Ông có cho rằng, hạn hán, bão lũ xảy ra, thì cung cầu chênh lệch, giá cả hàng nông sản tăng cũng là điều tất yếu?
Điều đáng bàn là, thiên tai, bão lũ chỉ xảy ra ở một số vùng, nhưng giá nông sản thì lại tăng trên diện rộng, thậm chí, tác hại của thiên nhiên, thời tiết đến sản xuất nông nghiệp không lớn, nhưng giá nông sản vẫn cứ tăng.
| ||
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội |
Giá nông sản tăng mà người sản xuất được lợi thì không vấn đề gì, đằng này, giá bán sản phẩm của người sản xuất tăng rất ít, trong khi giá nông sản đến tay người tiêu dùng tăng rất mạnh.
Tất cả lợi nhuận tập trung vào khâu trung gian. Chính khâu này đã lợi dụng thời tiết bất thường để tăng giá.
Gần đây, các chuyên gia kinh tế nói rất nhiều đến tình trạng người nông dân bỏ ruộng, treo ao… Ông có thể phân tích rõ hơn tình trạng này?
Ở các tỉnh phía Nam, giá dưa hấu 2.000 đồng/kg, nhưng người sản xuất vẫn không bán nổi, trong khi tại TP.HCM, mỗi cân dưa hấu được bán lẻ với giá 13.000 - 15.000 đồng/kg.
Trên các tuyến quốc lộ phía Bắc, bí đỏ chất đống ven đường và được bán với giá 1.000 - 1.500 đồng/kg cũng chẳng có người mua. Trong khi tại Hà Nội, mỗi cân bí đỏ bán lẻ với giá 4.000 - 6.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi tại nơi sản xuất chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg, nhưng tại Hà Nội, TP.HCM vẫn đạt mức trung bình 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Giá bán hàng nông sản, đặc biệt là thực phẩm do người sản xuất bán ra năm 2012 giảm tới 30% so với năm 2011 và tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm 2013. Trong khi đó, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp như cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu phục vụ việc khai thác hải sản… lại tăng liên tục, càng sản xuất càng lỗ.
Trong bối cảnh đó, người dân không bỏ ruộng, bỏ vườn, đóng cửa chuồng trại, neo đậu tàu thuyền khai thác hải sản mới là lạ.
Theo ông, giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề này là gì?
Chúng ta đang nói về “con cá lá rau”, nhưng thực chất đang bàn về vấn đề “tam nông” được đặt ra tại Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Khi người dân chỉ muốn bỏ ruộng, bỏ vườn, lạm phát phụ thuộc vào thời tiết, thì cần gấp rút tái cơ cấu nông nghiệp với nhiệm vụ là đạt các mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết về “tam nông”.
Những chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Nhà nước đã phát huy hiệu quả, nhưng rõ ràng, không đạt được mục tiêu đặt ra. Vì vậy, phải xem lại chính sách hỗ trợ này đã đủ liều lượng chưa, hỗ trợ đúng đối tượng hay chưa…
Ngoài ra, phải xây dựng được hệ thống phân phối từ sản xuất tới tiêu dùng, với “ma-sát” thấp nhất cả ở khâu đầu vào lẫn đầu ra trong sản xuất nông nghiệp. Có như vậy, người dân mới tích cực gia tăng sản xuất, người tiêu dùng không phải mua sản phẩm với giá quá cao, mới kiềm chế được lạm phát vững chắc vì không lo thiếu cung mỗi khi thiên tai, bão lũ, hạn hán hoặc do người dân dừng sản xuất vì bị lỗ.
Theo ông, các tập đoàn bán lẻ trong nước có thể đóng vai trò gì?
Tại Hà Nội - một trong 2 địa phương có hệ thống siêu thị phát triển nhất cả nước, hiện tổng doanh thu của các siêu thị nội địa chỉ chiếm 13% toàn thị trường. Hapro là “anh cả” trong hệ thống siêu thị nội địa trên địa bàn Thủ đô, với số vốn 7.000 tỷ đồng và hệ thống bán lẻ hàng trăm điểm, nhưng chỉ chiếm 3% doanh thu bán lẻ toàn thị trường, thì không thể giữ được thị trường, không thể hỗ trợ người sản xuất.
Theo tôi, để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và kiềm chế lạm phát, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều việc, trong đó phải xây dựng nhiều tập đoàn bán lẻ cỡ như Hapro, Saigon Coopmart. Trước mắt, các tập đoàn bán lẻ chỉ lựa chọn một số mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt lợn, rau xanh… để thực hiện mua tận gốc, bán tận ngọn.
Mạnh Bôn