Bảo hiểm PJICO đã hoàn tất bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược Hàn Quốc |
Dấu ấn năm 2017
Ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, thương vụ đáng chú ý trên thị trường bảo hiểm năm qua là việc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) hoàn tất bán 17,74 triệu cổ phần (tương đương 20% cổ phần) cho đối tác chiến lược Samsung Fire & Marine Insurance Co., Ltd – SFMI (Hàn Quốc).
SFMI là công ty bảo hiểm số 1 của Hàn Quốc và đứng thứ 23 thế giới, có mạng lưới toàn cầu với kinh nghiệm hơn 60 năm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Theo đánh giá của Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm A.M.Best, mức xếp hạng năng lực tài chính của SFMI đạt A++ và xếp hạng tín dụng AA+ năm 2016.
Việc một công ty thuộc Tập đoàn Samsung sẵn sàng chi trả mức giá 30.000 đồng/cổ phần để nắm giữ 20% vốn điều lệ PJICO cho thấy sức hấp dẫn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và của PJICO nói riêng trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài. Còn về phía PJICO, thặng dư vốn từ thương vụ phát hành cổ phiếu tăng cường đáng kể sức mạnh tài chính và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đại gia ngành bảo hiểm nhân thọ đến từ Anh quốc mang thương hiệu Aviva “lật bài ngửa” về chiến lược phát triển dài hạn tại Việt Nam sau khi hoàn tất mua lại phần góp vốn của Ngân hàng VietinBank tại Liên doanh VietinBank - Aviva.
Sau khi mua lại cổ phần tại liên doanh này, Aviva Việt Nam cho biết sẽ đầu tư mạnh vào kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm liên kết với ngân hàng (bancassurance). Đây cũng là một chiến lược hợp lý của Aviva, bởi cho dù VietinBank đã rút vốn, nhưng ngân hàng này vẫn là một chỗ dựa tốt cho Aviva trong mục tiêu chiếm lĩnh ngôi vị cao trong mảng bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Trong năm qua, các đại gia bảo hiểm đều có những hành động chứng tỏ “đai đẳng” của mình. Một trong 2 doanh nghiệp luôn dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm PVI vẫn cho thấy họ luôn là đối thủ khó qua mặt ở nhóm khách hàng lớn. Đại gia này đang liên tục đưa ra các phương thức phủ sóng thị trường bán lẻ, cũng như thiết kế nhiều sản phẩm mới nhằm mở rộng nhóm đối tượng khách hàng. Một trong những động thái gần đây của PVI là việc phối hợp với Vietnam Airlines tung ra sản phẩm Bảo hiểm Du lịch toàn diện TripCARE.
Đối thủ số 1 với PVI là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt luôn chứng tỏ họ là một đại gia sừng sỏ. Để ghi dấu ấn trên thị trường, Bảo hiểm Bảo Việt đã tung ra những sản phẩm có nhiều ưu đãi cho khách hàng. Một trong những sản phẩm dạng này được Bảo Việt đưa ra trong năm 2017 là Bảo hiểm Ưu việt cho bệnh ung thư và tim mạch.
Cơ hội phát triển nhanh hơn trong năm 2018
Thị trường Việt Nam hiện có 62 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2017 ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2016. Doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.561 tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm 2016, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 65.050 tỷ đồng, tăng 28,9%.
Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm 2016. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tư 38.841 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư 208.960 tỷ đồng.
Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm đã được hoàn thiện hơn trong năm vừa qua. Cụ thể, Thông tư 50/2017/TT-BTC được ban hành tháng 5/2017 đã hướng dẫn chi tiết Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Thông tư 50 đã kế thừa các nội dung còn phù hợp của các văn bản cũ, đồng thời sửa đổi bổ sung một số nội dung mới, kịp thời tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững.
Theo đánh giá của ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, những kết quả đạt được của ngành bảo hiểm trong năm 2017 là rất đáng mừng. Tuy nhiên, quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam mới chỉ đạt 2% GDP, còn khiêm tốn so với quy mô của thị trường bảo hiểm các nước trong nhóm ASEAN 4 (khoảng 4 - 5% GDP). “Do đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn có cơ hội để phát triển nhanh hơn nữa trong năm 2018”, ông Hà nhận định.
Phân tích kỹ hơn, ông Hà cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm tới dự báo đạt khoảng 6,5 - 6,7%, vì thế nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ rất lớn và đó là tiềm năng lớn về nhu cầu bảo hiểm. Đây chính là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển.