Thời sự
Bao giờ Việt Nam có tên trên bản đồ trí tuệ nhân tạo thế giới?
Khánh An - 03/09/2018 09:17
Bao giờ Việt Nam có tên trên bản đồ AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới? Khi nào Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn giới khởi nghiệp toàn cầu?… là những câu hỏi phải đặt ra lúc này, với từng người dân, doanh nghiệp và cả Chính phủ.

1. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã im lặng rất lâu, sau khi đọc kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi Grab, Uber phải bị quản lý như taxi truyền thống.

Kiến nghị này không mới, thậm chí không khác mấy năm trước, khi quyết định thí điểm taxi điện tử được Bộ Giao thông – Vận tải đưa ra. Nhưng, tâm trạng người đọc nó có khác. 

Sức mạnh của Việt Nam nằm ở sự kết nối tri thức của người Việt trên toàn cầu

“Tôi đã gặp và đề nghị đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội thử nhìn vào các hoạt động của taxi truyền thống, xem đang khó khăn gì, vướng mắc gì cần gỡ, từ đó khuyến nghị chính sách. Chúng tôi đang thấy những rào cản vô lý mà taxi truyền thống phải gánh, nếu bỏ, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều ... Nhưng họ vẫn cố nhìn vào Grab hay Uber như một hiện tượng cần xóa bỏ, để ép nó vào giống họ mà không thừa nhận đây là một xu thế, bản chất của nó là kinh tế chia sẻ dựa trên các ứng dụng công nghệ, dù ai đó không muốn thì chúng vẫn tồn tại”, ông Cung trầm ngâm chia sẻ.

Đây không phải là thái độ thường thấy của vị viện trưởng CIEM, người vẫn được biết đến là khắc tinh của giấy phép con, thẳng thắn và không ngại tranh luận với các bộ, ngành. Nhưng lần này, ông lo ngại vì tư duy mà ông gọi thẳng là cổ lổ sĩ không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, mà lại từ các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp từng đi đầu về thương hiệu, về thị phần...

“Tôi muốn nói với họ rằng, thời đại thay đổi rồi. Người tiêu dùng, chứ không phải cơ quan nhà nước quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt phải học cách thỏa mãn người dùng, phải chấp nhận cạnh tranh với mô hình kinh doanh mới, chứ không phải tìm kiếm mối quan hệ với cơ quan quản lý hay níu kéo, áp đặt cách kinh doanh cũ”, ông Cung trăn trở. 

2. Với Lê Viết Quốc, chuyên gia, thành viên sáng lập Google Brain, câu hỏi có về Việt Nam làm việc không hẳn là đường đột, nhưng không phải mới mẻ.

“Ở Google Brain, tôi hạnh phúc vì được nghiên cứu, vì thế có thể làm được nhiều hơn cho Việt Nam, chứ không cần phải về làm việc trong nước mới là cống hiến”, Lê Viết Quốc trả lời, cũng không khác gì câu trả lời trên các diễn đàn mạng.

Đây là thực tế, khi nhìn vào những gì mà người được vinh danh trong nhóm Người cải cách dưới 35 tuổi của Tạp chí Công nghệ MIT ở hạng mục Visionaries, vì mục tiêu “giúp cho phần mềm đủ thông minh để hỗ trợ mọi người khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên dễ chịu” đã làm được trong lĩnh vực dịch máy, máy học... Nghiên cứu của Quốc đặt nền móng cho AutoML, một bộ sản phẩm của Google thiết kế cho các nhà phát triển có chuyên môn về machine learning và tài nguyên hạn chế. Đầu năm nay, Google đã ra mắt AutoML Vision. Tháng trước, tại Hội nghị Cloud Next của Google, Công ty đã phát hành các công cụ dịch thuật và ngôn ngữ tự nhiên... 

Nếu ở Việt Nam, với những điều kiện thiếu hụt về cơ sở nghiên cứu đổi mới, sáng tạo, thứ hạng thấp trong hệ thống giáo dục đại học cũng như mối liên kết yếu giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp, Lê Viết Quốc có thể không làm được nhiều như trên và đương nhiên, cũng không có được mối liên hệ chặt chẽ với những chuyên gia AI toàn cầu, trong đó có nhiều người Việt Nam.

Nhưng, Lê Viết Quốc đã trở về, cùng với 100 trí thức trẻ người Việt trên toàn cầu trong Chương trình Mạng lưới đổi mới sáng tạo, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng, với một tư thế rất khác.

“Khi tôi gặp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Mỹ, tôi đã trao đổi ý tưởng về bài toán  Việt Nam sẽ ở đâu trong bản đồ AI thế giới, vì tiềm năng người Việt trong lĩnh vực này rất lớn, nhưng chưa có một nghiên cứu nào về AI xuất phát từ Việt Nam vì Việt Nam thực sự chưa sẵn sàng với 4.0. Tôi thấy bất ngờ vì sau đó được hẹn gặp, trao đổi lại và được mời tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo. Chính phủ đã biết bài toán này khó, nhưng sẽ giải được khi quy tụ được trí tuệ Việt, tạo điều kiện về môi trường cho họ sáng tạo, kết nối ý tưởng”, ông Quốc nói.

3. Nửa tiếng sau khi tiếp nhận vị trí Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2021, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC đã bàn tới kế hoạch thiết lập một nền tảng, để hơn 10.000 hội viên của Hội biết đến nhau.

“Trong thời đại công nghiệp 4.0, không thể mạnh được nếu không có thông tin, không kết nối được. Điều đầu tiên tôi làm sẽ là app riêng để hội viên chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ và cơ hội làm ăn với nhau. Hiện tại, chúng tôi gần như không thể biết hết về nhau”, tân Chủ tịch Hồng Anh nói.

Phải thẳng thắn, đây là một trong những điểm yếu lớn nhất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nói riêng, của các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp Việt nói chung. Sự thiếu kết nối này trong giới kinh doanh đã được ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dùng để lý giải cho sự đông, nhưng không mạnh, không thành lực lượng của cộng đồng kinh doanh Việt Nam. Trong xu hướng phát triển công nghệ dựa trên các nền tảng kết nối, sự rời rạc càng làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt yếu đi.

Bài học thực tiễn có thể nhìn thấy ngay, cách đây không lâu, khi các thuê bao của Vinaphone, Mobifone và Viettel chỉ có thể kết nối với nhau với chi phí rất cao. Mọi việc đã thay đổi, tạo nên sự bứt phá ngoạn mục của ngành công nghệ thông tin trong nước và cả dấu ấn doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới. 

4. Là người lấy ví dụ về cơ hội mới xuất hiện khi Vinaphone, Mobifone và Viettel kết nối với nhau, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã dùng ví dụ này, để khuyến nghị về sự thay đổi cách thức Chính phủ vận hành, để Việt Nam tiến lên, thậm chí sẽ có bước nhảy vọt trong cuộc cách mạng 4.0.

Điều này được ông đưa ra tại Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, khi phân tích công thức kiềng ba chân mà ông tin sẽ giúp Việt Nam đạt được khát vọng phát triển của mình, đó là công nghệ, thể chế và con người.

“Công nghệ có thể hỗ trợ theo nhiều cách, nếu chúng ta nắm bắt công nghệ một cách chiến lược để đảo ngược những thách thức tiềm ẩn đối với các mối quan hệ này. Nhưng một mình công nghệ không thể giải quyết được vấn đề. Việc thuần túy đầu tư vào phần mềm hoặc phần cứng sẽ không cải thiện được khả năng vận hành của chính phủ. Chính phủ sẽ không thể là đối tác của công nghiệp 4.0 nếu như bị mắc kẹt trong bộ máy quan liêu 1.0”, ông Ousmane  Dione phân tích.

Về khía cạnh này, Ấn Độ, Thái Lan đang phát triển nhanh chóng dựa vào mã số định danh duy nhất trên cơ sở sinh trắc học, một yếu tố không thể thiếu của quản trị điện tử trong kỷ nguyên mới . Ấn Độ đã đăng ký cho 1 triệu người dân mỗi ngày nhờ vào công nghệ mới. Với tốc độ đó, theo ông Dione, Việt Nam có thể hoàn thành đăng ký kỹ thuật số cho toàn bộ dân số trong 3 tháng.

“Các tổ chức hoặc quy trình thể chế không tạo ra và cũng không lường trước được công nghệ có tính đột phá, nhưng chúng là công cụ hữu hiệu để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như giảm nhẹ thách thức đến từ công nghệ”, ông Dione nhấn mạnh.

Đây cũng là điều mà ông Cung, ông Quốc, ông Hoàng Anh và nhiều người muốn nhắc tới. Mọi sự nỗ lực của từng cá nhân, đơn vị, tổ chức chỉ có thể tạo thành sức mạnh khi có một môi trường thể chế sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, có nhu cầu sử dụng công nghệ.
Ông David S. Aikman, Thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)
Chúng tôi nhìn nhận vai trò tích cực của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0. Trong thế giới ngày nay, không có bên nào duy nhất áp đặt cuộc chơi, sẽ có sự hợp tác để giải quyết vấn đề chung.
Việt Nam có vị trí khá tốt trong khu vực, lợi thế dân số trẻ, có như cầu sử dụng công nghệ, sẽ cạnh tranh về kỹ năng hơn chi phí. Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp ứng dụng mới, cách thức kinh doanh mới.
Nhưng sự thay đổi cần sự đồng bộ chứ không thể chỉ là một vài ngành. Việt Nam cần thay đổi tư duy và nhận thức để thay đổi trụ cột về công nghiệp và kinh tế, quan trọng là Việt Nam có cơ hội để phát triển nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.
Chính phủ có vai trò lớn trong đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ.
Ông Alistair Nolan,Chuyên gia Tổ chức OECD
Chính phủ có vai trò lớn trong đẩy nhanh tốc độ phổ biến ứng dụng công nghệ. Doanh nghiệp luôn có tham vọng và khả năng tăng trưởng để ứng dụng công nghệ, nhưng họ cần tiếp cận nguồn lực, cả con người và tài chính. Điều kiện để phố biến công nghệ, ứng dụng công nghệ phụ thuộc vào môi trường thuận lợi để doanh nghiệp ra đời, thúc đẩy khởi sự doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới quy trình và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần biết địa chỉ để đến khi cần hỗ trợ đổi mới công nghệ, như các trung tâm đổi mới sáng tạo của Singapore…
Việt Nam có cơ hội phồn vinh từ cách mạng của trí tuệ nhân tạo.
Lê Viết Quốc, thành viên sáng lập Google Brain
Cuộc cách mạng công nghiệp điện tử đã làm nên Nhật Bản giàu có. Cách mạng công nghiệp chip đã đưa Đài Loan giàu hơn. Cách mạng điện thoại làm Hàn Quốc bứt phá…
Tôi đang tin rằng, Việt Nam có cơ hội trở nền phồn vinh, giàu có từ cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo, nhưng có làm được hay không thì phải do từng người Việt Nam trả lời.
Tin liên quan
Tin khác