Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus tại Việt Nam. |
Thương vụ lớn và cái bắt tay chiến lược với Masan
Tuần qua, De Heus Việt Nam (Hà Lan) chính thức thông báo việc sẽ mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed (bao gồm 100% Anco và 75,2% Proconco) của Tập đoàn Masan.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song với việc mua lại mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của MNS Feed, bao gồm 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy premix, với tổng công suất lên tới gần 4 triệu tấn, De Heus có thể củng cố vị thế của mình trên thị trường thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á.
Năm ngoái, doanh thu của De Heus chỉ là 12.763 tỷ đồng, nhưng nếu tính gộp cả phần của MNS Feed, thì con số sẽ lên tới 26.510 tỷ đồng, vượt cả “gã khổng lồ” C.P Việt Nam (20.845 tỷ đồng).
Chia sẻ với báo giới, chính ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á cho biết, việc mua lại 14 hay bao nhiêu nhà máy không quan trọng, mà quan trọng là De Heus có thể mua lại hai nhãn hiệu thức ăn chăn nuôi Anco và Proconco - những thương hiệu nổi tiếng ở thị trường Việt Nam.
“Mục tiêu chính trong thương vụ này là giúp chúng tôi sở hữu 22 nhà máy ở khắp đất nước, giúp De Heus đứng đầu thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập. Người chăn nuôi heo, gia cầm, bò, thuỷ sản sẽ có nhiều lựa chọn hơn”, ông Gabor Fluit nói.
Với việc có 22 nhà máy, De Heus Việt Nam cũng trở thành công ty sở hữu số lượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhiều nhất của De Heus trên toàn cầu. Hiện nay, De Heus có hơn 80 nhà máy trên toàn cầu và nằm trong Top 15 tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới.
Không chỉ mua lại mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan, De Heus và Masan còn ký thỏa thuận chiến lược, theo đó, De Heus sẽ cung ứng thức ăn chăn nuôi và heo thịt dài hạn cho Masan. Với cú bắt tay hợp tác này, De Heus và Masan có thể tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food) tại Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi bên.
Thương vụ này, vì thế, có thể coi là “vẹn cả đôi đường”, khi một bên muốn tập trung vào mảng thức ăn chăn nuôi và bên kia muốn đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt mát. Cả hai mảng kinh doanh này đều đang có tiềm năng phát triển rất lớn tại thị trường Việt Nam.
Nuôi tham vọng lớn
Không quá khó hiểu vì sao De Heus lại lựa chọn cách mua lại mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan. Người muốn bán, kẻ muốn mua, đều có những tham vọng và chiến lược riêng của mình.
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là rất “màu mỡ”, với quy mô thị trường đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2020 và liên tục có mức tăng trưởng 13-15%/năm trong những năm gần đây. Thậm chí, theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 28-30 triệu tấn trong vòng 5 năm tới, với giá trị 12-13 tỷ USD. Đây sẽ là “miếng bánh” ngon mà các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi nhắm tới.
Thực tế, Việt Nam hiện có 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó, có 85 nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài. Số lượng ít, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 65% thị phần. Trong đó, C.P Việt Nam, Cargill Việt Nam, Japfa, De Heus, Proconco… là những cái tên hàng đầu. Mua thêm các nhà máy của Proconco và Anco, De Heus chẳng khác nào “hổ mọc thêm cánh”.
Trên thực tế, De Heus cũng thường lựa chọn con đường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) để mở rộng hệ thống sản xuất tại Việt Nam. Năm 2008, De Heus vào Việt Nam cũng thông qua việc mua hai nhà máy tại Bình Dương và Hải Phòng. Trên toàn cầu, De Heus cũng đã thực hiện nhiều thương vụ M&A thành công, giúp De Heus và các công ty này phát huy thế mạnh của mỗi bên một cách hiệu quả.
“Chúng tôi tin rằng, việc việc sáp nhập với một công ty thành công trong mảng thức ăn chăn nuôi như Proconco và Anco sẽ là sự bổ trợ chiến lược giúp De Heus đẩy nhanh tiến độ đạt được các mục tiêu chiến lược của mình”, đại diện của De Heus nói.
Mua mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan chính là cách để De Heus nhanh chóng gia tăng thị phần, chiếm thêm “phần bánh ngon” của thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Từ vị trí thứ ba, De Heus có thể vươn lên vị trí cao hơn, dù chia sẻ với báo giới, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á khẳng định: “Chúng tôi không đặt mục tiêu chiếm bao nhiêu thị phần tại Việt Nam”.
Mặc dù vậy, ông Gabor Fluit cũng cho biết, De Heus muốn xây dựng các chuỗi liên kết thành công, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. “Nếu các chuỗi liên kết này thành công, thì đương nhiên, thị phần của doanh nghiệp trong mảng thức ăn chăn nuôi cũng sẽ tăng lên”, ông Gabor Fluit nói.
Theo chia sẻ của ông Johan van den Ban, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia, trong thời gian tới, De Heus sẽ tiếp tục phát triển các dự án chuỗi mới nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị và góp sức giúp người chăn nuôi, nuôi trồng và các đại lý kinh doanh thành công hơn nữa.
“Thỏa thuận này khẳng định cam kết của chúng tôi trong sứ mệnh nâng tầm chuỗi giá trị đạm động vật ở Việt Nam, góp phần đưa thực phẩm sạch, an toàn, được nuôi trồng và sản xuất theo hướng bền vững đến gần hơn với người tiêu dùng Việt. Cùng với những người chăn nuôi độc lập, các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, các đối tác chiến lược và toàn thể cán bộ - công nhân viên, chúng tôi đã sẵn sàng cho sự phát triển và thành công hơn nữa”, ông Johan van den Ban nhấn mạnh.
Tháng 6/2020, De Heus đưa vào vận hành nhà máy giết mổ gia cầm tại Thường Tín (Hà Nội).
Tháng 9/2020, De Heus đã cùng Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk.
Tháng 4/2021, De Heus cùng Bel Gà (Bỉ), Tập đoàn Hùng Nhơn khánh thành Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh…
Trong những năm gần đây, De Heus đã mở rộng danh mục đầu tư sang các quốc gia mới và ngành hàng dinh dưỡng mới, cũng như các nhóm động vật. Chiến lược đầu tư này cũng đang được thực hiện tại thị trường Việt Nam.