Dòng vốn vẫn chảy mạnh
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 26 dự án xin đầu tư trên địa bàn. Trong đó, 20 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến trên 2.200 tỷ đồng; 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư 1,15 tỷ USD ( số còn lại đang xác định tổng mức đăng ký đầu tư).
Môi trường đầu tư cũng cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực. Với đặc thù của một tỉnh thuần sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu thời gian qua phần nhiều tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, địa ốc, thương mại, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản thì thời gian gần đây, khu vực đầu tư về thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao đã được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm đến.
Chế biến thủy hải sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Vũ |
Điển hình như dự án đầu tư Trung tâm thương mại- dịch vụ và giải trí Nguyễn Kim Bạc Liêu; Dự án Nhà máy chế biến cá chình xuất khẩu, Nhà máy May mặc xuất khẩu (Hàn Quốc); Dự án đầu tư sản xuất muối theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Đông Hải. Ngoài ra, công trình đầu tư cấp quốc gia về điện gió tại Bạc Liêu cũng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành giai đoạn 2 (52 trụ turbin). Hiện nhà đầu tư trong và nước ngoài cũng đang thực hiện khảo sát, nghiên cứu tiếp tục đầu tư phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh giai đoạn 3.
Tăng lực cạnh tranh
Liên quan đến kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Nguyễn Chí Linh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương Mại và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, báo cáo PCI năm 2014 được công bố trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Xác định rõ mục tiêu cần đạt được trong cải cách nhiều lĩnh vực điều hành và đặt ra mục tiêu tham vọng là Việt Nam phải đạt mức bình quân của 4 nước đứng đầu trong ASEAN. Như vậy, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã chấp nhận cuộc đua tranh cùng các nước với mục tiêu là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể thua kém hơn.
Ở cấp độ địa phương trong nước cũng vậy, tạo ra cuộc đua tranh, thúc đẩy các địa phương thay đổi nhanh hơn, hành động nhiều hơn trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng. Báo cáo PCI 2014 đã ghi nhận những thành công ban đầu về xu hướng cải thiện chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố, phong trào cải cách đã được nhân lên rộng khắp. Các tỉnh nhóm cuối tiếp tục thu hẹp khoảng cách đáng kể so với những tỉnh đứng đầu. PCI 2014 tỉnh Bạc Liêu xếp thứ 22 trên bảng tổng sắp cả nước và đứng thứ 7/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy chưa phải là tất cả, nhưng kết quả trên cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã thể hiện đồng tình, ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh trong những năm qua đã tạo ra tiền đề, những khởi sắc cho giai đoạn phát triển mới. Thực tế cũng chứng minh, lãnh đạo tỉnh đã vận dụng và cụ thể hóa chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thông thoáng, phù hợp với điều kiện của tỉnh nên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư. Việc chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo quan điểm “việc gì khó thuộc về các cơ quan nhà nước, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp” đã tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt khó khăn, giải quyết kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp với những nỗ lực và khả năng cao nhất. Đặc biệt, trong chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, đã đi sâu khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, bước đầu tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ bổ sung các dự án động lực, định hướng điều chỉnh quy hoạch làm tiền đề cho việc triển khai các bước tiếp theo.
Sự tiên phong, năng động, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh đã tạo cho kinh tế Bạc Liêu có bước khởi sắc mới, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển.
Về tổng quan, đây có thể xem là một thành quả quan trọng của quá trình nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bạc Liêu. Dù rằng kết quả của những chỉ số nói trên là hoàn toàn phụ thuộc vào sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế tỉnh nhà, nhưng cũng giúp cho chính quyền có cái nhìn khá toàn diện, khách quan, thấy được điểm mạnh, điểm yếu của từng vấn đề cụ thể để kịp thời điều chỉnh việc xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển.
Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Đặc biệt là quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì khi chỉ số PCI càng đạt thứ hạng cao, đồng nghĩa với môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh tốt, thuận lợi, cơ chế chính sách phù hợp, được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp và vì thế hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, của nhà đầu tư càng mang lại hiệu quả cao, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được tốt hơn.