Thời sự
Báo chí và doanh nghiệp bắt tay tạo “cơn địa chấn”
Vũ Anh - 21/06/2022 08:59
Sức “càn quét” ghê gớm của đại dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp rơi vào khó khăn, chậm nhịp phát triển, nhất là những doanh nghiệp đã bước ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để “cắm cờ”.

Họ cần được giới truyền thông cổ vũ, được truyền thêm động lực để có thể quay trở lại thị trường, mạnh mẽ hơn và tạo ra những “cơn địa chấn”.

Sự kiện VinFast ra mắt thương hiệu xe điện tại Mỹ thu hút đông đảo khán giả và giới truyền thông quốc tế

1.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup đầu tháng 5 vừa qua, nhiều cổ đông đặt câu hỏi với Hội đồng Quản trị (HĐQT) về kế hoạch bán xe và sản xuất xe VinFast, đặc biệt là việc mở bán tại Mỹ.

Chủ tịch HĐQT Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh, thị trường thế giới đang rất thiếu xe, nếu hiện tại có xe là “thắng”, là có thể bán được.

Theo ông Vượng, hiện là thời cơ vàng để có thể chiếm lĩnh thị trường và tạo dựng thương hiệu, vị thế. Dẫu vậy, vị tỷ phú này thừa nhận, để thương hiệu từ một nước chưa có nền công nghiệp phát triển như Việt Nam vào được thị trường Mỹ là rất khó khăn. Muốn bán được sản phẩm ở Mỹ, VinFast phải tập trung vào 3 nội dung chính: sản phẩm tốt, chất lượng rất tốt; giá hợp lý (với chiến lược cho thuê pin, thì có thể giảm chi phí đáng kể cho khách hàng) và dịch vụ hậu mãi thật tốt.

Đó là câu chuyện marketing của hãng xe Việt trên đất Mỹ. Thay vì quảng cáo trên phim ảnh, VinFast chọn cách đi trực tiếp, tích cực triển lãm để người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm, qua đó thuyết phục người dùng. Các mẫu xe điện mới được kỳ vọng giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa và xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế.

Chuyện các doanh nghiệp Việt đi “cắm cờ” ở thị trường toàn cầu ấn tượng như VinFast không mới. Nhưng để tạo ra “cơn địa chấn” như vậy, thì cần sự bắt tay chặt chẽ với giới truyền thông toàn cầu.

Trước đó, giới truyền thông và người tiêu dùng quốc tế rất ấn tượng về màn “chào sân” của King Coffee. Thương hiệu này chính thức được giới thiệu tại sự kiện âm nhạc Thúy Nga Paris By Night (120) ở Mỹ vào tháng 10/2016.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO King Coffee cho biết, Hãng muốn nhắm tới thị trường quốc tế trước khi quay về nội địa. Bởi thế, King Coffee liên tục xuất hiện tại những hội chợ, triển lãm cà phê trên toàn thế giới, thu hút được sự quan tâm của truyền thông, người tiêu dùng. Bà Thảo khẳng định, thương hiệu King Coffee sẽ vĩ đại hơn và rất xứng đáng là thương hiệu Việt có tầm vóc toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam đánh giá, với VinFast, VinSmart, Vingroup…, những người có tầm vóc như ông Phạm Nhật Vượng đã làm được rất nhiều việc cho Việt Nam. Còn chính bản thân vị tỷ phú này thì muốn, Việt Nam phải được thế giới biết đến không chỉ như một dân tộc anh hùng, mà còn là một dân tộc rất trí tuệ, uy tín; muốn thế giới biết đến vị thế của đất nước mạnh về công nghệ, đáng tin cậy về đẳng cấp.

2.

Việc VinFast đưa lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay ở triển lãm ô tô tại Mỹ, hay hàng loạt công trình, dự án lớn do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đã khẳng định khát vọng tham gia cuộc chơi lớn, toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong hành trình này, bên cạnh sự cổ vũ, động viên của các đế chế truyền thông trên thế giới và hệ thống báo chí uy tín trong nước, vẫn còn đâu đó những sự hoài nghi, thậm chí bôi xấu, có thể làm chùn bước doanh nhân. “Cơn bão” Covid-19 càn quét khiến không ít doanh nghiệp, doanh nhân bị chậm nhịp hoặc gặp nhiều khó khăn so với trước đây. Những doanh nhân đó cần được truyền thêm động lực để có thể quay trở lại và mạnh mẽ hơn.

Việc VinFast đưa lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay ở triển lãm ô tô tại Mỹ, hay hàng loạt công trình, Dự án lớn do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đã khẳng định khát vọng tham gia cuộc chơi lớn, toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Cách truyền thông của King Coffee được giới chuyên môn nhận định là đi chậm, nhưng chắc. Họ làm truyền thông gắn với từng thị trường, sử dụng các sự kiện để quảng bá.

Trong khi đó, VinFast chọn cách làm truyền thông tổng lực, đánh mạnh vào các sự kiện triển lãm xe danh tiếng và có chiến dịch truyền thông bài bản, tạo hiệu ứng truyền thông lan tỏa rất lớn.

Cũng có những doanh nghiệp truyền thông rất âm thầm, như Tập đoàn Lộc Trời chẳng hạn. Dù hiếm khi xuất hiện trên truyền thông, nhưng tên tuổi này là nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới, là đối tác hàng đầu của các nhà nhập khẩu.

Nói về sự đồng hành, ủng hộ, cổ vũ của báo chí trong cuộc chơi toàn cầu của doanh nghiệp Việt, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Le Bros nhận định khá thẳng thắn. Theo ông Vinh, những hoạt động thuần túy quảng bá cho doanh nghiệp không được báo chí ủng hộ nhiều, nhưng ngay cả với các hoạt động xã hội của doanh nghiệp hay giáo dục cộng đồng, thì một bộ phận báo chí vẫn cho là quảng bá.

Ở chiều ngược lại, phía doanh nghiệp cũng ít chịu tìm tòi, sáng tạo những hoạt động mang tính gián tiếp quảng bá hay các “câu chuyện” mang tính gợi cảm hứng và tác động xã hội. Thông thường, chỉ các doanh nghiệp có tầm nhìn toàn cầu mới dùng truyền thông quốc tế, nhưng số lượng các công ty đã làm truyền thông quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên mức độ ảnh hưởng ở các thị trường nước ngoài của sản phẩm Việt Nam chưa mạnh.

Thực tế, có những doanh nghiệp xuất khẩu tốt, nhưng không quan tâm đến truyền thông, mà chỉ giới hạn quan hệ trực tiếp với các đối tác. Đó là điều đáng tiếc. Trong khi đó, các công ty công nghệ, start-up về blockchain, games… lại đang có động thái truyền thông quốc tế rất tốt. Nổi bật là VNG với kế hoạch IPO ở Mỹ…

Giới truyền thông chuyên nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ sự tiếc nuối khi một số cơ quan báo chí vẫn đi ngược lại xu thế ủng hộ doanh nghiệp, phản ánh phiến diện, thiếu tính xây dựng và mang tính soi mói nhiều hơn là tìm giải pháp cân bằng giữa lợi ích xã hội và lợi ích của doanh nghiệp. Điều này không phải vấn đề điển hình, nhưng nó vẫn tạo ra những bất ổn, khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện tượng này xảy ra ở một số cơ quan tạp chí không có chức năng điều tra doanh nghiệp.

Tuy vậy, thực trạng nói trên chỉ là thiểu số. Hầu hết cơ quan báo chí đều rất công bằng, khách quan. Họ vẫn phản ánh những bất cập của doanh nghiệp, nhưng đồng thời tìm hiểu đa chiều những hạn chế, khó khăn về pháp lý, cơ chế để giúp doanh nghiệp tháo gỡ. Đó là cách làm đúng và tích cực.

Thực tế, qua những vấp váp, các doanh nghiệp từng có những thông tin tiêu cực đang nhận ra rằng, họ phải thay đổi và phải đi theo con đường làm thật, làm đúng. Họ biết rõ cần hướng đến phát triển bền vững. Cách làm cũ, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, hay tham nhũng quan hệ sẽ chỉ đưa họ đến những bất trắc khó lường. Hiểu thấu những điều này, nhiều doanh nghiệp đã cấu trúc lại hoạt động, xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp, đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Với doanh nghiệp, những trục trặc hoặc sai sót là không tránh khỏi. Nhưng họ đã dám đối diện với truyền thông, dám thừa nhận những lỗi lầm và chấp nhận trả giá cho những sai lầm. Bởi vậy, báo chí cũng cần có thái độ cởi mở hơn với doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác