Bạc Liêu hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia Đồ họa: Thanh Huyền |
Triển vọng thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức họp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và những định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh; trao đổi với doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh; giải đáp các kiến nghị, tìm hướng giải quyết phù hợp, đúng pháp luật để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển.
Tỉnh cũng đã xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024 để kêu gọi các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến nay, Bạc Liêu đã thu hút đầu tư được 199 dự án (trong đó, có 182 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 65.065 tỷ đồng; 17 dự án nước ngoài, tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD).
Công tác phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Các chính sách về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX được triển khai thực hiện kịp thời. Đặc biệt, mô hình Gặp gỡ, cà phê và điểm tâm sáng giữa lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo các doanh nghiệp được tổ chức định kỳ hằng tháng bước đầu phát huy hiệu quả. Qua đó, nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh nắm bắt và chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.
Trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh có 75 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 1.150 tỷ đồng và 3 HTX thành lập mới. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.660 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký 39.500 tỷ đồng; 232 HTX và 3 liên hiệp HTX.
Đồng thời, Bạc Liêu tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản. Trong đó, chú trọng đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu. Tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh mời gọi đầu tư, huy động các nguồn vốn cho phát triển công nghiệp chế biến thủy sản...
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định: “Năm 2024, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chương trình, kết luận, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Thời gian về đích cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 không còn nhiều, những bứt phá trong năm 2024 chính là yếu tố mang tính quyết định để tạo sự thay đổi mà tỉnh quyết tâm thực hiện, đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”.
Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
Trong điều kiện nguồn lực giới hạn và hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện, công tác xây dựng cơ bản luôn được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024, với tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.635,492 tỷ đồng, tỉnh đã giao và thông báo ngay từ đầu năm, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng và chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2024 của tỉnh đạt 370,320/3.635,492 tỷ đồng, đạt 10,19% kế hoạch. Theo đó, để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt tỷ lệ trên 95%, cần có giải pháp đồng bộ, tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt.
Tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của lãnh đạo tỉnh liên quan đến giải ngân vốn đầu tư; đề nghị các chủ đầu tư đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân nguồn vốn. Bên cạnh đó, tập trung giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia theo đúng quy định.
Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về đấu thầu, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực về chuyên môn, tài chính; xử lý nghiêm và thay thế ngay các đơn vị tư vấn, thi công không đáp ứng kế hoạch và tiến độ hợp đồng đã ký; chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý hồ sơ có phát sinh vướng mắc...
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, tăng cường tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng… Các ngành chức năng của tỉnh sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn; tổng hợp, điều chỉnh vốn các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ đề ra.
Tăng cường nguồn lực để tăng tốc phát triển
Vượt qua năm 2023 nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 được dự báo tiếp tục đương đầu với thách thức, song Bạc Liêu vẫn đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng khá cao, thể hiện quyết tâm và khát vọng rất lớn của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc để Bạc Liêu giữ được vị trí trên bảng xếp hạng tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và chủ động tránh nguy cơ tụt hậu.
Nhìn từ thực tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bạc Liêu cần nỗ lực, tăng tốc hơn nữa, khi các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh không còn như giai đoạn trước. Nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có theo hướng không ngừng nâng cao sức cạnh tranh gắn với tăng trưởng xanh, qua đó mang lại giá trị gia tăng cao. Do vậy, tiếp tục tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu quy mô, nguồn lực đầu tư trong điều kiện nguồn vốn đầu từ ngân sách không nhiều là vấn đề mà Bạc Liêu cần phải đặt lên hàng đầu.
Trong đó, tăng cường nguồn lực cho phát triển nông nghiệp và xuất khẩu được xem là lựa chọn ưu tiên. Bởi theo đánh giá, thế mạnh kinh tế đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh hiện nay và đến cuối nhiệm kỳ vẫn là sản xuất nông nghiệp gắn liền với chế biến xuất khẩu, trong đó con tôm là mặt hàng chủ lực.
Ngành nông nghiệp Bạc Liêu với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ cột” trong tăng trưởng kinh tế, sẽ tập trung hướng dẫn nông dân triển khai lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2024 và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực, đi liền với các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường.
Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và nâng cao giá trị gia tăng; tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước gắn với đẩy mạnh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, như thủy lợi, giao thông, lưới điện…
Một nhiệm vụ khác được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu xác định tập trung chỉ đạo trong năm 2024 là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy, hải sản.
Tỉnh sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt; tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, nhất là các dự án điện gió và Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III, Dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu cùng các dự án nguồn điện và lưới điện khác theo quy hoạch được phê duyệt.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện đã được phê duyệt theo quy hoạch, đặc biệt là các dự án lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV, 110 kV đồng bộ với các dự án điện khí, điện gió…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện cho biết, để tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế và tạo sức bật mới, trong năm 2024, Bạc Liêu sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển gắn với tăng cường công tác đối ngoại; hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc nhà đầu tư, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư vào tỉnh.