AEON MALL thứ 5 tại thị trường Việt Nam và là AEON MALL thứ hai tại Hà Nội của AEON vừa được khai trương với tổng diện tích sàn khoảng 150.000 m2. Ảnh: Đ.T |
“Ông lớn” AEON, Uniqlo coi Việt Nam là “trụ cột” tăng trưởng
Sau 2 năm chuẩn bị, cuối tuần qua (ngày 6/12), Uniqlo, thương hiệu thời trang nổi tiếng của Nhật Bản đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Đích thân tỷ phú giàu nhất Nhật Bản, Nhà sáng lập, kiêm CEO của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo, đã tới Việt Nam tham dự sự kiện này.
Chủ tịch của Fast Retailing, ông Tadashi Yanai cho biết, cửa hàng đầu tiên của Uniqlo tại Việt Nam (rộng 3.100 m2 tại quận 1, TP.HCM) là cửa hàng thuộc diện lớn nhất của Uniqlo tại Đông Nam Á. “Việt Nam là thị trường quan trọng của chúng tôi”, ông Tadashi Yanai trao đổi với báo giới.
Trên thực tế, ông chủ của Uniqlo đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam chính là thị trường tiềm năng nhất và là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của hãng tại Đông Nam Á. Hiện giá trị sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài của Uniqlo tại Việt Nam đã ở mức 3 tỷ USD, song sẽ không dừng lại ở đó, bởi như chia sẻ của ông Tadashi Yanai, Uniqlo mong muốn “sẽ sản xuất và tiêu thụ nhiều hàng hóa hơn tại đây”.
Uniqlo đã đặt mục tiêu tăng trưởng 30% cho khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, đưa doanh thu ở khu vực này lên 300 tỷ yên (tương đương 2,75 tỷ USD) vào năm tài khóa 2020. Để đạt mục tiêu này, theo khẳng định của hãng, Việt Nam chính là một trong những “trụ cột” quan trọng.
Uniqlo chưa khẳng định các kế hoạch tiếp theo, nhưng người tiêu dùng Việt Nam, vốn rất ưa chuộng thương hiệu này, đang hy vọng, một cửa hàng tiếp theo sẽ được hãng mở ở Hà Nội vào năm sau.
Trước lễ khai trương của Uniqlo đúng một ngày, ông lớn bán lẻ Nhật Bản AEON đã chính thức khai trương AEON MALL thứ 5 tại thị trường Việt Nam và là AEON MALL thứ hai tại Hà Nội, với tổng diện tích sàn khoảng 150.000 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD. Trong đó, gian hàng chủ chốt là Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON - Hà Đông, do Công ty TNHH AEON Việt Nam đầu tư và quản lý, với tổng diện tích bán hàng trên 16.259 m2.
“Trong chiến lược phát triển kinh doanh của AEON, Việt Nam là quốc gia trọng yếu, nên trong tương lai, việc đầu tư của Tập đoàn vào thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa”, ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc AEON Việt Nam nói.
Cũng theo ông này, thị trường bán lẻ Việt Nam “có tiềm năng phát triển rất cao”, nên AEON Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh các trung tâm mua sắm lớn, AEON Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung mở rộng thêm các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi.
AEON ngay từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam đã đặt mục tiêu mở 20 trung tâm thương mại lớn đến năm 2025. Con số hiện tại mới chỉ có 5, có nghĩa rằng, nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, trong vòng 6 năm tới, sẽ có thêm 15 AEON MALL nữa được mở cửa tại Việt Nam.
Vốn Nhật ra “mặt tiền” kinh tế Việt Nam
Nhật Bản đã và đang là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, với con số lũy kế đến hết tháng 11/2019 là 58,9 tỷ USD. Và một điều cũng luôn được khẳng định, đó là các nhà đầu tư Nhật Bản đã “bám rễ” vào nền kinh tế Việt Nam bằng hàng loạt dự án nhà máy quy mô lớn của các tên tuổi lớn, từ Toyota, Honda, Panasonic đến Canon, FujiXerox, Kyocera, rồi Sumitomo, IHI, Marubeni…
Với năng lực, kinh nghiệm của mình, các nhà đầu tư Nhật Bản đã góp phần quan trọng hình thành các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam. Song thay vì chỉ tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, “khẩu vị” đầu tư của doanh nghiệp Nhật đã có nhiều thay đổi. Những năm gần đây, nhiều ông lớn Nhật Bản đã tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ, tài chính - ngân hàng, thực phẩm…
Chẳng hạn, Mizuho mua cổ phần của Vietcombank, Sumitomo Mitsui Banking nắm giữ cổ phần của Eximbank… Hay Unicharm mua Diana; Sojitz mua cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Hương Thủy; Mitsui mua cổ phần của Minh Phú…
Còn AEON đang từng ngày “bành trướng” sự có mặt tại thị trường Việt Nam. Khi các cửa hàng của Uniqlo được mở rộng hơn, hay của AEON cũng vậy, không chỉ là trung tâm thương mại lớn, mà cả cửa hàng nhỏ, như FamilyMart từng làm, thì sự có mặt của các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam càng sâu và rộng hơn nữa.
Thông tin cho biết, sau AEON, FamilyMart, Takashimaya, 7- Eleven, Uniqlo…, thì Muji (Nhật Bản) cũng đã lên kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm sau. Chủ sở hữu của Muji chính là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Ryohin Keikaku. Thương hiệu này hiện có chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng toàn cầu, sở hữu đa dạng chủng loại sản phẩm với giá cả hợp lý như đồ gia dụng, nội thất, mỹ phẩm… Danh mục sản phẩm của Muji đã lên tới hơn 7.000 sản phẩm. Con số này chắc chắn rất hấp dẫn đối với thị trường Việt Nam.
Một cách khá rõ ràng, từ lặng lẽ trong nhà máy, vốn đầu tư Nhật Bản đang từng bước mở rộng ra cả “mặt tiền” kinh tế Việt Nam. Bằng cách này, các thương hiệu Nhật Bản, vốn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, sẽ hiện diện ngày càng sâu và rộng ở nền kinh tế Việt Nam.
Nhật Bản đã thay thế Mỹ trở thành nước có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới
Một nghiên cứu của Cục Đầu tư nước ngoài gần đây cho biết, Nhật Bản đã thay thế Mỹ trở thành nước có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản đã đạt trên 100 tỷ USD liên tục trong 8 năm gần đây. Ngoài đầu tư vào Mỹ, Nhật Bản đang gia tăng đầu tư ở châu Á, đặc biệt là Singapore, Ấn Độ và Hàn Quốc. Chỉ trong năm 2018, vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản vào châu Á đã tăng gần 29%, đạt kỷ lục 52,6 tỷ USD.