Báo Đầu tư luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, giúp người dân có cái nhìn khách quan, công tâm, thân thiện hơn đối với BOT giao thông. Trong ảnh: Một dự án BOT đang thi công. Ảnh: Đức Thanh |
Truyền tải thông điệp đúng
Vào tháng 8/2021, Ban Tổ chức Giải báo chí viết về ngành giao thông vận tải (GTVT) lần thứ II trao giải Nhất cho loạt bài 5 kỳ “Xây dựng 5.000 km đường cao tốc - Cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông” của Báo Đầu tư.
Đây là các bài viết nằm trong tuyến đề tài về công tác xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, được Ban Biên tập Báo Đầu tư giao cho tôi đeo bám liên tục trong suốt hơn 5 năm qua.
Ngoài cách tiếp cận khách quan theo đúng tôn chỉ của tờ báo, loạt bài “Xây dựng 5.000 km đường cao tốc - Cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông” còn được Ban giám khảo đánh giá cao do đã chạm được một trong những vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm nhất trong lĩnh vực GTVT.
Với tổng cộng hơn 10.000 chữ, cùng hệ thống bảng biểu, hình ảnh minh họa, loạt bài có điểm qua lịch sử phát triển đường cao tốc tại Việt Nam; thành tựu và lợi ích to lớn trong việc phát triển công trình hạ tầng giao thông đặc biệt này; các mô hình đầu tư phát triển đường cao tốc trong 20 năm… từ đó tham gia đề xuất, gợi mở tới các cơ quan chức năng về các giải pháp khai phóng nguồn lực để huy động thành công nguồn vốn đầu tư tư nhân cho các dự án PPP đường cao tốc trong thời gian tới.
Dù còn hạn chế về kiến thức cũng như cách thể hiện, nhưng với thái độ xây dựng, ủng hộ chân thành, Ban Biên tập Báo Đầu tư hy vọng loạt bài “Xây dựng 5.000 km đường cao tốc - Cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông” của Báo sẽ là một viên gạch nhỏ chung tay với các bộ, ngành thực hiện thành công mục tiêu đầy khó khăn nhưng rất đỗi vẻ vang “hoàn thành xây dựng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030”.
Sau khi loạt bài được đăng tải, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của bạn đọc và một số cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT.
“Với thế mạnh từ nguồn thông tin đầu nguồn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cách đưa tin khách quan, mang tính xây dựng, Báo Đầu tư đã giúp Bộ GTVT có thêm những góc nhìn mới, đặc biệt là trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Trước đó, vào năm 2017, tôi may mắn được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải B - Giải Báo chí quốc gia năm 2016 cho loạt bài “Biến dạng tại dự án BOT giao thông”. Đây là loạt bài 5 kỳ được đăng tải vào tháng 5/2016, khi hàng loạt dự án mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bắt đầu được đưa vào khai thác.
Hàng loạt câu hỏi liên quan đến các dự án BOT đã được lãnh đạo Báo Đầu tư “đặt ra” cho các cơ quan chức năng như: vì sao các dự án BOT giao thông từng được kỳ vọng là động lực phát triển mới cho nền kinh tế lại gây ra khá nhiều bức xúc trong dư luận xã hội? Có hay không nguy cơ biến dạng, lệch lạc trong quá trình thực hiện dự án; Vì sao các dự án BOT chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nội; Nguy cơ “bong bóng” hạ tầng giao thông là sản phẩm tưởng tượng hay đã thực sự cận kề?
Tại thời điểm khi BOT vẫn đang còn lâng lâng men say, việc đặt vấn đề như vậy rất có thể bị đánh giá là “tiêu cực”, “khắt khe” quá mức đối với việc triển khai một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc huy động vốn cho hạ tầng giao thông.
Điều đáng nói là chỉ sau khoảng 1 năm loạt bài “Biến dạng tại dự án BOT giao thông” được đăng tải, hàng loạt bất cập tại các dự án BOT đã bộc phát, đặc biệt là xung đột lợi ích gay gắt giữa đơn vị chủ công trình và người dân. Những trạm thu phí BOT như cầu Việt Trì - Phú Thọ, Cai Lậy - Tiền Giang; Thái Nguyên - Chợ Mới, cầu Tân Đệ… thậm chí còn trở thành các điểm nóng, mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Cũng vào thời điểm này, rất nhiều cơ quan báo chí coi đây là tuyến đề tài nóng, dồn dập đăng tải bài viết về các bất cập tại những dự án BOT giao thông. Không ít cơ quan báo chí mang sẵn định kiến BOT là móc túi dân, lợi ích nhóm, đã tham gia tường thuật việc gây mất an ninh trật tự ở trạm thu phí; thông tin một chiều về kết luận các cuộc thanh, kiểm tra khiến các dự án BOT trở thành tội đồ trong mắt người dân.
Tại thời điểm này, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã nhận định loạt bài “Biến dạng tại dự án BOT giao thông” đã hết vai trò lịch sử. Đây không còn phải là lúc tham gia “đấu tố”, “đánh hội đồng” BOT, mà Báo Đầu tư phải có trách nhiệm đồng hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các nhà đầu tư để chung tay “gỡ khó”, truyền tải thông điệp đúng đến người dân, tránh không làm sai lệnh bản chất tốt đẹp của việc xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giao thông - một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Các bài viết như “Trĩu nặng nỗi lo thua lỗ tại các dự án BOT”; “Thêm tiếng thở dài tại các dự án BOT”; “Nguy cơ vỡ trận hàng loạt dự án BOT giao thông” cùng nhiều bài viết phản ánh khó khăn tại các dự án BOT được Báo Đầu tư đăng tải đã thể hiện đúng phương châm mà tờ báo luôn theo đuổi là “Đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp”.
Ngược dòng dư luận
Ngày 12/6/2020, trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về dự thảo Luật PPP, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) cho rằng, đầu tư PPP (trong đó BOT là một loại hợp đồng quan trọng bậc nhất) là một hình thức đúng, phổ biến trên toàn thế giới. Nước ta cũng không ngoại lệ.
Cũng cần thấy PPP còn là một phương thức đầu tư tốt của các cá nhân, các công ty, tập đoàn trong xã hội. Nhà nước cần khôn ngoan để tận dụng được vốn của mọi người, của các tập đoàn trong và ngoài nước nhằm xây dựng đất nước.
Đánh giá của đại biểu Nguyễn Anh Trí khiến tôi nhớ về một cuộc điện thoại đầy bức xúc của một nhà đầu tư BOT vào lúc nửa đêm khi Báo Đầu tư bắt đầu đăng tải kỳ 2 của loạt bài Biến dạng BOT giao thông: “Báo viết đúng, nhưng chưa đủ. Chưa đủ vì còn thiếu thân phận khốn khổ của các nhà đầu tư BOT giao thông chúng tôi trong sân chơi mà chúng tôi đang là những người không thắng”.
“Chúng tôi rất sốc khi gặp phản ứng dữ dội của một bộ phận tài xế, đặc biệt là khi một lãnh đạo tỉnh nói là không biết thỏa thuận này. Nhà đầu tư nếu không nhận được sự hỗ trợ của địa phương, các bộ, ngành thì làm sao chống được chiêu thức dùng tiền lẻ làm ùn tắc tại khu vực thu giá dịch vụ, dẫn tới phải xả trạm. Giờ nhiều người gọi chúng tôi là ‘mấy thằng BOT’, coi nhà đầu tư không khác gì... thùng nước gạo”, ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico) – đơn vị tham gia góp vốn vào doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), trong quá trình xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài cho 8 dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP, việc xử lý các vấn đề truyền thông liên quan đến các dự án BOT là một trong những vấn đề được quan ngại nhiều nhất. Dư luận xã hội trong nước đang mặc định rất nhiều định kiến xấu về các nhà đầu tư BOT. Định kiến đầu tiên là các dự án BOT siêu lợi nhuận. Định kiến thứ hai là BOT phần lớn là thiếu minh bạch, thất thoát rất lớn. Hai định kiến này đang là rào cản khiến việc huy động vốn tư nhân cho các dự án cao tốc Bắc - Nam gặp rất nhiều khó khăn, bất chấp nỗ lực kêu gọi của các bộ, ngành.
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), mặc dù vẫn còn xảy ra một số bất cập, hạn chế, nhưng phần lớn các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã phát huy hiệu quả, góp phần “ba tăng” (tăng vận chuyển, lưu thông hàng hóa; tăng kích cầu sản xuất trong nước; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế) và “ba giảm” (giảm áp lực nợ công; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm thiểu ô nhiễm môi trường). Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông chưa có cái nhìn đầy đủ về mặt tích cực và có "định kiến" với BOT giao thông.
Trong khi các cơ quan báo chí đưa rất nhiều ý kiến phản ứng của các doanh nghiệp vận tải, thì giải thích, phản biện của nhà đầu tư chỉ được đưa rất hạn chế và mờ nhạt, dễ làm cho dư luận hiểu nhầm về bản chất của một doanh nghiệp, gây bất lợi cho nhà đầu tư cũng như quá trình thực hiện dự án đó.
“Chúng tôi đánh giá rất cao những tuyến bài ngược dòng dư luận của Báo Đầu tư. Báo đã cùng Hiệp hội giúp người dân có cái nhìn khách quan, công tâm, thân thiện hơn đối với BOT giao thông hiện nay và tuân thủ quy định pháp luật”, ông Chủng đánh giá.
Là người được giao nhiệm vụ phản ánh về đề tài GTVT, tôi luôn tâm niệm với tôn chỉ của Báo Đầu tư trong việc phải nêu cao thái độ chuẩn mực, có tinh thần xây dựng, giải thích thỏa đáng, có lý, có tình và nhất là không được giữ định kiến, tư duy theo lối mòn trong quá trình phản ánh, phản biện chính sách.
Đó có lẽ là yếu tố quyết định mang lại thành công cho Báo Đầu tư - một thương hiệu báo chí có uy tín, được vun đắp một cách kiên trì, bền bỉ bởi các hệ thế nhà báo đi trước trong suốt 30 năm qua.