Điểm đột phá trong cuộc cách mạng 4.0
Trong vòng 30 năm tới, AI sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội và sinh hoạt của con người, tiến tới biến đổi thế giới một cách mạnh mẽ. Trên thế giới, đầu tư vào AI liên tục tăng, từ 415 triệu USD (năm 2012), lên 5 tỷ USD (năm 2017), tức tăng gấp đôi sau mỗi năm.
Ngoài sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũ và hàng ngàn doanh nghiệp AI mới sau mỗi năm, là sự cạnh tranh quyết liệt giữa chính phủ các nước lớn để nắm quyền chủ động trong công nghệ AI, điển hình là Trung Quốc và Mỹ.
AI giúp tạo ra một thế giới phẳng mà thông tin được chia sẻ, tiến tới sự bình đẳng không biên giới cho từng người dân |
Theo TS. Nguyễn Như Văn, Công ty Brickin’up (Pháp), đối với Việt Nam, AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn. AI mang lại cơ hội để có thể bứt phá vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ nói chung và AI là kinh tế tri thức mà yếu tố con người đóng vai trò cốt yếu, điều mà chúng ta có thể tận dụng từ tinh thần ham học hỏi với thế mạnh về khoa học cơ bản, cũng như tinh thần sức mạnh dân tộc của người Việt trong và ngoài nước.
“Tuy nhiên, thách thức là chúng ta còn thiếu nhân lực cấp cao về AI, cũng như sự tham gia và đóng góp của các chuyên gia hàng đầu về AI, để thiết kế, định hướng các chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn cho AI tại Việt Nam”, ông Văn đánh giá.
Đồng quan điểm, TS. Lê Quốc Anh, Tập đoàn Agricole (Pháp) cũng cho rằng, đối với mỗi nước, mỗi chính phủ, AI vừa là thời cơ, vừa là thách thức lớn.
“Công nghệ nói chung và AI nói riêng đã tạo ra một thế giới phẳng mà thông tin được chia sẻ, tiến tới sự bình đẳng không biên giới cho từng người dân. Thách thức là con người, cơ sở vật chất và chính phủ của mỗi nước phải chạy đua với công nghệ nếu không muốn tụt hậu”, ông Lê Quốc Anh nói.
Hiến kế phát triển AI tại Việt Nam
GS-TS. Nguyễn Thanh Thủy, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) góp ý, để tạo sự phát triển tốt cho AI, cần đầu tư một cách thích hợp từ nhiều phía. Về phía Chính phủ, đầu tư chính vào các chương trình nghiên cứu cơ bản, chương trình về đổi mới công nghệ và đặc biệt là chương trình về cách mạng công nghệ 4.0.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
TS. Lê Viết Quốc, làm việc tại Google Brain - một trong những dự án về AI lớn nhất của Google khuyến nghị, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính, đó là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học ở Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.
Theo TS. Trần Đặng Minh Trí, nhà đồng sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo y tế Harrison-AI, ngành y tế luôn được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng áp dụng AI cao nhất.
“Việt Nam đang có trong tay một cơ hội rất lớn. Mỗi ngày, với số lượng người bệnh khổng lồ, mỗi bệnh viện ở nước ta tạo ra hàng ngàn điểm dữ liệu - hình ảnh chụp X-Ray, MRI, CT, các xét nghiệm cận lâm sàng, các thông tin bệnh lý. Đây là “kho vàng” để phát triển các công nghệ AI chẩn đoán bệnh cho tương lai”, TS. Minh Trí nhận xét và cho rằng, nếu các cơ quan chính phủ, các bệnh viện, các công ty công nghệ, những nhà nghiên cứu AI cùng ngồi lại với nhau để khai thác nguồn tài nguyên này, thì chỉ khoảng 3 năm sẽ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong về AI trong y tế.
Lấy ví dụ từ Tập đoàn Hitachi, nơi đang làm việc, TS. Nguyễn Xuân Phong, Chuyên gia R&D về AI chia sẻ, Việt Nam cần xác định các ngành công nghiệp mũi nhọn để đưa AI vào ứng dụng, tạo ra những hiệu quả đột phá trong sản xuất công nghiệp.