Cánh đồng điện gió Bạc Liêu. |
Khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương
Những năm gần đây, Bạc Liêu đi tiên phong trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về phát triển năng lượng tái tạo, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương. Đầu tiên là những “cánh đồng điện gió” chạy dọc suốt chiều dài 56 km bờ biển của tỉnh, trong đó, Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn I và II được vận hành khai thác với sản lượng điện hòa vào lưới điện quốc gia năm 2018 đạt hơn 210 triệu kWh.
Hiện, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục đất đai và đang thực hiện thủ tục đấu nối lưới điện, dự kiến triển khai thi công trong thời gian tới.
Các dự án nhà máy điện gió khác, gồm: Điện gió Hòa Bình 1, Điện gió Đông Hải 1, Điện gió Đông Hải 2 đang đẩy mạnh hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi theo phương án đấu nối đã được Bộ Công thương phê duyệt và sẽ khởi công đồng loạt trong năm 2019. Riêng Dự án Điện gió Đông Hải I đã khởi công từ đầu tháng 4/2019.
Với những dự án phát triển năng lượng tái tạo, vùng biển và ven biển Bạc Liêu được kỳ vọng sẽ trở thành vùng kinh tế năng động bậc nhất khi cùng với phát triển điện gió, điện mặt trời, còn có các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, cảng biển, khu kinh tế biển… góp phần thực hiện thắng lợi trụ cột thứ 5 của tỉnh về phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển của tỉnh, giải quyết có hiệu quả bài toán an sinh cho dân cư vùng ven biển.
Chính nhờ sự quyết đoán, năng động và sáng tạo của lãnh đạo tỉnh khi quyết định xin Thủ tướng Chính phủ cho Bạc Liêu rút và không thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Cái Cùng với tổng công suất 3.600 MW, là tiền đề quan trọng để kêu gọi các dự án phát triển năng lượng tái tạo, thay thế bằng việc thu hút Dự án Nhà máy điện khí LNG sạch hơn, phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh và cả vùng ĐBSCL.
Triển khai Dự án điện khí LNG tầm cỡ khu vực
Một trong những dự án quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Bạc Liêu hiện nay là Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, tổng diện tích Dự án là 140 ha, gồm 100 ha ngoài khơi bờ biển Bạc Liêu (phục vụ khu tổ hợp trên biển) và 40 ha đất tại xã Vĩnh Hậu B, huyện Hòa Bình (phục vụ cho khu vực nhà máy điện trên bờ). Nhà đầu tư phát triển dự án là Công ty TNHH Delta offshore Energy Pte.Ltd (Singapore) cùng 2 đối tác chiến lược là Tập đoàn GE (Mỹ) và Ngân hàng DNB (Na uy).
Vừa qua, Bạc Liêu đã làm việc và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và được Thủ tướng đồng tình, ủng hộ dự án này. Hiện các bộ, ngành đang thẩm định bổ sung dự án vào Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII quốc gia và thẩm định chủ trương đầu tư dự án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư trong năm 2019.
Khi hoàn thành đưa vào khai thác, Dự án không chỉ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn đóng góp cho sự phát triển của khu vực và quốc gia. Đặc biệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh, trong bối cảnh khu vực Nam bộ sẽ thiếu điện trong các năm tới.
Thực tế, nhu cầu tiêu thụ điện ở Nam bộ chiếm 50% nhu cầu toàn quốc, nhưng công suất các nhà máy điện của Nam bộ chỉ chiếm 30% tổng công suất điện cả nước, vì vậy phải điều tiết tới 20% từ miền Bắc và miền Trung, phải chịu nhiều tổn thất điện năng qua đường truyền.
Ngoài ra, Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu còn cung cấp nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường, thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu phát thải khí CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Dự án sẽ góp phần giảm đà tăng chi phí điện cho xã hội và cho nền kinh tế, với mức giá bán điện FIT cho EVN dự kiến ở vào khoảng 7 UScents/kWh, tương đương giá điện than hiện nay.
Bên cạnh đó, mô hình Nhà nước thông qua EVN chỉ đặt hàng mua điện theo hợp đồng PPA, toàn bộ trách nhiệm đầu tư nhà máy và thu xếp đảm bảo nguồn cung nhiên liệu đầu vào (LNG) cho nhà máy là trách nhiệm của nhà đầu tư như đề xuất tại dự án này, sẽ mở ra một hướng đi mới về cách thu hút vốn đầu tư cho các dự án điện sạch với giá cạnh tranh hơn so với nhiệt điện than.
Khi đó, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện PPA với EVN chỉ tập trung chủ yếu vào nội dung công suất cam kết mua và giá bán điện FIT, không phải lo đàm phán nguồn cung cấp khí LNG, vì chuyển nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư, nên sẽ rút ngắn thời gian đàm phán hợp đồng PPA từ 7 - 10 năm trước đây, xuống chỉ còn 1 - 2 năm để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án ngay.
Ngoài ra, với mô hình này, nhà đầu tư bị ràng buộc tại hợp đồng PPA về công suất, giá điện và thời gian cung cấp điện nên phải thu xếp vốn và triển khai nhanh nhất, chậm thời gian cung cấp điện cho EVN sẽ bị phạt theo quy định trong hợp đồng mua bán điện PPA. Như vậy, sẽ không có tình trạng dự án treo, sau khi được cấp phép đầu tư không thu xếp được vốn, kéo dài, chậm trễ và chấm dứt tình trạng nhà đầu tư ảo. Dự án cũng sẽ góp phần cân bằng hơn cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi việc nhập khẩu thiết bị và nhiên liệu do doanh nghiệp Hoa Kỳ cung cấp cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán để Hoa Kỳ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện nhà đầu tư cam kết tiến độ triển khai cụm kho nổi ngoài khơi và đường ống đưa khí vào bờ là 12 tháng, do đây là những thiết bị đặt sẵn tại nhà máy hoặc mua sẵn và khoảng 36 tháng cho phần thi công nhà máy điện khí LNG trên bờ (chủ yếu là phần sản xuất tuabin của GE), dự kiến công tác giải tỏa, bồi hoàn 40 ha trên đất liền, ảnh hưởng đến 20 hộ nuôi tôm sẽ triển khai hoàn thành nhanh trong năm 2019. Tiến độ trên sẽ được cụ thể hóa và khẳng định chắc chắn hơn sau khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và được thể hiện trong hợp đồng mua bán điện PPA giữa nhà đầu tư với EVN trong giai đoạn kế tiếp là phát triển dự án.
Hiệu quả từ dự án tỷ đô
Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm tỉnh sẽ thu được khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng từ thuế thu nhập và thuế VAT từ dự án này. Với mức thu này, Bạc Liêu sẽ sớm trở thành địa phương tự cân đối ngân sách. Đồng thời, Dự án cũng tạo thêm hàng chục tỷ đồng tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng, hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp khi nhà máy đi vào vận hành…
Tỉnh Bạc Liêu đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ thúc đẩy phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu. Đây là dự án rất quan trọng, giúp tỉnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng đột phá và bền vững, mang cơ hội to lớn cho tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu lớn nhất trong nhiệm kỳ của tỉnh là vươn lên vào tốp tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL và cả nước.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tỉnh trong việc tìm kiếm giải pháp công trình, phi công trình giảm sóng, gây bồi từ xa có hiệu quả để phát triển đai rừng phòng hộ, bảo vệ tuyến đê biển và các hạ tầng bên trong. Đồng thời, có những đề tài nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng để có giải pháp phòng, chống thích hợp.
Xây dựng Bạc Liêu trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển phía Nam
Tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, phải xây dựng Bạc Liêu trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển phía Nam của đất nước; phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và đưa tỉnh trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, đa dạng sản phẩm, kết nối với các trung tâm du lịch lớn; tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo, phát triển điện gió, điện mặt trời...