CBRE vừa công bố trong ấn bản lần thứ 7 của nghiên cứu “Mức độ sôi động của các nhà bán lẻ toàn cầu” khảo sát trên 150 thương hiệu quốc tế lớn có trụ sở tại châu Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.Trong đó có nhiều thông tin đáng chú ý với thị trường bán lẻ Việt Nam.
Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy, 83% thương hiệu có kế hoạch mở rộng trong năm 2016 sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của thương mại điện tử. Trong khi đó, từ góc độ của nhà bán lẻ, chỉ 22% thương hiệu lo ngại việc cạnh tranh gay gắt với hình thức bán lẻ trực tuyến là mối đe dọa kinh doanh với họ.
Cùng lúc, các nhà bán lẻ khá lạc quan một cách thận trọng trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng. Trong số những người được hỏi, 17% thương hiệu có mong muốn mở rộng quy mô lớn với dự định mở thêm hơn 40 cửa hàng trong năm 2016 (tăng so với 9% năm 2015). Phần lớn (67%) thương hiệu chỉ dự định mở thêm khoảng 20 cửa hàng.
Xu hướng mới của năm 2016 theo 20% thương hiệu, phần lớn tại châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, cho biết họ có ý định mở rộng tại các khu vực trung tâm du lịch như sân bay và ga tàu để tiếp cận nhiều khách hàng tại các địa điểm đông người. Tuy nhiên, trung tâm thương mại vẫn là điểm đến được yêu thích nhất với 90% các nhà bán lẻ từ châu Á – Thái Bình Dương.
Trung tâm thương mại vẫn là điểm đến được yêu thích nhất với 90% các nhà bán lẻ từ châu Á – Thái Bình Dương |
Trong khi mối quan tâm chính của các thương hiệu trong đàm phán thuê là ‘thời hạn thuê’ thì các nhà bán lẻ từ châu Á – Thái Bình Dương lại quan tâm nhiều nhất đến điều khoản về chia sẻ doanh thu. Các nhà bán lẻ trong khu vực đặc biệt quan tâm đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng (40%), cao hơn mức trung bình toàn cầu (31%).
Trung Quốc và Hồng Kông vẫn giữ vị trí thứ 4 và thứ 6 tương ứng. Các thị trường tăng thứ hạng bao gồm Nhật Bản (từ thứ 13 lên thứ 7), Singapore (từ thứ 18 lên thứ 9) và Úc (từ thứ 15 lên thứ 11).
So với năm 2015, hầu hết các thị trường tại châu Á – Thái Bình Dương ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong năm 2016, ngoại trừ Trung Quốc và Hàn Quốc có phần ít được quan tâm.
Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Các thị trường đều nhận được sự quan tâm nhiều gấp đôi năm 2015 như Malaysia (10%), Indonesia (9%), Thái Lan (8%), Việt Nam (8%) và Philippines (8%), còn tổng thể các thị trường nhận định sự quan tâm ổn định từ 1% đến 3%.
Khi được hỏi về các nhân tố rủi ro trong năm tới, các thương hiệu cho biết sự leo thang chi phí bất động sản (56%) và bất ổn trong triển vọng kinh tế (42%) tiếp tục là mối quan ngại hàng đầu của họ.
"Sự hiện diện của cửa hàng tại các địa điểm then chốt vẫn đóng vai trò quan trọng đối với hình ảnh thương hiệu. Các cửa hàng vẫn cần tạo sự hấp dẫn với người mua, và khách hàng vẫn thấy họ cần đến cửa hàng để tự chọn sản phẩm và tận hưởng cảm giác thỏa mãn đi cùng với sự trải nghiệm thương hiệu cụ thể. Cửa hàng là một phần không thể thiếu trong hành trình mua sắm và có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như chọn mua sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm hoặc thương hiệu, hay thử sản phẩm chứ không đơn thuần chỉ để giao dịch,” ông Stephen, Giám đốc cấp cao, Trưởng đại diện bán lẻ CBRE châu Á cho biết.