Để hoàn thành sứ mệnh của báo chí trong thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt lớn mạnh, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã nhắc tới yêu cầu 4 chữ S, gồm Sung, Sáng, Sạch và Sắc.
Nhà báo Thanh Hương (Báo Đầu tư) nhận giải B, Giải Báo chí quốc gia năm 2019 với loạt bài “Lỗ hổng an ninh năng lượng”. Ảnh: Chí Cường |
Cả thế giới không chỉ đang sống trong đại dịch Covid-19, mà còn nhiễu loạn trong “đại dịch thông tin”, giả thật lẫn lộn. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Lúc này, nhiều người lại nhắc đến vai trò của báo chí chính thống. Ông nghĩ thế nào?
Sức tàn phá của dịch bệnh đến thời điểm này vẫn vô cùng lớn. Đóng băng kinh tế và một phần đời sống xã hội; làm bất định tinh thần của nhiều người.
Lúc này, vai trò của báo chí là phải phản ánh kịp thời, khách quan diễn biến của dịch bệnh, giữ niềm tin trong công chúng, từ đó thúc đẩy các hành động tích cực.
Báo chí khích lệ, biểu dương những ngành nghề đi tiên phong, những con người tình nguyện, cộng đồng, tổ chức tương thân, tương ái, đến những cơ quan công quyền để lòng dân đỡ hoang mang, tin tưởng hơn vào Nhà nước, vào xã hội. Đây là điều mạng xã hội không thể nói và thể hiện được.
Nhưng đại dịch Covid-19 bị cho là sẽ gây ảnh hưởng lâu dài cho việc tiếp cận thông tin và tự do báo chí trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thử thách này cũng mở ra cơ hội để thừa nhận báo chí là một phần thiết yếu trong cuộc sống và thêm cơ sở để củng cố vị thế của báo chí chính thống.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Nhưng báo chí, cũng như doanh nghiệp, đang trải qua giai đoạn khó khăn. Làm thế nào để cùng “giữ mình” thực sự không dễ dàng, thưa ông?
Báo chí phải hoạt động theo nguyên tắc, chuẩn mực, dù khó khăn cũng không thể chạy theo cơ hội theo kiểu không biết có ngày mai, nếu không sẽ không bao giờ có bạn đọc truyền thống.
Trong lúc dịch bệnh mới thấy, chỉ một con vi rút nhỏ bé mà khiến chúng ta nhận thấy số phận nhân loại thật mỏng manh. Do đó, chúng ta đang xích lại gần nhau hơn, đoàn kết đưa ra chính sách phát triển kinh tế bền vững, hợp tác nhân văn, phát triển nhân đạo.
Việt Nam cũng đang thay đổi, thay vì phát triển một nền kinh tế chạy theo tăng trưởng, khai thác tài nguyên, giờ đây đang hướng tới nền kinh tế sạch, thân thiện môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ con người.
Nhưng cũng còn rất nhiều câu hỏi chưa trả lời được, như làm sao để doanh nghiệp Việt Nam chen chân trong chuỗi giá trị toàn cầu đang định vị lại nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì dịch bệnh. Việt Nam nếu có thể không dẫn đầu, nhưng ít ra cũng phải thay đổi được trật tự, thay đổi được cuộc chơi? Rồi câu hỏi Việt Nam muốn bay cùng đàn sếu hay mãi mãi bay sau vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.
Những chuyện này ảnh hưởng rất lớn đến định hướng hoạt động thông tin của báo chí giai đoạn này và cả tương lai. Đó cũng là các đề tài mà báo chí cần khai thác sâu hơn, đa chiều hơn.
Tuy nhiên, một quốc gia mà không thấm nhuần sự cao cả, tìm tòi vấn đề, cổ vũ tinh thần xả thân của nhà báo thì dễ có sự “thò bàn tay” can thiệp của các cơ quản quản lý, đôi khi là vô tư, nhưng cũng không hiếm trường hợp đi theo tiếng gọi của đồng tiền…
Việc này sẽ hạn chế khả năng thực hiện trách nhiệm của báo chí, trong đó có phát hiện các vấn đề tiêu cực. Động cơ, nghiệp vụ của nhà báo có thể đúng, sai, họ sẽ sửa hoặc sẽ xảy ra kiện tụng, nhưng nếu dùng mệnh lệnh hành chính để quản thì không được…
Quan điểm báo chí cần 4 chữ S của ông được giới truyền thông truyền tai nhau, coi là kim chỉ nam trong chấn chỉnh hoạt động, tác nghiệp của mình. Điều gì khiến ông đúc rút ra được 4 chữ S đó?
Thông điệp này không phải quá xa lạ. Qua nghiên cứu Luật Báo chí, 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và khảo sát ở những tờ báo không bao cấp, họ phải dấn thân, tư duy để tồn tại, vươn lên trong mọi bối cảnh. Họ giữ được chất báo chí, sứ mệnh của họ.
Đầu tiên là chữ Sung. Dù tờ báo lâu đời hay mới ra đều luôn phải giữ tinh thần thanh xuân. Đó phải là mong ước của tất cả những người làm nghề này.
Một tờ báo mà nội bộ ủ rũ, mệt mỏi, ê chề, đánh nhau nội bộ, mất đoàn kết, lo kiếm sống nhặt nhạnh, không có chia sẻ đoàn kết, chung lý tưởng, thì sẽ không bao giờ truyền cảm hứng được cho xã hội. Trong nội bộ ủ rũ, các sản phẩm báo chí chỉ là những bản tin rời rạc, lạnh ngắt, kể cả có viết bao nhiêu cũng không có thông điệp cảm xúc.
Chữ Sung phải ngấm trong toàn bộ nội dung cơ cấu tổ chức của báo, tinh thần của đội ngũ, Người làm báo, cơ quan báo chí phải giữ được chữ Sung thì mới truyền tải được hiệu năng đến cho xã hội tốt đẹp hơn.
Thứ hai, chữ Sáng, là sáng kiến nhỏ nhặt đến sáng tạo to lớn. Nói đến điều này là nói đến cách làm của một tờ báo. Sáng tạo để cho những người sáng tạo nhất trong xã hội sẵn sàng tham gia, chia sẻ ý kiến, ý tưởng...
Ví dụ, Báo Đầu tư phải là diễn đàn mà những nhà đầu tư sáng tạo nhất tìm đến, vì họ biết sẽ có hàng ngàn bạn đọc đang tìm kiếm thông tin ở đó. Nếu là tờ báo của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp mà không đăng tải những câu chuyện vươn lên, đấu tranh trầy da bóc vẩy để có môi trường đầu tư, kinh doanh ổn hơn, dễ thở hơn thì sẽ không có độc giả. Từ cơ chế thử nghiệm sandbox, tạo không gian cho các ý tưởng khởi nghiệp vùng vẫy đến từng chuyển động của các đại gia đều phải được phân tích rất kỹ trên mặt báo.
Thứ ba, chữ Sắc, thể hiện cho phong cách riêng của mỗi tờ báo. Trong đó, mỗi nhà báo, phóng viên cũng phải có phong cách riêng của mình. Nếu coi báo chí một một hoạt động thể thao, thì báo chí hiện nay đang tham gia vào màn thể dục nhịp điệu, chỉ nhìn một người là biết hết cả đội đang hành động múa may gì. Để chiến thắng, mỗi vận động viên nên chọn một môn, rồi bền bỉ nỗ lực cho đến khi đăng quang ở bộ môn đó.
Người làm báo cũng vậy. Dù một tờ báo có phong cách riêng, nhưng không thể bắt phóng viên, nhà báo hàng ngày ngồi viết những bài viết trong một khuôn khổ, một màu. Báo chí cần khai thác, phát hiện các vấn đề trong cuộc sống, nói lên tiếng nói của hàng ngàn, hàng vạn người…, thậm chí tạo ra diễn đàn đa chiều để khi cộng đồng gặp khó khăn có thể tin tưởng, chia sẻ...
Cuối cùng là chữ Sạch. Đây là thông điệp đương nhiên. Tờ báo không phải là nơi để cho một nhóm người giàu có, đại gia làm màu mè, cũng không phải là nơi để nhà báo ngồi đếm tiền, nhất là bối cảnh này.
Song, cũng có lãnh đạo một vài cơ quan báo chí tự hào là cả đời chưa bao giờ bị các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản nhắc nhở. Nhưng nếu trọn trịa vậy thì làm sao mà sáng tạo, làm sao sung, làm sao sắc để giúp Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”!
Ở Giải thưởng dành cho báo chí viết về doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh được VCCI tổ chức thường niên, Báo Đầu tư luôn chiếm số lượng giải áp đảo. Ông đánh giá thế nào về cách thực hiện, triển khai các vấn đề của Báo?
Không có nhiều tờ báo trên thị trường viết được về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam rõ nét như Báo Đầu tư. Vấn đề này rất khó viết, nhưng Báo Đầu tư đã chọn đúng gai góc của môi trường đầu tư, kinh doanh, chọn trúng thời điểm, giai đoạn để phản ánh. Không những phản ánh được vấn đề gai góc đó, mà còn lý giải, nêu ra giải pháp một cách khách quan và thể hiện với ngôn ngữ khúc triết, rõ ràng. Qua đó, bạn đọc là các nhà làm chính sách, nhà đầu tư, doanh nhân dễ tiếp thu và truyền được cảm hứng về sự cảm thông chia sẻ của báo chí với họ.
Tôi đặt nhiều kỳ vọng hơn ở các ấn phẩm của cơ quan Báo Đầu tư, phải là tiếng nói của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng bên cạnh các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như về hạ tầng, giao thông, bất động sản, nông nghiệp, chứng khoán…, Báo Đầu tư nên mở rộng khai thác vấn đề đầu tư vào lĩnh vực giải trí, thể thao đang rất hấp dẫn.
Tóm lại, làm sao để môi trường đầu tư của Việt Nam trở thành hình ảnh mà lâu nay mọi người vẫn nói, đó là nơi thu hút đại bàng, chim lớn, chim nhỏ về làm tổ, có không gian sinh tồn mạnh mẽ hơn. Nghĩa là Báo Đầu tư cần tiếp tục là diễn đàn sắc sảo hơn, cho nhà đầu tư dù thành công hay đang khó khăn tìm đến...