Đầu tư
Phát triển Giá Rai (Bạc Liêu) xứng tầm với vị thế
Huy Tự - 17/07/2015 13:33
Ông Mai Chí Tính, Phó bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nếu tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý, đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, Thị xã Giá Rai sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.
Ông Mai Chí Tính, Phó bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu

Ông có thể cho biết về tiềm năng của đô thị mới Giá Rai trong xu thế liên kết hội nhập và phát triển đô thị của vùng và cả nước?

Hôm nay, Thị xã mới Giá Rai thuộc tỉnh Bạc Liêu được công bố thành lập theo Nghị quyết số 930/NQ/UBTVQH 13, ngày 15/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy là đô thị mới được thành lập, nhưng Giá Rai được xác định có vị thế rất quan trọng của tỉnh Bạc Liêu.

Với vị trí cửa ngõ Tây Nam của tỉnh Bạc Liêu, nằm trên tuyến Quốc lộ 1A nối TP. Bạc Liêu với TP. Cà Mau, là trung tâm giao thương hàng hóa với các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, vùng bán đảo Cà Mau và Vùng Kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Là động lực, có sức lan tỏa và thúc đẩy kinh tế – xã hội của cả vùng phát triển.

Giá Rai có lợi thế là nằm trên các trục giao thông tạo kết nối với hầu hết các địa phương trong vùng và tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm Gành Hào  (Bạc Liêu).

Thưa ông, để phát triển Giá Rai xứng tầm với tiềm năng và vị thế, công tác quy hoạch, xây dựng đô thị và xúc tiến đầu tư được triển khai thực hiện ra sao?

Nhằm phát triển đô thị Giá Rai xứng tầm với tiềm năng, vị thế theo hướng bền vững và chất lượng, đến nay Giá Rai đã hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Hộ Phòng - Giá Rai tỉ lệ 1/5.000; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015); Đầu tư chỉnh trang đô thị, hệ thống thoát nước, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, nước sạch...

Về công tác xây dựng cơ bản: trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, UBND huyện đã cùng các ngành đầu tư 1.961 tỷ đồng xây dựng 354 công trình; trong đó nhân dân tham gia hiến đất xây dựng các công trình giao thông, trường học, trạm y tế… với kinh phí trên 30 tỷ đồng, góp phần cùng với Nhà nước hoàn thành các công trình xây dựng đô thị, làm thay đổi rõ nét diện mạo Thị xã.

Đến nay, hầu hết các tiêu chí đều đạt và vượt, đủ điều kiện nâng huyện Giá Rai thành Thị xã. Ngoài ra, các ngân hàng tài trợ xây dựng 73 cây cầu, 1 trường học, với kinh phí 25 tỷ đồng; xúc tiến kêu gọi đầu tư được 20 dự án, với tổng số vốn được đầu tư trên 500 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đã và đang xây dựng.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2015, huyện đã chỉ đạo các ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư và Du lịch tỉnh thực hiện tốt công tác mời gọi đầu tư trên địa bàn huyện với các dự án như: Khu dân cư ấp 1, thị trấn Giá Rai; Riêng 3 dự án là Nhà máy May công nghiệp (ấp 5, thị trấn Hộ Phòng), Xử lý rác thải (ấp 3, xã Phong Thạnh A) và Xây dựng Khu nhà ở - thương mại (ấp 5, thị trấn Giá Rai) đã có nhà đầu tư tiếp cận. Cùng với đó, chúng tôi đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Khu dân cư – chợ trung tâm Thương mại Hộ Phòng, Khu nhà ở xã hội (khu đất kênh Ba Túc), Dự án Sang – chiết gas (ấp 3, xã Phong Thạnh Tây) và Dự án Nhà máy Sản xuất gạch không nung và thùng xốp trữ lạnh (ấp 3, xã Tân Phong)

Theo ông, Giá Rai sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để phát triển thành một đô thị vệ tinh năng động của tỉnh và của vùng trong thời gian tới?

Chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành 6 chương trình cụ thể là:

Một là, tập trung chỉ đạo xây dựng các dự án trọng yếu như: Tuyến đường ô tô về trung tâm xã Phong Thạnh A, Vành đai Nọc Nạng - Cầu trắng, Giá Rai - Phong Tân và các tuyến đường dẫn vào cầu Trần Văn Sớm.

Hai là, tập trung khởi công xây dựng Trụ sở các ban Đảng, đoàn thể; xây dựng phường Hộ Phòng, phường Láng Tròn đạt tiêu chuẩn là phường văn minh đô thị; đồng thời, nâng xã Tân Phong thành phường 2 và xã Tân Thạnh thành phường 3.

Ba là, triển khai xây dựng các dự án để kêu gọi đầu tư như: Trung tâm Thương mại Hộ Phòng; Khu nhà ở - Thương mại khóm 5, phường 1; Khu dân cư – chợ xã Phong Thạnh Tây; Khu dân cư nhà cao tầng khóm 5, phường Hộ Phòng; Nhà máy Xử lý rác thải. Đầu tư xây dựng các trường Mẫu giáo Tuổi thơ, Mẫu giáo Tân Hiệp, Mẫu giáo Thạnh  Bình, Tiểu học Giá Rai A, Tiểu học Phong Phú B đạt trường chuẩn mức độ 2.

Bốn là, quan tâm chỉ đạo xây dựng các công trình văn hóa như: mở rộng trùng tu khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Du lịch nghỉ dưỡng Tắc Sậy và khởi công xây dựng Khu Du lịch sinh thái Mũi Tàu.

Năm là, đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đầu tư xây dựng các xã Phong Tân, Tân Phong và Phong Thạnh Tây đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, gắn với xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; tiếp tục nhân rộng cánh đồng lớn kết hợp với mô hình kinh tế trang trại ở các xã Phong Tân, Phong Thạnh Đông và phường Láng Tròn.

Sáu là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gắn với giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tin liên quan
Tin khác