Ngân hàng - Bảo hiểm
Ban hành chính sách về cơ cấu nợ và TPDN, ngân hàng rầm rộ báo lãi quý I/2023
H.T - 02/05/2023 07:49
Một loạt chính sách mới được NHNN ban hành, các ngân hàng thương mại kết thúc mùa ĐHĐCĐ, rầm rộ báo lãi, cảnh báo lừa đảo cho vay lãi suất thấp… là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Trong quý I/2023, có ngân hàng đã “xài” gần hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, song có ngân hàng lại tăng trưởng tín dụng âm.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023 đang được các ngân hàng lần lượt công bố, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có sự phân hóa rõ nét, kéo theo tăng trưởng lợi nhuận cũng có sự khác biệt lớn.

Tính tới cuối quý I/2023, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có dư nợ tăng trưởng tín dụng cao nhất. Đến cuối tháng 3/2023, tín dụng ngân hàng này tăng tới 13,17%. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, chỉ trong quý đầu tiên của năm, Ngân hàng đã sử dụng hết “room” tín dụng của cả năm 2023. Theo đó, từ nay tới cuối năm, Ngân hàng sẽ phải thực hiện tái cơ cấu các khoản vay, tăng nguồn thu từ phí, đồng thời, tiếp tục xin Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng room tín dụng.

“MSB là ngân hàng tầm trung, nên mặc dù được cấp room tín dụng cao, nhưng thực chất con số tuyệt đối thì không cao. Nếu ngân hàng đảm bảo tốt các chỉ số an toàn, thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đưa vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, sản xuất thì nhiều khả năng sẽ được tăng thêm room”, ông Linh kỳ vọng.

Ngoài MSB, một số ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng bình quân của toàn hệ thống là Techcombank (tăng 9,3%), VPBank (tăng 7%), TPBank (tăng 7,3%), SHB (tăng 6%)… 

Ở chiều ngược lại, một loạt ngân hàng lại có mức tín dụng tăng trưởng âm, như VietBank giảm 3,3%, ABBank giảm 3,1%, VIB giảm 1,2%, Eximbank giảm 0,33%, ACB giảm 0,6%...

kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn, cầu tín dụng yếu, trong khi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng khó khăn trong tăng trưởng tín dụng. Dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn lạc quan về tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm.

 Không chỉ cầu tín dụng sụt giảm, chi phí vốn tăng cao và nợ xấu ngày càng tăng mạnh đã phản ánh vào lợi nhuận quý I/2023 của các nhà băng. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận bình quân quý I/2023 của các ngân hàng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, một số ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh là: ABBank, nợ xấu tăng vọt từ 2,88% lên trên 4%, dẫn tới trích lập dự phòng rủi ro tăng tới 2,6 lần; VPBank cũng tăng nợ xấu riêng lẻ từ mức 2,19% cuối năm ngoái lên 2,6% cuối quý I/2023. Tại Eximbank, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 1,8% cuối năm 2022, lên 2,34% thời điểm cuối quý I/2023…

Xét về con số tuyệt đối, trong các ngân hàng đã công bố lợi nhuận, Vietcombank vẫn là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, đạt khoảng 11.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là BIDV với lợi nhuận trước thuế trên 6.600 tỷ đồng, Techcombank đạt 5.623 tỷ đồng, MB đạt 6.512 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, VietBank là nhà băng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý I/2023 với mức tăng 74%. Động lực tăng trưởng chính của ngân hàng này là giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro. BIDV đứng thứ hai về mức độ tăng trưởng ấn tượng, với 58%.

Dù vậy, trong quý I/2023, cũng có tới 4 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia của Fiintrade, năm nay, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng thương mại. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn là điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành trong các quý sắp tới, dù có giảm tốc so với năm ngoái. Yếu tố hỗ trợ là nhờ tín dụng hồi phục từ tháng 3 sau khi suy yếu trong 2 tháng đầu năm.

Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, các ngân hàng thương mại đã giảm mức độ kỳ vọng lợi nhuận năm nay. Theo kết quả khảo sát mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, các tổ chức tín dụng đánh giá nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý I/2023 có cải thiện, nhưng chưa được như kỳ vọng. Các ngân hàng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II/2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các ngân hàng nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong quý I/2023 và dự báo xu hướng tăng nhẹ trong năm 2023, nhưng tốc độ tăng kỳ vọng chậm lại so với các năm trước.

Đánh giá về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay, chuyên gia phân tích đến từ các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo thận trọng. Cụ thể, VNDirect nhận định, năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ tăng 11%; còn Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ khoảng 10% và có sự phân hóa mạnh ở các ngân hàng.

Top 10 ngân hàng lợi nhuận cao nhất quý I/2023: Cuộc đổi ngôi thứ hạng

Quý I/2023 danh sách các ngân hàng có mặt trong Top 10 lợi nhuận không thay đổi, song đã có nhiều “sao đổi ngôi” trong bảng xếp hạng lợi nhuận.

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023. Theo đó, top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong quý lần lượt là: Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, SHB, HDBank, VIB.

Danh sách các ngân hàng có mặt trong top 10 lợi nhuận không thay đổi song thứ hạng đã thay đổi rất  nhiều.

Cụ thể, quý I/2023, Vietcombank vẫn chứng tỏ là thương hiệu đẳng cấp nhất thị trường khi dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế với con số tuyệt đối hơn 11.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, VPBank - quán quân lợi nhuận quý I/2022 (vượt qua cả Vietcombank) nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoa hồng bảo hiểm - lại thay đổi thứ hạng khi chỉ đứng top 10, nguyên nhân là năm nay, ngân hàng không còn khoản thu nhập bất thường, trong khi đó chi phí vốn bị đẩy lên, trích lập dự phòng tăng 55% do nợ xấu tăng mạnh.

Vị trí á quân lợi nhuận ngân hàng năm nay thuộc về BIDV với 6.920 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế). Sau một thời gian dồn lực trích lập dự phòng, BIDV đang dần trở lại đường đua lợi nhuận, lấy lại vị thế của ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống (tổng tài sản hơn 2,1 triệu tỷ đồng).

Trong khi đó, á quân lợi nhuận liên tiếp nhiều năm trước - Techcombank - bị lùi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng quý I. Mức độ tập trung lớn vào trái phiếu, bất động sản trong khi các thị trường này gặp khó khiến kết quả kinh doanh quý I/2023 của ngân hàng này đi lùi. 

Khối ngân hàng TMCP tư nhân năm nay chứng kiến sự thăng hạng của MB. Với lợi thế hệ sinh thái quân đội, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (casa) lớn và sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số, MB vươn lên vị trí thứ ba toàn hệ thống về lợi nhuận. Với vị trí này, MB tăng một bậc về bảng xếp hạng. Tuy nhiên, thời gian duy trì thứ hạng này của MB vẫn là câu hỏi, do ngân hàng đang phải đối mặt với nợ xấu tăng nhanh (tăng 68%), nắm giữ lượng TPDN lớn trong khi mảng bảo hiểm mang lại nguồn thu lớn những năm qua cũng đang gặp khó khăn chung.

Big 4 ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận

Vị trí thứ tư về lợi nhuận năm nay thuộc về VietinBank. Như vậy, Top 4 ngân hàng lợi nhuận lớn nhất năm nay có mặt cả 3 ngân hàng TMCP trong nhóm big 4, cho thấy nền tảng vững chắc của khối ngân hàng này.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất đến thời điểm này (vẫn còn vài ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính) là NCB, Saigonbank, PGBank, Kienlongbank, VietABank, BacABank, ABBank…

Xét về tốc độ tăng trưởng, trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống thì BIDV là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất (lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 53%). VPBank và Techcombank là hai ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất, lần lượt tăng trưởng âm 77% và 17%.

Trong số 25 ngân hàng đã công bố kết quả tài chính, tất cả các ngân hàng đều có lãi. Tuy vậy, vẫn có 6 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm gồm: Techcombank, VPBank, NCB, LPBank, SeABank, VietABank.

Cấm ngân hàng thương mại “ép” nhân viên bán trái phiếu doanh nghiệp

Trong văn bản vừa ban hành, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng không được gây áp lực, ép nhân viên chào bán TPDN, coi đó là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI).

NHNN vừa có văn bản 2845/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng (TCTD). 

NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại không được gây áp lực cho nhân viên trong chào bán TPDN cho khác hàng/nhà đầu tư. Đồng thời khi giới thiệu TPDN cho khách hàng/nhà đầu tư phải đảm bảo cho khách hàng nhận biết rõ rủi ro của TPDN và phân biệt rõ rang sự khác biệt giữa đầu tư TPDN với tiền gửi tiết kiệm.

Cụ thể, NHNN yêu cầu các TCTD chỉ được cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ theo đúng nội dung quy định tại Giấy phép hoạt động do NHNN cấp và quy định có liên quan khác; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, mẫu hợp đồng… đối với các hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ.

Khi cung cấp dịch vụ, TCTD phải đảm bảo khách hàng/nhà đầu tư hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ với việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng; các rủi ro phát sinh, vấn đề cần lưu ý khi đầu tư (đặc biệt là rủi ro không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu của doanh nghiệp phát hành…); quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng/nhà đầu tư (bao gồm việc tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu…); trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan,…

Các TCTD không được gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho khách hàng/nhà đầu tư mua trái phiếu, chứng chỉ quỹ để đạt chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI). TCTD có trách nhiệm bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi của khách hàng/nhà đầu tư theo quy định.

NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các hoạt động cung cấp dịch trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp: cung cấp thông tin không đầy đủ, không rõ ràng, thiếu chính xác dẫn đến việc khách hàng hiểu lầm về TPDN và giữa việc mua TPDN, chứng chỉ quỹ với gửi tiền tại TCTD; không thực hiện đúng quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, chỉ đạo của NHNN và của pháp luật có liên quan; định hướng hoặc “ép” khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ.

Bên cạnh đó, các TCTD chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống rà soát, kịp thời có biện pháp giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến hoạt động tư vấn giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của TCTD cũng như trách nhiệm của TCTD đối với khách hàng, nhà đầu tư theo hợp đồng (nếu có).

Các TCTD đẩy mạnh công tác phổ biến, truyền thông nội bộ để nhân viên, cán bộ hiểu rõ các quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, chỉ đạo của NHNN và quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ nhằm tăng cường ý thức tuân thủ, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong quá trình thực hiện.

Cửa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hé mở: Ngân hàng có dám mạnh tay?

 Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được quyền mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết thay vì phải đợi sau 12 tháng như quy định hiện hành được giới chuyên gia đánh giá là nhằm giải tỏa áp lực đáo hạn hơn là mở cửa cho ngân hàng mạnh tay đầu tư vào trái phiếu.  

Cuối tuần qua, ngân hàng Nhà nước đã  ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11, Điều 4, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN. Thời gian tạm ngưng là từ nay đến 31/12/2023.

Theo các chuyên gia kinh tế, Thông tư 03 sẽ cho phép các ngân hàng chủ động, linh hoạt mua lại trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu, cũng là cách để tăng vai trò tạo lập thị trường của ngân hàng.

Thực tế, quý I/2023, sức cầu của thị trường TPDN vẫn phụ thuộc vào ngân hàng, trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tháo chạy. Báo cáo của Bộ tài chính cho thấy, trong quý I/2023, nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99% bên mua, trong đó ngân hàng là 77%. Tuy vậy, nhìn chung sức mua thị trường èo uột, thị trường đang bị tắc ở khâu mua lại do ngân hàng không được mua TPDN chưa niêm yết sau khi bán.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, quy định trên có ý nghĩa nhiều nhất với các tổ chức tín dụng trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn. Điều này sẽ tháo gỡ áp lực mà một số tổ chức tín dụng đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi Tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại. Quy định này cũng rất hợp lý trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên HNX chưa đi vào hoạt động. 

Tuy vậy, với doanh nghiệp phát hành, Thông tư 03 chưa gỡ được vướng mắc lớn nhất hiện nay của thị trường TPDN. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, Thông tư 03 vẫn chưa cho phép tổ chức tín dụng được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu nợ trong khi đây là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay (phát hành TPDN để đảo nợ). Ngoài ra, thời gian tạm hoãn quy định trên (8 tháng), theo ông Châu là quá ngắn, chưa đủ để thị trường vượt qua khó khăn.

“Doanh nghiệp rất mừng vì Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 song đề nghị NHNN tiếp tục bãi bỏ quy định cấm tổ chức tín dụng được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành để bảo đảm sự phù hợp với khoản 2, Điều 1, Nghị định 65/2022/NĐ-CP”, ông Châu đề nghị.

Suốt 3 tuần đầu tháng 4/2023, thị trường TPDN trầm lắng, không ghi nhận bất kỳ đợt phát hành  nào. Trước đó, phát hành TPDN bất ngờ sôi động trở lại trong tháng 3/2023, nhưng hầu như của các doanh nghiệp ít tên tuổi và cũng không loại trừ mục đích cơ cấu nợ. Trong 4 tháng đầu năm, huy động vốn từ TPDN tăng trưởng âm khi lượng phát hành mới thấp hơn lượng TPDN phải mua lại trước hạn và đến hạn. 

Gánh nặng trái phiếu đáo hạn những tháng cuối năm vẫn đang rất lớn. Theo ước tính của FiinRatings, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản năm nay lên tới khoảng 120.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến hàng chục doanh nghiệp bất động sản mất khả năng thanh toán. 

Toàn hệ thống đang có 17 ngân hàng đang nắm giữ  trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, 5 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB. Sự khủng hoảng của thị trường TPDN, bất động sản năm qua đã gây lo lắng rất nhiều cho cổ đông các ngân hàng này. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, cổ đông hàng loạt ngân hàng đã bày tỏ nỗi lo về nợ xấu trái phiếu.

Chính vì vậy, dù cánh cửa đầu tư TPDN đã hé mở, song các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cũng sẽ rất thận trọng với đầu tư TPDN. Thực tế, trong quý I/2023, nhiều ngân hàng đã giảm lượng TPDN nắm giữ.

Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, khối lượng TPDN nắm giữ tại ngân hàng này chỉ hơn 30.000 tỷ đồng, giảm 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 20.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2023.

Tỷ lệ nợ xấu TPDN tại các ngân hàng hiện nay chưa có thống kê. Tất cả lãnh đạo ngân hàng thương mại đều khẳng định các khoản đầu tư TPDN đều an toàn. Trả lời cổ đông mới đây, Tổng giám đốc VPBank cho hay, 100% TPDN được VPBank đầu tư có tài sản đảm bảo, ngân hàng hoàn toàn có thể xử lý, thu hồi nợ nếu trái phiếu có vấn đề.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ thường niên của Techcombank mới đây, nhiều cổ đông bày tỏ  bất an khi ngân hàng có mức độ tập trung quá lớn vào TPDN và bất động sản. Trấn an cổ đông, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho rằng, nợ xấu tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tại Techcombank đang được kiểm soát tốt. 

Tương tự, tại SHB, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cũng cho hay, toàn bộ TPDN (13.186 tỷ đồng cuối năm 2022) của ngân hàng này đều có tài sản đảm bảo. Tất cả các Dự án TPDN mà SHB đầu tư đều có dòng tiền tốt. Hiện các nhà phát hành này đều thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng.

Khả năng, thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục trầm lắng giai đoạn tới và những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, có nhiều dự án chưa hoàn thiện pháp lý sẽ tiếp tục khó khăn. Theo FiinGroup, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản đang yếu đi, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu hiện đang ở mức hơn 14,3% và sẽ tiếp tục gia tăng nửa cuối năm.

Mặc dù khả năng ngân hàng bơm tiền giải cứu TPDN là không xảy ra, song theo các chuyên gia phân tích, các động thái gần đây của Chính phủ và NHNN như: giảm lãi suất điều hành, ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về TPDN, ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland và DIC Corp… đang dần gỡ nghẽn dòng tiền. Đây cũng là tiền đề để thị trường TPDN dần khôi phục trở lại.

Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng lãi lớn qua lý giải của Thống đốc

Trong một báo cáo mới được gửi đến Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ngân hàng Nhà nước đã đề cập “Thực trạng các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất ở mức cao”.

Ký báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, chênh lệch thu nhập - chi phí của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng của chênh lệch thu nhập - chi phí thấp hơn tốc độ tăng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu nên ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm so với năm 2021, đạt mức 1,13% và 14,67% tại thời điểm tháng 12/2022.

 Về cơ cấu thu nhập của các tổ chức tín dụng, theo báo cáo, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng (chiếm 79,6% tổng thu nhập). Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch. Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN  có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số tổ chức tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng lãi lớn, ngân hàng chưa thực sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp là vấn đề được đề cập khá nhiều tại nghị trường.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận tín dụng đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Rất đáng chú ý, theo VCCI là tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Vào năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng là 49,4%. Đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng đã giảm đáng kể xuống con số 17,8%.

VCCI cho rằng, trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%) vào năm 2022, song đã giảm bớt so với các năm trước. Tuy nhiên, một loạt khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022.

Cụ thể là “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân” (58,7% năm 2022, tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021); “thủ tục vay vốn phiền hà” (58,6% năm 2022 so với 46,2% năm 2019); tình trạng “doanh nghiệp phải ‘bồi dưỡng’ cho cán bộ tín dụng để vay vốn” (55,8% năm 2022 trong khi năm 2021 là 37,3%), và “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp” (49,8% năm 2022, năm 2021 là 27,4%).

Ngân hàng Nhà nước đề xuất hướng đi mới cho gói hỗ trợ lãi suất 2%

Gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ trong 2 năm 2022 - 2023 được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covd-19, song kỳ vọng đã thành thất vọng.

Phương án được tính đến là đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.

Nội dung trên được ngân hàng Nhà nước đã đề cập trong một báo cáo mới được gửi đến Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, phục vụ phiên thẩm tra của Uỷ ban vào sáng 26/4.

Là một nội dung trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại với quy mô 40.000 tỷ trong 2 năm 2022 - 2023 được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covd-19. Tuy nhiên, kỳ vọng đã biến thành thất vọng.

Ngày 20/5/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định này. Nhiều doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. 

Theo thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tìm hiểu thực tế doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% này, VCCI đã đề nghị các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết: Liệu doanh nghiệp có biết tới gói hỗ trợ lãi suất này không? Doanh nghiệp hiện đã có khoản vay nào theo gói hỗ trợ này chưa? Doanh nghiệp đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục vay và cho biết cụ thể các khó khăn là gì.

Kết quả điều tra cho thấy, 29,5% doanh nghiệp có biết tới chương trình này song chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI cho thấy, có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%. Trong đó, khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính đối với các doanh nghiệp, do tiêu chí “có khả năng phục hồi” (quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP) chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Tờ trình số 151/TTr-NHNN ngày 20/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng phản ánh thực tế từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho thấy dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi.” Lý do là để có thể đáp ứng tiêu chí này thì nhiều chỉ số kinh doanh như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực.

Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn. 

Nhiều doanh nghiệp cũng e ngại phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận hỗ trợ.  Khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI đã xác nhận thực tế đó, khi có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Bên cạnh đó, cũng có 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% doanh nghiệp cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Ở báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thông tin, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, cơ quan này đã có Tờ trình số 29/TTr-NHNN ngày 20/3/2023 báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Trong đó Ngân hàng Nhà nước đề xuất chấp thuận dừng việc tiếp tục sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP (do theo ý kiến các cơ quan thì cần xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, khi đó thời gian triển khai còn lại không nhiều, mặt khác, trường hợp sửa tiêu chí này thì kết quả hỗ trợ lãi suất thực tế có thể vẫn thấp do phụ thuộc rất lớn vào tâm lý e ngại thanh, kiểm tra hỗ trợ lãi suất của khách hàng).

Đề xuất tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính và các cơ quan liên quan căn cứ tình hình triển khai các nhiệm vụ chi của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chuyển nguồn lực cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện (nếu có) theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách tới cuối chương trình để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thông tin làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.

Về kết quả thực hiện, báo cáo cập nhật đến cuối tháng 2/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 84.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 44.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng.

Căn cứ thực tế triển khai, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đánh giá khả năng giải ngân hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại đã dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.

 Trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2023 là khoảng 2.435 tỷ đồng. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của Chương trình là 37.430 tỷ đồng (năm 2022 là 15.900 tỷ đồng, năm 2023 là 21.530 tỷ đồng).

Phó thống đốc NHNN yêu cầu “để mắt” ngân hàng giữ lãi suất cho vay cao

Tình trạng một số ngân hàng tiếp tục giữ lãi suất cho vay cao, trội hẳn so với mặt bằng chung, chênh lệch lãi suất đầu ra đầu vào rất lớn là vấn đề Phó thống đốc thấy "khó hiểu".

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư  02/2023TT-NHNN tổ chức chiều ngày 24/4, một trong các vấn đề lớn Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu nhiều ngân hàng giải trình là việc giữ lãi suất cho vay ở mức cao trội hơn hẳn so với mức chung. Theo ông, trong khi mặt bằng chung đang ở mức 9-10%, có những ngân hàng để lãi suất cho vay “vống” lên 14%.

Lãnh đạo một ngân hàng đang yết lãi suất cho vay cao giải thích nguồn tiền huy động chủ yếu từ dân cư, kỳ hạn dài nên mặt bằng đầu vào cao. Lãi suất đầu ra phải cao để đảm bảo hoạt động. Tuy nhiên, phó thống đốc cho rằng thông tin giải trình trên vẫn chưa lý giải được vì sao mức lãi suất cho vay cao hơn mặt bằng chung.

Phó thống đốc Đào Minh Tú đã yêu cầu cơ quan thanh tra NHNN phải để mắt với những ngân hàng thế này. Cụ thể, với trường hợp của ngân hàng trên, ông Tú ra thời hạn một tuần yêu cầu Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh nơi ngân hàng đặt trụ sở báo cáo về thực trạng và lý do lãi suất cao trội lên so với mặt bằng chung.

Một số ngân hàng khác nêu lý do từ tính chất đặc thù của phân khúc khách hàng (tập trung mảng tín chấp, cho vay tiêu dùng có rủi ro cao hơn). Cũng có ngân hàng cho biết đang trong quá trình giảm lãi suất huy động. Dù chậm hơn nhưng lãnh đạo ngân hàng này khẳng định đến cuối năm, kéo về mặt bằng chung của ngành. 

Không chỉ việc không hạ lãi suất cho vay về mặt bằng chung, Phó thống đốc còn thấy khó hiểu khi một số ngân hàng huy động thấp mà lại cho vay cao, nới mức chênh lệch lên lớn hơn nhiều thông thường. Có nơi đã giảm lãi suất huy động bình quân từ đầu năm nhưng lại tăng lãi suất cho vay.

Theo Phó thống đốc, các ngân hàng có thẩm quyền quyết định lãi suất, cơ quan quản lý không thể can thiệp trừ khi vượt quy định. Tuy vậy, không có nghĩa một mình một chợ. Buôn có bạn bán có phườn. Nhất là khi ngân hàng là ngành hoạt động kinh doanh có điều kiện, không phải muốn cho vay, huy  động tùy ý.

“Các ngân hàng tham gia phải chấp nhận mặt bằng lãi suất chung. Tất nhiên, tuy quy mô, năng lực tài chính lãi suấy có thể cao hơn nhưng không thể quá chênh lệch với mặt bằng lãi suất chung cho vay 9 10%, vống lên 14%”, ông Tú cũng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo nhiều bộ, ngành, trong đó có sự tham gia của ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước, các ngân hàng với thị phần tín dụng chiếm tới 50% thị phần tín dụng đã đồng thuận với chủ trương Chính phủ trong giảm lãi suất cho vay. 

Theo Phó thống đốc, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp có lợi nhuận để trả lãi cao rất khó khăn. Các ngân hàng cũng cần tiết kiệm chi phí để giảm thêm nữa lãi suất cho vay, không đẩy lãi suất lên cao thêm. Trường hợp chấp nhận lãi cao theo ông cũng có thể là rủi ro cao đi cùng hoặc cũng rất có thể là nhắm mắt vay không cần biết sau này trả nợ như thế nào.

Thông tư 02: Ngân hàng cần trích dự phòng 50% để giảm rủi ro tiềm ẩn

 Ngày 24/4/2022, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã chính thức có hiệu lực thi hành.

Thông tư ban hành chỉ cách một ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, ngày 23/4/2023.  

Báo cáo tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (ngân hàng Nhà nước) khẳng định việc cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo bà Giang, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, theo bà Giang, các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát  trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Đánh giá tác động của quy định mới, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, Thông tư 02 sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay), từ đó, Thông tư cũng tác động tích cực lên một số ngân hàng. Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.

“Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB”, bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên gia phân tích từ VNDirect nhận định. Nguyên nhân bởi các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn" (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong thời điểm này,

Cảnh báo hiện tượng mạo danh ngân hàng, các tổ chức tín dụng cho vay trực tuyến lãi suất thấp để lừa đảo

Ngày 28/4, Bộ Công an cảnh báo hiện tượng các đối tượng phạm tội mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính cho vay tiền trực tuyến với lãi suất rất thấp nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Trong cảnh báo vừa đưa ra, Bộ Công an cho hay, thủ đoạn này là một chuỗi các hoạt động lừa đảo; biểu hiện rõ nhất là các đối tượng để cho người muốn vay tiền phải tự làm hồ sơ vay tiền trực tuyến, sau đó yêu cầu người vay phải chuyển một khoản tiền nhỏ (khoảng từ 500.000đ đến 5.000.000đ) phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay…

Đặc biệt, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn mạo danh, dẫn dụ người vay tiền sập bẫy lừa đảo trên.

Thứ nhất, các đối tượng mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp. Tìm kiếm theo cụm từ “vay tín chấp online” trên không gian mạng. Có thể thấy, hàng loạt ngân hàng thương mại đã bị các đối tượng mạo danh, như: Agribank, BIDV,Techcombank, Vietinbank, TPBank…

Thứ hai, các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng nghìn tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/ tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền...
Thứ ba, khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD, ảnh chụp chân dung… phục vụ làm hồ sơ vay.

Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân…). Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, ví dụ như: đăng kí SIM không chính chủ, đăng kí mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…
Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có nhiều diễn biến phức tạp trên không gian mạng, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.
Đồng thời, cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách: kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Nên tư vấn thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục vay.
Người dân tuyệt đối: Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…) khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên; Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng. Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ.
Bộ Công an cũng đề nghị người dân nhanh chóng trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin liên quan
Tin khác