PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với 1 dịch bệnh. Covid-19 là thí dụ điển hình về PHEIC, vừa được WHO tuyên bố kết thúc vào ngày 5/5 vừa qua sau hơn 3 năm.
Ảnh minh họa |
Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus cho biết, sau khi số ca nhiễm giảm mạnh, ông đã chấp nhận đề nghị của Ủy ban khẩn cấp WHO về đậu mùa khỉ về việc dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất.
Trước đó, trong cuộc họp của ủy ban này, ông Ghebreyesus cho biết, số ca đậu mùa khỉ được báo cáo trên toàn cầu trong 3 tháng qua ít hơn tới 90% so với số ca của 3 tháng trước đó.
Theo số liệu mới nhất của WHO, từ đầu năm 2022 đến ngày 8/5 vừa qua, đã có trên 87.000 người mắc bệnh đầu mùa khỉ tại trên 100 nước trên thế giới.
Được biết, tháng 7/2022, ông Tedros tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là một tình huống “bất thường” và là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Khi làm như vậy, ông đã bác bỏ ý kiến từ ủy ban chuyên gia của WHO, vốn không khuyến nghị chỉ định bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Các cơ quan y tế châu Âu cho biết 98% bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ là nam giới và 96% trong số này có quan hệ tình dục đồng giới.
Theo AP, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở một số vùng thuộc Trung và Tây Phi trong nhiều thập niên qua nhưng không gây ra đợt bùng phát lớn nào bên ngoài lục địa này. Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, cơ quan y tế ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số nơi khác đã ghi nhận hàng chục ca nhiễm bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra phát ban, sốt, đau đầu, đau cơ và sưng hạch bạch huyết. Các tổn thương da có thể kéo dài đến 1 tháng. Người bình thường có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần gũi với cơ thể, quần áo hoặc ga trải giường của bệnh nhân.