Ảnh minh họa |
Diễn biến 9 tháng, ước tính cả năm 2022
CPI bình quân 9 tháng năm 2022 mới đạt 2,73% - thấp xa CPI tháng 8/2022 so với tháng 8/2021 (3,94%) và CPI tháng 8/2022 so với tháng 12/2021 (4,01%). Việc CPI bình quân thấp hơn CPI có tính thời điểm chứng tỏ sự lên xuống thất thường của các tháng trong năm.
CPI bình quân 9 tháng cao gấp rưỡi lạm phát cơ bản (2,73% so với 1,88%) chứng tỏ CPI tăng không hoàn toàn do yếu tố tài khóa - tiền tệ (tài khóa bội thu lớn, vốn đầu tư từ ngân sách còn đạt thấp so với kế hoạch năm; tín dụng tăng chưa cao; gói cấp bù lãi suất thực hiện chậm…).
CPI bình quân 9 tháng tăng thấp do tổng cung tăng cao, khi GDP tăng hiếm thấy (8,83%); tổng cầu tăng thấp hơn, tích lũy tài sản tăng 5,59%, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP mới ở mức 31,1%, trong đó vốn đầu tư từ nguồn ngân sách mới đạt 58,7% kế hoạch năm; tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26%, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng cao (tính theo giá thực tế tăng 21%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%), nhưng có một phần do gốc so sánh thấp; nhập siêu hàng hóa cao (6,52 tỷ USD)…
Theo thời gian, trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ có 4 tháng được coi là tăng cao, còn 5 tháng tăng thấp.
Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, chỉ có 3 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung (2,73%) là giao thông (tăng 14,98%, nhưng mấy tháng nay giảm), ăn uống ngoài gia đình (4,38%), đồ uống và thuốc lá (2,99%); 2 nhóm giảm (bưu chính - viễn thông giảm 0,42%, giáo dục 1,29%); 6 nhóm tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, trong đó nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất (33,56%) là hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 1,69%, riêng thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (21,28%) chỉ tăng rất nhẹ (0,50%)...
Mặc dù CPI trong 3 tháng tới có thể tăng cao hơn, nhưng nhiều dự báo vẫn cho rằng, cả năm 2022, CPI sẽ tăng thấp hơn mục tiêu và đây là năm thứ 8 liên tục thực hiện được mục tiêu này.
Về dự kiến kế hoạch năm 2023
Theo dự kiến kế hoạch năm 2023, CPI bình quân tăng 4,5%, cao hơn tốc độ tăng của nhiều năm trước. Đây là chỉ số thể hiện sự thận trọng của các nhà hoạch định kế hoạch đối với chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu, chỉ tiêu có tính thị trường nhất, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phụ thuộc quy luật khách quan, không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người…
Các yếu tố tác động đến CPI năm 2023 có nhiều, trong đó yếu tố cơ bản là quan hệ giữa tổng cung và tổng cầu. Tổng cung là GDP sản xuất trong nước dự kiến kế hoạch năm 2023 là 6,5%, thấp hơn tốc độ tăng ước tính của năm 2022.
Trong khi đó, tổng cầu tăng cao hơn. Đầu tư từ ngân sách dự kiến kế hoạch 2023 chiếm tới 33,6% tổng chi ngân sách -cao hơn tỷ lệ theo dự toán năm 2022 (29,5%) và cao hơn tỷ lệ thực hiện trong 9 tháng năm 2022 (23,3%). Chi đầu tư phát triển dự kiến kế hoạch là 696.700 tỷ đồng, tăng 32,4% so với dự toán năm 2022, cộng hưởng với gói hỗ trợ lãi suất và dòng tiền từ các kênh khác sang… gây áp lực lên lạm phát. Chi cho tiêu dùng có xu hướng cao lên từ giữa năm 2022, nay sau 2 năm bị “bào mòn” bởi đại dịch Covid-19 sẽ có sức bật mạnh hơn, cộng hưởng với tăng lương công chức, viên chức, tăng học phí… gây sức ép lên lạm phát.
Ngoài ra, yếu tố chi phí đẩy cũng cao lên do nhập khẩu lạm phát tiếp tục ở mức lớn; một phần do người sản xuất phải chịu đựng vừa qua nay chuyển sang giá bán, tạo áp lực cho giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Yếu tố tài khóa - tiền tệ có diễn biến khác năm trước. Đáng lưu ý, tỷ giá sẽ khó giữ được mức tăng như năm 2022 do sức ép trên thế giới.