Tổng công ty Viglacera (mã VGC - HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 với kết quả kinh doanh vượt trội.
Theo đó, doanh thu thuần nửa đầu năm đạt gần 2.888 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Đóng góp lớn trong doanh thu của Viglacera là từ cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng (1.667 tỷ đồng). Doanh thu phí dịch vụ quản lý và vận hành khu công nghiệp, khu đô thị, chung cư cũng đem về cho công ty 181 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bán các sản phẩm kính gương, sứ, sen vòi và phụ kiện, bán hàng bất động sản cũng là những lĩnh vực đem về hàng trăm tỷ đồng doanh thu cho công ty.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ tăng 27%, giúp công ty ghi nhận lãi gộp hơn 930 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng tăng 50% lên 69,6 tỷ đồng.
Mặc dù các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý đều tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Viglacera vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 732 tỷ đồng, lãi sau thuế 599,3 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Viglacera đạt 13.006 tỷ đồng, giảm 4,5% so với đầu năm.
Trong đó, hàng tồn kho là 2.174 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu kỳ. Phần lớn giá trị hàng tồn kho được ghi nhận là từ Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang bất động sản, xây dựng (1.524 tỷ đồng). Dự án mà Viglacera đang ghi nhận chi phí dở dang lớn nhất là Tổ hợp Văn phòng Thương mại Khách sạn và nhà ở - Số 1 Đại lộ Thăng Long với 334 tỷ đồng.
Tính đến cuối kỳ, Viglacera đang ghi nhận gần 68 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có nhiều khoản nợ từ các công ty “họ” Viglacera như CTCP Bê tông khí Viglacera, CTCP Tư vấn Viglacera… Đáng chú ý, một doanh nghiệp niêm yết khác là CTCP Tập đoàn FLC cũng nằm trong “danh sách đen” của Viglacera với khoản nợ xấu 2,8 tỷ đồng và được trích lập dự phòng toàn bộ, không có khả năng thu hồi.
Caption ảnh |
Về chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tính đến 30/6/2021, giá trị mà Viglacera ghi nhận là 2.632 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu kỳ. Giá trị chủ yếu được ghi nhận trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang nằm tại các dự án khu công nghiệp.
Caption ảnh |
Viglacera đang đầu tư vào nhiều công ty con, công ty liên kết, liên doanh với tổng giá trị các khoản đầu tư là 2.125 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng 350 tỷ đồng. Giá trị khoản dự phòng lớn nhất mà Viglacera trích lập là từ khoản đầu tư vào CTCP Kính Viglacera Đáp Cầu, giá gốc đầu tư 280,65 tỷ đồng, dự phòng 248 tỷ đồng.
Mặc dù tổng tài sản rất lớn nhưng vay và nợ thuê tài chính của Viglacera không đáng kể, tính đến 30/6/2021 chỉ có 90,65 tỷ đồng vay nợ tài chính ngắn hạn, 172,5 tỷ đồng vay nợ tài chính dài hạn.
Tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của Viglacera là 6.234,5 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 4.483,5 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất vẫn được Viglacera ghi nhận là Bộ Xây dựng, nắm 38,58%. Tuy nhiên, 2 cổ đông thuộc nhóm Gelex là Tập đoàn Gelex và CTCP Thiết bị điện Gelex đang nắm tổng cộng 50,21% vốn điều lệ của Viglacera.
Caption ảnh |
Mới đây, HĐQT CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX - HoSE) đã phê duyệt phương án góp vốn vào công ty con là Gelex Hạ tầng thông qua việc mua cổ phần chào bán thêm.
Theo đó, trong đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tới đây của Gelex Hạ tầng, Tập đoàn Gelex dự kiến mua vào gần 343 triệu cổ phần của công ty con này với giá 10.000 đồng/đơn vị. Tổng giá trị vốn góp lên tới 3.429 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn số vốn góp này được Tập đoàn Gelex thực hiện thông qua chuyển giao hơn 138 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Viglacera - CTCP, tương ứng 30,98% vốn sang cho Gelex Hạ tầng.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2021. Mục tiêu góp vốn lần này là nhằm chuyển toàn bộ cổ phiếu VGC mà Tập đoàn Gelex đang sở hữu sang cho Gelex Hạ tầng, qua đó giúp Tập đoàn quản lý tập trung theo kế hoạch tái cấu trúc và sắp xếp sở hữu vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn.
Được biết, Hạ tầng Gelex là công ty con của Tập đoàn Gelex, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, nước sạch.