Ngân hàng - Bảo hiểm
Bất động sản chịu đau tái cấu trúc, gấp rút gỡ khó cho thị trường trái phiếu
T.L - 13/11/2022 09:15
Áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương gỡ khó, Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ...là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Giải cứu” bất động sản: Mòn mỏi ngóng vốn hay chịu đau để tái cấu trúc?

Một số chuyên gia cho rằng, bơm thêm 1-2% room tín dụng để thị trường bất động sản có thêm oxy là hoàn toàn khả thi nếu vốn được bơm đúng địa chỉ. Dù vậy, khả năng này rất khó xảy ra.

Trước tình trạng doanh nghiệp bất động sản kiệt sức, cạn vốn, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng thêm 1-2%.

Kiến nghị này, theo các chuyên gia kinh tế, không phải là không thể. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc nới tín dụng thêm 1-2% nữa sẽ giúp nền kinh tế ấm nóng trở lại, thay vì bế tắc như hiện nay.

“Lượng vốn bơm thêm ra có thể không quá lớn, song nếu quay vòng nhiều lần, sẽ làm thị trường ấm nóng trở lại. Tất nhiên, việc bơm vốn sẽ phải đồng thời với giám sát dòng vốn bơm đúng địa chỉ”, TS. Nghĩa kiến nghị.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cũng cho rằng, việc cấp thêm room tín dụng cho bất động sản là một giải pháp đáng xem xét, song nên ưu tiên giải ngân cho người mua nhà và có sự giám sát chặt chẽ. Cách thức thực hiện nên là khi tiền bán nhà được chuyển đến tài khoản chủ đầu tư, thì ngân hàng giám sát và thu tiền lại ngay.

“Ngân hàng giải ngân đến đâu, thu nợ đến đó. Làm được như vậy thì rủi ro ngân hàng thấp hơn và kiểm soát được thu nợ và tránh rủi ro từ việc chủ đầu tư mang tiền đi thực hiện Dự án khác hoặc mục đích khác. Để thực hiện điều này, NHNN nên có hướng dẫn tiêu chí về đối tượng là người mua nhà để tránh đầu cơ”, ông Thuân nói.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh rất nhiều ngân hàng có sở hữu chéo phức tạp, ông chủ ngân hàng có mối liên hệ tinh vi với các doanh nghiệp bất động sản sân sau như hiện nay, thì việc đảm bảo dòng vốn chảy đúng địa chỉ là một thách thức với cơ quan quản lý.

Đặt trong bối cảnh thanh khoản hệ thống hiện nay, khả năng NHNN nới room tín dụng rất khó xảy ra. Hơn nữa, thị trường bất động sản đang dựa quá lớn vào tín dụng ngân hàng, nên việc giải cứu thị trường, nếu có, cũng sẽ không phải bắt đầu bằng cách bơm tín dụng.

Thiếu vốn hiện nay không phải chỉ là câu chuyện của riêng ngành bất động sản, mà của toàn nền kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất. Trong 10 tháng đầu năm, tín dụng tăng trên 11%, nhưng huy động vốn chỉ tăng hơn 4%. Chính vì vậy, ngay cả khi tín dụng được nới nhẹ, thì bất động sản cũng không phải là lĩnh vực được ưu tiên cấp vốn.

Tình trạng khan vốn cục bộ đã diễn ra tại một số ngân hàng nhỏ. Các ngân hàng này đang phải huy động vốn để bù đắp thanh khoản cho những khoản giải ngân trước đó, nên khó tính đến cấp tín dụng mới. Với tình trạng thanh khoản hiện nay, nới room tín dụng là rất rủi ro cho an toàn của hệ thống.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tín dụng bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi nhu cầu vay chủ yếu là trung, dài hạn, số tiền lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn, nên "không điều tiết tốt, ngân hàng sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản". Chưa kể, ưu tiên của chính sách tiền tệ giai đoạn hiện nay là kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng. Vì thế, điều hành tín dụng cho bất động sản phải cân nhắc, thận trọng.

Dư nợ tín dụng bất động sản tới cuối tháng 8/2022 đạt 777.235 tỷ đồng, giảm 7.340 tỷ đồng so với trước đó 2 tháng, song vẫn chiếm tới 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Mặc dù NHNN luôn khẳng định khuyến khích tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, song thực tế, tín dụng bất động sản hiện nay lại chủ yếu chảy vào phân khúc nhà ở cho người giàu.

“Nếu tiếp tục rót tiền cứu bất động sản, giá nhà, thì giá đất sẽ còn tăng đến đâu? Việc Đất Thủ Thiêm trúng thầu 2,44 tỷ đồng/m2 là giọt nước tràn ly, nếu tiếp tục giải cứu bất động sản bằng cách bơm tiền vào, thì giá đất sẽ còn tăng. Vậy cứu doanh nghiệp bất động sản, ai sẽ giải cứu những người có nhu cầu mua nhà ở thực?”, lãnh đạo một ngân hàng đặt câu hỏi.

Trong khi đó, dù tán thành quan điểm nới nhẹ room tín dụng để tạo đòn bẩy phục hồi kinh tế năm sau, song TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, riêng với bất động sản, biện pháp ưu tiên vẫn là doanh nghiệp phải bán tài sản, tái cấu trúc để tự giải quyết thanh khoản.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cần vào cuộc, rà soát để nắm bắt bắt danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra khủng hoảng thanh khoản và yêu cầu các đơn vị này đưa ra phương án tái cơ cấu với sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ. Việc tái cơ cấu các tập đoàn này nhằm ngăn sở hữu chéo lan rộng, song nguồn lực vẫn chủ yếu dựa vào tài sản của tập đoàn, không phải từ nguồn lực ngân sách.

Nói cách khác, để giải quyết khủng hoảng thanh khoản hiện nay, doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận chịu đau để tái cấu trúc, đưa bất động sản dần về với giá trị thực, khó có thể trông chờ vào nguồn lực ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp.

Phát hành trái phiếu mới đóng băng tháng 10, doanh nghiệp phải mua trước hạn khối lượng kỷ lục

Dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA) cho thấy, tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị TPDN được các doanh nghiệp mua lại là 149.309 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong suốt tháng 10 và kéo dài tới ngày 4/11/2022, theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ sàn HNX và SSC, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nào được ghi nhận trong tháng 10 và tháng 11/2022.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10,599 tỷ đồng, giảm 56.3% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 240,805 tỷ đồng, giảm 52% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).

Trong khi phát hành mới đóng băng thì doanh nghiệp lại phải tăng mua lại trái phiếu trước hạn. Dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 04/11/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 11/2022 là 268.5 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 149,309 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo ước tính của VBMA, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 11/2022 là gần 13,528 tỷ đồng, đều là trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2022, CTCP Tập Đoàn Masan Hội đồng quản trị MSN sẽ phát hành tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo ra công chúng với ngày đáo hạn vào năm 2028; CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa Hội đồng quản trị SBT sẽ phát hành ra công chúng tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu.

Theo ước tính của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), TPDN bất động sản đáo hạn năm 2023 là 130.000 tỷ đồng. Đỉnh điểm đáo hạn TPDN sẽ rơi vào quý II, quý III/2023. Dù lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn song khả năng đảo nợ để huy động dòng vốn mới bù đắp của doanh nghiệp bất động sản là rất khó.

“Chúng tôi cho rằng, khả năng đảo nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khá thấp do nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là cá nhân đang bị hạn chế rất nhiều do niềm tin bị xói mòn cũng như do các quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 65/2022 NĐ-CP và do các hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động bán hàng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt. Do đó, chúng tôi nhận thấy một số rủi ro đáng chú ý về nợ xấu và tăng lãi suất của thị trường từ khả năng đáo hạn TPDN các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới”, chuyên gia phân tích VDSC nhận định.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, tâm lý rời bỏ kênh đầu tư TPDN có thể dần ổn định trở lại, nhưng nếu như những nút thắt về pháp lý không được tháo gỡ, thiếu đi sự hỗ trợ và định hướng từ nhà điều hành, thì nhiều khả năng, khó khăn trên thị trường TPDN sẽ còn tiếp diễn.

Trong khi làn sóng tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu chưa dừng lại, thì việc doanh nghiệp bất động sản đảo nợ trái phiếu là rất khó khăn, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy lớn hơn. TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý cần có giải pháp chống “bond run”.

“Với thị trường TPDN, đầu tiên, nhà đầu tư phải bình tĩnh, không hành động theo tâm lý đám đông. Tuy nhiên, cơ quan quản lý và các bên cũng phải tham gia hỗ trợ, lên tiếng để ngăn tâm lý đám đông”, ông Ánh nhận định.

Lý giải nguyên nhân nhà đầu tư tháo chạy khỏi trái phiếu, thậm chí tháo chạy khỏi cả các quỹ đầu tư trái phiếu (bán chứng chỉ quỹ trước hạn), ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Phân tích xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings cho rằng, gốc rễ của vấn đề là nhà đầu tư thiếu thông tin. Do đó, để tránh trường hợp doanh nghiệp phát hành hoạt động tốt mà vẫn bị “bond run”, doanh nghiệp phát hành nên minh bạch thông tin, bổ sung đánh giá độc lập để khẳng định vị thế kinh doanh của mình, cũng như khẳng định việc vẫn kinh doanh bình thường. Nếu doanh nghiệp phát hành khó khăn trong chi trả, thì cần tôn trọng trái chủ bằng cách công khai, minh bạch lộ trình giải pháp, hoạt động cấu trúc lại thời gian trả nợ, để nhà đầu tư an tâm phần nào.

“Về phía nhà đầu tư, cần bình tĩnh, xem xét lại tài sản, trái phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ của doanh nghiệp nào, kết quả kinh doanh ra sao, nếu thật sự tốt thì không có lý do gì bán rẻ, chiết khấu rất cao. Trong trung hạn, giải pháp được nói tới nhiều là các quỹ bình ổn. Đây là biện pháp đã được áp dụng ở các quốc gia khác và các quỹ này sẽ có những điều kiện cụ thể vào những đối tượng cụ thể để có thể giải ngân”, ông Khang khuyến nghị.

Chính phủ yêu cầu đánh giá TPDN đáo hạn quý IV/2022 và năm 2023, sửa Nghị định 65 nếu cần

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP nếu cần.

Chính phủ ban hành vừa Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Cùng với thực hiện Nghị định 65, Bộ Tài chính phải rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết). Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý.

Công văn của Chính phủ nêu rõ, Bộ Tài chính phải có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn. Sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong Quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.

Với ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.

Chính phủ yêu cầu NHNN phải cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.

Trong công văn gửi tới Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị nới room tín dụng, hoãn triển khai một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ.

 Theo HOREA, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước tình thế vô cùng khó khăn. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh, điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

 Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, Dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có “rủi ro” do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc bán dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính”, có thể làm mất đi “lợi thế” của doanh nghiệp nội địa đang “thống lĩnh” thị trường bất động sản hiện nay.

Thậm chí, HOREA cho rằng, tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng so với thời khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2008 - 2013 (trừ khoảng thời gian phục hồi ngắn ngủi từ cuối năm 2009 - 2010).

Để gỡ khó cho thị trường, HOREA kiến nghị Chính phủ, ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

“Chính sách này sẽ thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội và giúp cho người dân có thêm kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhất là Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã có các quy định rất chặt chẽ đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ”, Hiệp hội nêu ý kiến.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.

Trước mắt, để đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” có thể tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị quy định cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định. Như vậy, mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư trái phiếu, cũng như đảm bảo “rủi ro” cho các nhà đầu tư cá nhân (không đủ điều kiện) khi ủy thác đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực theo quy định.

Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ

 Ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Theo Báo cáo, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. 

Báo cáo của Bộ tài chính Hoa Kỳ tháng 11 tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí về: (i) thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; (ii) thặng dư cán cân vãng lai; và (iii) can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Trong Báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa 7 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Xing-ga-po, Ma-lai-xi-a và Đài Loan. Thuỵ Sĩ vẫn vượt ngưỡng cả 3 tiêu chí nêu trên và Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện tiếp xúc và phân tích nâng cao. Đồng thời, Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 – 6/2022.

Liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ (thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt mức 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD) do đó đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra khỏi Danh sách giám sát.

Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.

Tại kỳ Báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đến Việt Nam ngày 03/10/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong tình hình hiện nay, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. 

Phát biểu tại Hội nghị kinh tế Toàn cầu tháng 11/2022 do ngân hàng Thanh toán Quốc tế vừa tổ chức, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà đại diện cho Ngân hàng Nhà nước vừa tham dự và phát biểu.

Theo Phó thống đốc, trong 10 tháng đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp kịp thời, phù hợp nhằm giảm thiểu tác động từ giá hàng hóa thế giới tăng cao tới lạm phát trong nước.

Đối với mặt hàng xăng dầu trong nước, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ giá như sử dụng hài hòa Quỹ Bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Đối với mặt hàng lương thực thực phẩm, sản xuất nông nghiệp trong nước trong điều kiện thời tiết từ đầu năm tương đối thuận lợi kết hợp với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đã đảm bảo nguồn cung dồi dào và hỗ trợ kiểm soát mức tăng giá của nhóm lương thực, thực phẩm không quá cao, từ đó giảm áp lực lạm phát từ nhóm lương thực, thực phẩm.

Phó thống đốc nhấn mạnh, trong bối cảnh các Ngân hàng trung ương đang đối mặt với nhiều thách thức đan xen như hiện nay, việc chỉ sử dụng riêng chính sách tiền tệ là không đủ mà cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, thận trọng, thích ứng linh hoạt với diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ và sự vận động của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, đảm bảo thanh khoản và cung ứng đủ vốn cho phục hồi kinh tế, ổn định các thị trường tiền tệ, ngoại tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Hội nghị Kinh tế Toàn cầu tháng 11/2022 đã thảo luận về những tiến triển mới nhất của thị trường kinh tế và tài chính toàn cầu. Tại cuộc họp, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương/Cơ quan Quản lý Tiền tệ thành viên Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã chia sẻ, cập nhật về những diễn biến trong kinh tế vĩ mô và tài chính gần đây của quốc gia và khu vực, nhấn mạnh vào ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn thị trường hàng hóa và những biện pháp chính sách của các Ngân hàng Trung ương.

Theo đó, triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục căng thẳng với điều kiện thị trường thắt chặt, thị trường năng lượng toàn cầu gián đoạn. Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, thậm chí nhiều nơi đã lên đến mức cao nhất trong lịch sử do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao.

Đa số các Ngân hàng Trung ương tiếp tục các chính sách thắt chặt trong bối cảnh một số Chính phủ phải sử dụng các biện pháp tài khóa nhằm kiểm soát giá cả. Thị trường bất động sản trầm lắng, đặc biệt ở Trung Quốc. Thị trường lao động tiếp tục khó khăn, mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Trong khi đó, gián đoạn thị trường lương thực, thực phẩm và năng lượng ảnh hưởng đến cả tổng cung và cầu.

Theo đánh giá của các Thống đốc, gián đoạn thị trường hàng hóa lần này, đặc biệt là thị trường năng lượng và thực phẩm, đã có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu, quy mô và mức độ tác động lớn hơn nhiều so với những lần tăng giá trước đây trong lịch sử, dẫn đến những biện pháp tài khóa mạnh mẽ hơn và đòi hỏi chính sách tiền tệ phải có những phản ứng phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đáp ứng đủ vốn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Ngày 8/11/2022, ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Công bản số 7881/NHNN-TD gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) về cấp vốn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Văn bản nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo về công tác tín dụng, ngoại tệ cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tại công văn số 1509/NHNN-TD ngày 15/03/2022 về việc cấp tín dụng đối với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các nguyên tắc tín dụng hiện hành và quy định của pháp luật.

Hai là, chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công thương) phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật.

Ba là, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các NHTM chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cso đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây chậm trễ trong công tác tín dụng.

Bốn là, định kỳ hàng tháng, thực hiện báo cáo tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu về NHNN. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc trong quá trình, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN để được xem xét, xử lý.

Phát biểu trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu không phải do thiếu tín dụng, ngoại tệ.

Theo tổng hợp nhanh của Ngân hàng Nhà nước, tổng hạn mức tín dụng mà các ngân hàng thươngn mại cấp cho doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng nhưng hiện nay mới sử dụng hết 58.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đảm bảo cung ứng ngoại tệ đầy đủ cho doanh nghiệp xăng dầu nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã bán ra 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp xăng dầu (Nghi Sơn, Bình Sơn… ).

Ngân hàng đua phòng thủ thanh khoản

Làn sóng chạy đua tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, đặc biệt ở khối ngân hàng nhỏ, buộc nhiều ngân hàng lớn cũng phải tăng lãi suất để phòng thủ thanh khoản.

Tuần qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng vọt sau khi hạ nhiệt đôi chút vào tuần trước đó. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vọt lên trên 7,1%/năm. Trước tình hình “căng” của lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạm dừng phát hành tín phiếu hút tiền về, liên tục bơm ròng ra thị trường.

Trên thị trường 1 (thị trường dân cư), lãi suất huy động cũng được các nhà băng điều chỉnh từng tuần. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã gần chạm mức 9%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn dài nhất đã lên trên 10%/năm.

Làn sóng chạy đua lãi suất huy động cho thấy, thanh khoản thị trường đang rất căng thẳng. Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, hàng chục ngân hàng có Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) vượt trần cho phép (85%).

Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động tăng chậm khiến nhiều ngân hàng phải chạy đua tăng lãi suất, huy động vốn để bù đắp nguồn vốn cho phần đã cho vay “quá tay” trong 9 tháng đầu năm.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho rằng, một số nguyên nhân dẫn tới thanh khoản ngân hàng căng, huy động vốn tăng chậm là do NHNN hút tiền đồng về qua kênh tín phiếu, room tín dụng hạn hẹp, nên người dân và doanh nghiệp buộc phải trang trải bằng vốn tự có…

Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự cố liên quan tới SCB và Vạn Thịnh Phát cũng ảnh hưởng đáng kể tới thanh khoản hệ thống và niềm tin của nhà đầu tư.

Mặc dù NHNN đã tăng lãi suất điều hành liên tiếp 2 lần với tổng mức tăng 2%, song có vẻ cơn khát thanh khoản vẫn chưa thể giải tỏa. Phát biểu tại họp báo Chính phủ mới đây, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà thừa nhận, việc tăng trưởng huy động vốn chỉ bằng gần 1/3 tốc độ tăng tín dụng đang đặt ra nhiều thách thức với hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng cũng như gây quan ngại về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. “Việc tăng lãi suất điều hành là nhằm tăng khả năng huy động vốn cho các tổ chức tín dụng”, ông Hà nói.

Thị trường bất động sản, tài chính, ngân hàng có sự liên thông rất chặt chẽ. Do đó, những diễn biến bất lợi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và sự cố xảy ra với một ngân hàng gần đây buộc toàn hệ thống phải tăng sức phòng thủ, kể cả các ngân hàng không thiếu thanh khoản.

Bà Lưu Thị Thảo cho hay, mặc dù Tỷ lệ LDR tại VPBank mới 76%, song VPBank vẫn xác định ưu tiên hàng đầu giai đoạn hiện nay là bảo vệ thanh khoản, thay vì tăng trưởng lợi nhuận.

Phòng thủ thanh khoản cũng là mối quan tâm hàng đầu của toàn hệ thống hiện nay. Trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, trọng tâm chính sách tiền tệ thời điểm này là phải đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng. Đây cũng là lý do mà NHNN tăng lãi suất điều hành thời gian qua.

Bên cạnh linh hoạt hơn về lãi suất, NHNN cũng đang rất mạnh tay siết chặt tín dụng bất động sản sân sau. NHNN đã yêu cầu một số tổ chức tín dụng có biểu hiện cho vay tập trung một số Dự án, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp bất động sản lớn phải báo cáo danh mục cho vay.

Chia lửa với Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại phiên chất vấn tuần qua, Thống đốc nhấn mạnh một lần nữa về sự an toàn của các tổ chức tín dụng và một lần nữa giải thích rủi ro của tín dụng bất động sản, chủ yếu là rủi ro kỳ hạn, gây mất cân đối vốn cho các ngân hàng.

“Yêu cầu tín dụng bất động sản thường là dài hạn với số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động vốn của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn. Cho nên, nếu cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng không kiểm soát tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khi người dân đến rút tiền thì các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn về chi trả”, Thống đốc giải thích thêm.

Thừa nhận tăng lãi suất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, song Thống đốc cho rằng, ổn định vĩ mô là quan trọng nhất, bởi khi đã giữ được ổn định vĩ mô thì doanh nghiệp sẽ tăng tốc sau.

Thống đốc cũng khẳng định, NHNN cũng sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho các TCTD, đặc biệt là dịp cuối năm.

Thị trường tiền tệ trong tháng 10 vừa qua có diễn biến phức tạp, lãi suất huy động liên tục tăng cao.

Trao đổi với báo chí ngày 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xét về bình diện toàn hệ thống, thanh khoản các TCTD vẫn đang tốt và hiện có dư thừa.

“Chỉ có điều trong tháng 10 vừa qua thị trường chịu tác động chủ yếu bởi yếu tố tâm lý và diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Trước tình hình đó, NHNN đã rất nhanh chóng và kịp thời thực hiện vai trò điều tiết của mình thông qua triển khai các công cụ giải pháp đưa tiền ra hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống”, Thống đốc cho biết.

Mới đây, NHNN đã  tổ chức một số cuộc họp với các NHTM để cùng nhau đánh giá, phân tích, xác định điểm nghẽn của thị trường. Từ đó có giải pháp phù hợp.

Thống đốc cho hay, qua phân tích các TCTD cũng đều thống nhất trong bối cảnh hiện nay thì bản thân các TCTD cần phải tăng cường sự đoàn kết, tin cậy, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống cũng như của từng ngân hàng. Cũng qua đánh giá, các ngân hàng đều đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động theo quy định của NHNN

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với những biến động phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, bản thân các TCTD thấy rằng cần phải rà soát, đánh giá thận trọng hơn để chủ động có các giải pháp để cải thiện làm sao đảm bảo hệ thông được an toàn một cách vững chắc.

“Về phía NHNN, với vai trò điều hành, NHNN cũng sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho các TCTD, đặc biệt là dịp cuối năm”, Thống đốc khẳng định.

Với các tác động của thị trường tiền tệ thế giới, theo người đứng đầu NHNN, khi   Việt Nam hội nhập sâu rộng, những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới đến kinh tế, tiền tệ của Việt Nam là không tránh khỏi. Chỉ có điều, chúng ta phải chủ động tâm thế để ứng phó với những biến động đó.

Thực tế, trong năm 2022, dưới sự đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng như các Bộ, ngành đã chủ động, linh hoạt đưa ra các giải pháp để ứng phó, góp phần đạt được ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đạt được ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối như hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, thị trường diễn biến ngày càng tích cực, tâm lý thị trường ổn định.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, Thống đốc khẳng định, NHNN cũng như các Bộ, ngành cần phải tăng cường công tác dự báo, phân tích tình hình, liên tục cập nhật những diễn biến mới để chủ động đưa ra các giải pháp điều hành. Khi điều hành cần phải phối hợp tổng thể các chính sách kinh tế vĩ mô không chỉ riêng chính sách tiền tệ.

Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt đối với tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm trọng điểm. Qua đó, sẽ giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Hoặc là những giải pháp của Chính phủ đang chỉ đạo để tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá. Thực tế, trong nhiều năm qua, có những thời điểm thị trường ngoại hối biến động, NHNN đã phải can thiệp với số lượng lớn ngoại tệ nhưng sau đó lại mua ngoại tệ trở lại để tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước.  

Theo Thống đốc, đúng là thị trường tiền tệ, ngoại hối đang chịu áp lực, biến động nhưng đó là bối cảnh chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ đối với Việt Nam. Điều quan trọng là nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực. Vừa qua, Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục xếp hạng Việt Nam ở mức BB - triển vọng tích cực.

“Thời gian tới, NHNN chủ động bám sát và nắm chắc tình hình để đưa ra những giải pháp, công cụ điều hành phù hợp với liều lượng cũng như là thời điểm hợp lý. Phù hợp ở đây là phù hợp với xu thế thế giới nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Chính sách tiền tệ cũng sẽ được điều hành trong mối quan hệ phối hợp hài hoà với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, để kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội”, Thống đốc khẳng định.

Nhu cầu tiêu thụ vàng của người Việt trong quý III/2022 tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ

Tại Việt Nam, từ 3,3 tấn trong quý III/2021, nhu cầu tiêu thụ vàng của thị trường nội địa nhìn chung đạt 12 tấn trong quý III/2022, tăng 264% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong quý III/2022 đạt 1,181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nhu cầu tăng mạnh đã thúc đẩy tổng số tiêu thụ từ đầu năm đến nay lên mức trước đại dịch COVID-19. Nhu cầu tiêu thụ vàng được thúc đẩy bởi người tiêu dùng và các ngân hàng Trung ương trên thế giới, mặc dù nhu cầu đầu tư đã có sự sụt giảm.

Riêng tại Việt Nam, từ 3.3 tấn trong quý III năm 2021, nhu cầu tiêu thụ vàng nhìn chung, đạt 12 tấn trong quý III năm 2022, tăng 264% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng cho thấy mức tăng trưởng tương tự khi tăng từ 2,4 tấn ở quý III năm 2021 lên 8.5 tấn trong quý III năm 2022, tăng 254% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu trang sức tăng từ 0,9 tấn trong quý III năm 2021 lên 3,5 tấn trong quý III năm 2022, tăng 290% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải thích về sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ vàng so với cùng kỳ năm trước, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) và chuyên gia chính sách công cho biết, sự gia tăng đáng kể về nhu cầu tiêu dùng vàng thỏi và xu vàng cũng như nhu cầu trang sức phần lớn đến từ việc nhu cầu tiêu thụ vàng ở quý III năm 2021 yếu hơn nhiều so với hiện tại.

Cùng với việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và hạn chế trong việc phòng chống COVID-19, các hoạt động kinh tế đang trở lại trạng thái bình thường, đáng lưu ý là sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Thay vì cắt giảm lương và nhân lực, các công ty đang quay trở lại hoạt động tối đa công suất. Điều này đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng tăng vọt. 

Trên toàn cầu, các hoạt động đầu tư giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, vì các nhà đầu tư vào quỹ ETF trở nên thận trọng hơn trước tình hình thị trường đầy thách thức khi lãi xuất USD tăng cao, cùng đồng đô la Mỹ tăng mạnh, và lượng vàng bị bán đi đáng kể khỏi các quỹ lên đến 277 tấn.

Những diễn biến này, cùng với sự suy giảm của nhu cầu đầu tư vào thị trường OTC, và tâm lý tiêu cực về tương lai của các thị trường đầu tư đã ảnh hưởng đến giá vàng - góp phần khiến giá vàng giảm 8% tại quý III năm 2022 so với quý II năm 2022.

Bất chấp những rào cản này, các nhà đầu tư cá nhân, vốn là những người luôn nhạy bén với các tín hiệu từ nhiều thị trường khác nhau, vẫn ưu ái vàng vì vàng luôn giữ vị thế là nơi trú ẩn an toàn để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh lạm phát tràn lan và sự bất ổn địa chính trị.

Các nhà đầu tư đã phòng ngừa lạm phát bằng cách đầu tư vào vàng thỏi và xu vàng, khiến tổng cầu bán lẻ tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số ấn tượng này không chỉ được góp phần bởi lượng mua vào đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ (tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), hay ở Đức (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 42 tấn), mà còn từ những lượng mua ở tất cả các thị trường lớn.

Nhu cầu mua bán và tiêu dùng đồ trang sức tiếp tục phục hồi, và hiện đã quay trở lại trạng thái trước đại dịch, đạt 523 tấn - cao hơn 10% so với quý III năm 2021.

Phần lớn của sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi người tiêu dùng tại các khu vực độ thị ở Ấn Độ, với số lượng tiêu thụ đạt mức 146 tấn, tăng 17% so với năm ngoái.

Mức tăng trưởng ấn tượng tương tự cũng có thấy được ở phần lớn khu vực Trung Đông, với Ả Rập Xê Út tăng 20% kể từ quý 3 năm 2021 và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 30% trong cùng kỳ.

Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức đạt mức tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, do niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện, và giải phóng các nhu cầu bị dồn nén, cũng như sự sụt giảm của giá vàng trong nước vào tháng 7.

Ngay khi nhu cầu tiêu thụ vàng của người tiêu dùng tăng lên, hoạt động mua vàng của Ngân hàng Trung ương đã tăng đáng kể với lượng mua kỷ lục được ước tính lên đến gần 400 tấn trong quý III năm 2022.

Xu hướng này được phản ánh trong kết luận được rút ra từ cuộc khảo sát Ngân hàng Trung ương gần đây, trong đó 25% số người được khảo sát cho biết họ dự định tăng lượng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.

Về nguồn cung, sản lượng khai thác mỏ (được ổn định và bảo vệ giá) đã tăng 2% so với quý III năm 2021, với lượng khai thác vàng đạt mức tăng trưởng ở quý thứ sáu liên tiếp.

Ngược lại, tỷ lệ tái chế giảm 6% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái do người tiêu dùng có xu hướng tích trữ vàng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và triển vọng kinh tế bất ổn.

Bà Louise Street, Chuyên gia Nghiên cứu Thị trường Cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận xét, bất chấp nền kinh tế vĩ mô không ổn định, nhu cầu tiêu thụ trong năm nay đã cho thấy, vàng vẫn giữ vị thế là một tài sản trú ẩn an toàn, và vị thế này còn được củng cố thêm bởi thực tế rằng vàng có lợi suất hơn hầu hết các loại tài sản khác vào năm 2022.

"Trong tương lai, chúng tôi dự đoán rằng hoạt động mua và đầu tư bán lẻ của Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Việc này có thể giúp bù đắp cho sự suy giảm có thể dự đoán trước trong đầu tư OTC và ETF nếu đồng đô la vẫn tiếp tục tăng giá", bà Louise Street nói.

Cũng theo bà Louise Street, WGC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở một số khu vực như Ấn Độ và Đông Nam Á, trong khi nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ có thể sẽ tiếp tục suy giảm khi nền kinh tế giảm sút.

Tin liên quan
Tin khác