng xoáy" nhiều quá.
Trả lời đối với 10 triệu cổ phần được bà Lan cho khi đã nghỉ việc, Hoàng nói: “Bà Lan muốn thưởng cho công sức bị cáo gắn bó với Ngân hàng SCB. Lúc đó, bà Lan nói SCB chuẩn bị chuyển nhượng cho nước ngoài nên cho”.
Số cổ phần này Hoàng đã bán bớt, còn lại 9,82 triệu nên xin tự nguyện nộp lại cùng với phần mua thêm 300.000 cổ phiếu để khắc phục thiệt hại.