Các bị cáo nghe Hội đồng Xét xử tuyên án Ảnh: H.N |
Phan Quốc Việt giữ vai trò chủ đạo, chỉ đạo xuyên suốt
Theo nhận định của Hội đồng Xét xử, vụ án xảy ra trong bối cảnh đất nước phải gồng mình chống dịch, nhân dân hoang mang, sinh phẩm và vật tư y tế chưa đáp ứng được việc chống dịch. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh hành vi sai phạm của các bị cáo.
Hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của một số đơn vị, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Cũng theo Hội đồng Xét xử, việc đưa các bị cáo ra xét xử là đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng khoan hồng, giảm nhẹ cho những bị cáo không hưởng lợi.
Trong vụ án này, hầu hết bị cáo đều thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; đồng thời đã tự nguyện khắc phục hậu quả, hoặc tác động tới gia đình nộp tiền khắc phục.
Đánh giá hành vi của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, Hội đồng Xét xử cho rằng, bị cáo này giữ vai trò quyết định, chỉ đạo xuyên suốt các hoạt động của nhân viên và Công ty Việt Á trong mọi hoạt động.
Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tác động tới cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc để được tham gia đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm.
Thêm vào đó, Việt và Nguyễn Huỳnh, thư ký của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhờ ông Long can thiệp, tác động để thông qua việc cấp phép lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá cao gấp 3 lần giá trị thực tế.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thanh Long cũng tác động, gây sức ép tới các địa phương để các đơn vị này sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, tăng quy mô xét nghiệm gấp nhiều lần.
Hội đồng Xét xử đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 38 bị cáo. Trong đó, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á): 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 15 năm tù về tội "Đưa hối lộ"; Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế): 18 năm tù; Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ): 3 năm tù.
Buộc bồi thường thiệt hại 402 tỷ đồng liên quan tới các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm
Cơ quan tố tụng xác định, sau khi được cấp phép lưu hành và sản xuất thương mại, Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm với giá cao gấp nhiều lần tại một số tỉnh, thành phố và nhiều cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng; trong đó có 402 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của Nhà nước, liên quan tới việc mua sắm kit xét nghiệm tại các địa phương.
Theo Hội đồng Xét xử sơ thẩm, về nguyên tắc, những người gây thiệt hại phải có trách nhiệm liên đới bồi thường, song tòa xét thấy, toàn bộ thiệt hại của vụ án đã được xác định là tiền Công ty Việt Á thu được từ việc bán hơn 4 triệu kit xét nghiệm.
Do đó, về trách nhiệm dân sự, Hội đồng Xét xử không buộc 21 bị cáo thuộc nhóm phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” phải bồi thường, mà buộc bị cáo Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á phải liên đới bồi thường 402 tỷ đồng được xác định thiệt hại tại các gói thầu mua sắm.
Trước đó, để đảm bảo thi hành án, trong quá trình điều tra, truy tố, cơ quan chức năng đã kê biên, phong tỏa 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên Phan Quốc Việt, với tổng số tiền hơn 320 tỷ đồng.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng phong tỏa 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt, với tổng số tiền 142 tỷ đồng và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo này, trị giá 20 tỷ đồng.
Trình bày trước tòa, Phan Quốc Việt cho rằng, số tiền 142 tỷ đồng này là bị cáo trả lại cho mẹ, do trước đó, trong quá trình làm ăn thua lỗ, đã nhiều lần vay mượn gia đình, người thân.
Phán quyết về số tài sản trên, Hội đồng Xét xử khẳng định, đây đều là tài sản có được từ việc bán kit xét nghiệm của Việt Á, nên không trả lại, mà tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án cùng các tài sản khác của Phan Quốc Việt.
Cựu giám đốc CDC “dám nghĩ dám làm” được miễn trách nhiệm hình sự
Người duy nhất trong vụ án này không bị đồng tiền của Việt Á khuất phục là cựu Giám đốc CDC Bình Dương, ông Nguyễn Thành Danh.
Cơ quan tố tụng xác định, sau nhiều lần nhân viên Công ty Việt Á “cảm ơn” với số tiền hàng tỷ đồng, song ông Danh nhất quyết từ chối, nhân viên đã báo cáo Phan Quốc Việt để chuyển lại phía Việt Á.
Ông Danh được cho là đã nhiều lần cảnh báo cấp dưới tránh mắc phải sai phạm trong quá trình chống dịch.
Theo Hội đồng Xét xử, cựu Giám đốc CDC Bình Dương là người “dám nghĩ dám làm”, đã đưa ra những quyết sách vì sức khỏe người dân và nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á, nên tòa quyết định miễn trách nhiệm hình sự.
Đây là bị cáo duy nhất được miễn trách nhiệm hình sự, khi được tòa cấp sơ thẩm áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt. Trước đó, tòa ghi nhận, thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, ông Danh đã có đơn xin nghỉ hưu trước thời hạn. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát ở tỉnh Bình Dương, khi được yêu cầu, ông Danh đã đồng ý ở lại để tham gia chống dịch.
Hội đồng Xét xử ghi nhận việc ông Danh nhận thức rõ hành động của mình khi đó có thể dẫn tới việc bị xử lý, song vẫn dám nghĩ dám làm và không ngại vất vả, vì sức khỏe đồng bào.