Viễn thông - Công nghệ
Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam
Một trong những sửa đổi quan trọng tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật Sở hữu trí tuệ 2022) là đã ghi nhận dấu hiệu âm thanh được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu tại Việt Nam (nhãn hiệu âm thanh).

Việc bổ sung quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đặt ra tại Điều 18.18, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, có thể thấy, dù ngày 1/1/2023 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 mới có hiệu lực thi hành, nhưng các quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực từ ngày 14/1/2022 - ngày CPTPP có hiệu lực (được quy định tại Điều 3, Luật Sở hữu trí tuệ 2022).

Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và năm 2019), Việt Nam chỉ bảo hộ các dấu hiệu “nhìn thấy được” dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều, hoặc sự kết hợp của các yếu tố và đó là điều kiện tiên quyết để bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, với việc ký kết CPTPP và với quy định tại Điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ 2022, thì dấu hiệu “âm thanh được thể hiện dưới dạng đồ họa” cũng sẽ được bảo hộ tại Việt Nam.

Như vậy, điều kiện “nhìn thấy được” không còn là điều kiện duy nhất đặt ra trong việc bảo hộ nhãn hiệu và theo đó, Việt Nam không được từ chối một dấu hiệu chỉ vì dấu hiệu đó là dấu hiệu âm thanh.

Quy định tại khoản 2, Điều 105, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đặt ra yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu của đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh là “tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó”. Có thể thấy rằng, quy định về yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu tại điều khoản này vừa đảm bảo được điều kiện bảo hộ chung của nhãn hiệu thông thường là “nhìn thấy được” dưới hình thức “bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh”, vừa đảm bảo được yếu tố đặc thù phi truyền thống của loại nhãn hiệu âm thanh đó là tệp chứa đựng âm thanh.

Ngoài ra, Điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 cũng bổ sung các dấu hiệu loại trừ không được bảo hộ là với danh nghĩa nhãn hiệu âm thanh như quốc ca của Việt Nam và các nước, quốc tế ca để tương ứng với các dấu hiệu loại trừ không bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu thông thường nhìn thấy được khác.

Các quy định nói trên của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng để các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư) quy định chi tiết về thẩm định khả năng phân biệt, cách thức công bố đơn và lưu giữ hồ sơ đối với nhãn hiệu âm thanh.

Có thể thẩy, để các sản phẩm/dịch vụ của mình dễ được nhận biết hơn so với sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, các nhà sản xuất/kinh doanh ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, cũng chú trọng đến việc sử dụng các dấu hiệu mới lạ làm nhãn hiệu để tạo ấn tượng, thu hút người tiêu dùng.

Mặt khác, sử dụng các loại dấu hiệu mới làm nhãn hiệu cũng là để đáp ứng một phần nhu cầu tích hợp và tận dụng các chức năng mới của sản phẩm công nghệ hiện đại, thông minh, đặc biệt trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay. Theo đó, nhãn hiệu âm thanh không chỉ thể hiện được chức năng vốn có của một nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, mà còn góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng.

Nếu như nhãn hiệu truyền thống là chỉ có thể nhìn thấy được thì nhãn hiệu âm thanh lại có thể tác động trực quan tới người sử dụng. Theo đó, có thể chuyển tải những cảm xúc, đặc trưng của nhãn hiệu đến với người tiêu dùng, tạo mối liên kết thân thiện, gần gũi và sâu sắc hơn giữa nhà sản xuất hay cung ứng dịch vụ với người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ của họ.

Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đã phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam, đây là một đối tượng hoàn toàn mới. Do đó, Việt Nam cần phải học hỏi các quy định pháp luật, cũng như kinh nghiệm thực tiễn thẩm định và bảo hộ loại nhãn hiệu này của các nước.

Để có thể thực thi các quy định về nhãn hiệu âm thanh tại Luật Sở hữu trí tuệ 2022, cần có các hướng dẫn chi tiết về đối tượng này trong các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư, Quy chế thẩm định) đồng thời với việc chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như nhân lực để phục vụ công tác thẩm định và lưu trữ loại nhãn hiệu này.

Tin liên quan
Tin khác