Thời sự
Bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế như đội mũ bảo hiểm
Mạnh Bôn - 13/01/2014 22:32
Một trong những nguyên nhân khiến Bảo hiểm y tế (BHYT) đứng trước nguy cơ bị “thụt quỹ” là do số người tham gia BHYT tự nguyện quá ít, người mua BHYT chủ yếu là đang mắc bệnh. “Có thẻ bảo hiểm y tế không?”

Để xử lý vấn đề vừa có tính chất bảo đảm an sinh xã hội, vừa mang tính nhân văn này, trong Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng nay, nhiều đại biểu đề nghị nên bắt buộc người dân tham gia BHYT như bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến

Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng từ 58% năm 2009 lên 66,8% năm 2012 và khoảng 69% vào năm 2013. Nhưng số người bắt buộc tham gia (người lao động làm công ăn lương, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, dân tộc thiểu số, người cận nghèo, học sinh, sinh viên…) chiếm hơn 90%; còn số người tham gia BHYT tự nguyện chỉ vào khoảng 5.600 người, chiếm chưa đầy 10% và đóng góp vỏn vẹn vào Quỹ BHYT khoảng 2.014 tỷ đồng trong tổng số thu của Quỹ năm 2012 là 51.106 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu của Bộ Y tế, Quỹ BHYT tiếp tục kết dư với số tiền vào khoảng 13.000 tỷ đồng nhưng nguy cơ thụt quỹ rất lớn, bởi số chi hàng năm tăng chóng mặt, từ mức gần 19.686 tỷ đồng năm 2009 lên 25.564 tỷ đồng và 34.584 vào năm 2012.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, kinh nghiệm các nước thực hiện BHYT toàn dân trên thế giới cho thấy, nếu không luật hóa việc bắt buộc tham gia BHYT thì rất khó thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020 và rất khó để thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (theo cơ chế thị trường) như mục tiêu đã đặt ra. Và như vậy, chất lượng khám chữa bệnh cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu.

“Ở các nước thực hiện BHYT toàn dân, hầu như năm nào người ta cũng điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo sát thị trường. Còn ở Việt Nam, sau 17 năm mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế một lần nên chất lượng khám chữa bệnh không đáp ứng yêu cầu. Nếu không thực hiện BHYT toàn dân trên cơ sở bắt buộc tất cả mọi người đều tham gia BHYT thì không có cách gì bắt buộc nông dân, ngư dân, diêm dân, người làm nghề tự do tham gia. Và cũng không có cách gì bắt buộc những người khỏe mạnh không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia mua BHYT”, bà Tiến nói.

BHYT là chính sách nhân văn theo nguyên tắc người khỏe giúp đỡ người yếu, nhiều người khỏe mạnh giúp đỡ người không may bị bệnh tật vì vậy, theo Bà Tiến cần phải luật hóa việc BHYT toàn dân. “Cũng tương tự như việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nếu không có chế tài bắt buộc thì không có nhiều người thực hiện. Và hậu quả là, cả xã hội phải chịu áp lực trước tai nạn xe máy gia tăng; xã hội và gia đình người bị tai nạn không chỉ mất thời gian, nhân lực, công sức chăm lo người bị tai nạn xe máy, mà còn phải bỏ tiền để nhập khẩu thuốc men, trang thiết bị y tế để phục vụ người không may bị tai nạn xe máy”, bà Tiến nói thêm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng, việc bắt buộc người dân tham gia BHYT là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh chế tài bắt buộc cần phải có chính sách tài chính hỗ trợ.

Cụ thể, để khuyến khích người dân tham gia cần phải có chính sách giảm mức đóng BHYT cho người dân theo hướng, trong cùng một hộ gia đình, hàng năm, người thứ nhất đóng tối đa vào Quỹ BHYT bằng 6% mức lương cơ sở, còn từ người thứ 2 trở đi, mức đóng giảm dần và tối thiểu bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

“Trong giai đoạn đầu, để người dân làm quen với BHYT, Nhà nước cũng nên có sự hỗ trợ bằng cách đóng hộ phần ưu đãi cho đối tượng tham gia (tương tự như hỗ trợ đóng BHYT cho người cận nghèo, học sinh, sinh viên). Khi việc tham gia BHYT đã đi vào nề nếp thì giảm mức hỗ trợ và giảm đối tượng hỗ trợ”, bà Minh đề xuất.

Tính nhân văn trong BHYT toàn dân cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai đồng tình.

Theo bà Mai, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

“Nếu quy định BHYT là bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho một số nhóm dân cư tham gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020”, bà Mai phát biểu nhưng vẫn băn khoăn, trong điều kiện hiện nay rất khó để quy định về chế tài xử lý với người không tham gia BHYT bắt buộc. Bởi không đơn giản như người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy khi đi ra ngoài đường thì công an có quyền thổi phạt vi phạm hành chính, nhưng người không tham gia BHYT thì không ai có quyền phạt họ và cũng không biết xử phạt bằng cách nào nếu họ vẫn cố tình không thực hiện.

Tin liên quan
Tin khác