Thời sự
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nam Định: Điểm sáng ngành y
Lã Quý Hưng - 27/02/2014 16:30
Hơn 50 năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Nam Định luôn luôn là điểm sáng của ngành y tế trên cả 2 mặt công tác: điều trị nội trú và phòng chống lao, được Ban điều hành Chống lao quốc gia đánh giá là một địa phương có hoạt động chống lao mạnh toàn quốc. Vinmec có trung tâm chuyên sâu về ung bướu

Bệnh viện xuất sắc toàn diện

Thực hiện nhiệm vụ chính trị điều trị bệnh nhân lao và bệnh phổi, nhiều năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Nam Định luôn luôn chấp hành nghiêm túc quy chế bệnh viện của Bộ Y tế; thực hiện tốt các chế độ chuyên môn theo quy định như giao ban ngày, tuần và hàng tháng, tổ chức hệ thống thường trực 4 cấp, chế độ hội chẩn, bình bệnh án và hội thảo kỹ thuật nâng cao trình độ chuyên môn...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đức Long, Giám đốc Sở Y tế Nam Định
Bùi Thị Minh Thu cùng Giám đốc bệnh viện Dương Văn Toán
tặng quà cho bệnh nhân

Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng triển khai và làm cho cán bộ, nhân viên y tế thấm nhuần 12 điều y đức do Bộ Y tế ban hành; triển khai đường dây nóng và hòm thư góp ý tại các khoa phòng, phòng tiếp công dân để lắng nghe ý kiến phản ánh về trách nhiệm, thái độ phục vụ với tinh thần “Đến đón tiếp niềm nở, ở tận tình chăm sóc, về dặn dò chu đáo”, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc bệnh nhân lao điều trị không phải trả tiền thuốc điều trị lao đặc hiệu và Chỉ thị 05/CT-BYT của Bộ Y tế về vấn đề cung ứng thuốc phục vụ người bệnh, những năm qua, Bệnh viện đã thực hiện tốt quy định này.

Đồng thời, Bệnh viện làm tốt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có thẻ bảo hiểm và các đối tượng chính sách theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động được Bệnh viện tập trung nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Chỉ tính trong 6 năm, mỗi năm, Bệnh viện triển khai hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, điển hình như các đề tài: “Điều tra đánh giá nguy cơ nhiễm lao lần I và lần II của người dân trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 - 2010”, “Nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật y học vào phòng chống bệnh hen phế quản tại Nam Định, giai đoạn 2010-2012”, “Dịch tễ học bệnh phổi tắc nghẽn, viêm phế quản mạn tính ở Việt Nam và các biện pháp dự phòng, điều trị - mã số KC.10.02/06.10” (đề tài cấp bộ). Sau khi được nghiệm thu, Bệnh viện đã áp dụng tốt các đề tài vào công tác điều trị và phòng chống lao.

Xác định chất lượng đội ngũ thầy thuốc quyết định chất lượng điều trị, trong những năm qua, Bệnh viện luôn coi trọng công tác đào tạo. Bệnh viện đã cử 2 bác sỹ đi học chuyên khoa I; 5 điều dưỡng trung cấp đi học cử nhân điều dưỡng, 6 điều dưỡng trung học đi học cao đẳng điều dưỡng, 3 cán bộ học xét nghiệm, 1 cán bộ học điện tim - siêu âm... Đến nay, trong 94 cán bộ, viên chức có 14 bác sỹ (bác sỹ CKII: 1, bác sỹ CKI: 3); 1 dược sỹ đại học; 1 đại học; 3 cử nhân điều dưỡng; 42 cao đẳng điều dưỡng...

Để đảm bảo điều kiện cho hoạt động điều trị, Bệnh viện tập trung thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đã đưa vào sử dụng 2 ngôi nhà 3 tầng và đang hoàn thiện nhà điều trị 3 tầng, đảm bảo tiếp nhận và điều trị tất cả bệnh nhân lao và bệnh phổi các tuyến cơ sở gửi đến. Hàng năm, Bệnh viện đều đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, máy siêu âm, máy điện quang tăng sáng truyền hình, máy xét nghiệm đảm bảo mục tiêu hiện đại hoá.

Do đó, trong nhiều năm qua, nhất là 6 năm trở lại đây, Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn nghiệp vụ, số bệnh nhân vào điều trị, tỷ lệ sử dụng giường bệnh, các chỉ tiêu về xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh đều vượt cao so với kế hoạch, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, liên tục được Bộ Y tế công nhận đạt danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”, UBND tỉnh công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”.

Làm tốt công tác phòng chống lao

Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình chống lao của tỉnh, Bệnh viện đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo các huyện, thành phố kiện toàn mạng lưới chống lao, duy trì hoạt động mạnh đều khắp cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, với 413 cán bộ chuyên trách cùng 2.780 cộng tác viên chống lao y tế thôn, xóm.

Bệnh viện đã chỉ đạo sát sao các tuyến làm tốt công tác phát hiện bệnh nhân lao, tập trung phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB(+) (nguồn lây chính nguy hiểm nhất), đồng thời nâng cao chất lượng chẩn đoán lao phổi AFB (-), lao ngoài lao và lao trẻ em... Thực hiện tốt phác đồ điều trị lao cho 100% bệnh nhân lao bằng phương pháp điều trị hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp; cung cấp đầy đủ thuốc men, hoá chất, y dụng cụ cho các tuyến, làm tốt công tác khám và điều trị.

Ngoài ra, Bệnh viện đã làm tốt công tác đào tạo lại, tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở. Chẳng hạn, trong 6 năm qua, đã tổ chức 5 lớp đào tạo cho các cán bộ trưởng khoa truyền nhiễm và cán bộ chuyên khoa lao của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 3 lớp nâng cao kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn lao cho các kỹ thuật viên xét nghiệm của khoa truyền nhiễm bệnh viện tuyến huyện; 3 lớp tập huấn chuyên môn về bệnh lao - HIV; 2 lớp tập huấn cho 100% cán bộ y tế xã, phường; tổ chức hàng trăm lớp giáo dục đồng đẳng ở tuyến huyện và 70 lớp ở Bệnh viện.

Tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình giám sát bệnh nhân điều trị ngoại trú, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí, thuốc và y dụng cụ. 100% các bệnh viện đa khoa huyện xây dựng phòng xét nghiệm vi khuẩn lao có đủ trang thiết bị xét nghiệm, đảm bảo xét nghiệm chính xác vi khuẩn lao. Mỗi năm, thực hiện kiểm định trên 2.000 tiêu bản dương tính, kiểm định lại 10% tiêu bản âm tính, với tỷ lệ sai sót 0,28%; thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện xét nghiệm HIV/AIDS trên bệnh nhân lao, tiêm vắc-xin BCG phòng bệnh lao, chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em.

Bên cạnh đó, Bệnh viện đẩy mạnh truyền thông giáo dục phòng, chống lao bằng nhiều hình thức, phong phú cả chiều sâu lẫn chiều rộng, với sự chỉ đạo phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể công đoàn, thanh niên, phụ nữ, trong đó trọng tâm là Ngày Toàn thế giới phòng chống lao 24/3.

Các giải pháp trọng tâm năm 2014

Về mục tiêu và giải pháp trọng tâm năm 2014, Bác sỹ CKII, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Dương Văn Toán cho biết, Bệnh viện sẽ phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch so với năm 2013, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Sở Y tế tỉnh Nam Định, Chương trình Chống lao quốc gia, chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em (ARI), từng bước phấn đấu đạt “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh” với các giải pháp chính sau:

- Thực hiện tốt Nghị quyết đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nội quy, quy chế của ngành và của đơn vị, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động. Hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Học tập và noi gương Anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm và phong trào cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, văn minh trong ứng xử. Nâng cao đạo đức, tinh thần phục vụ người bệnh xây dựng đơn vị ngày một vững mạnh.

- Thực hiện tốt quy chế chuyên môn bệnh viện, đặc biệt chú trọng quy chế thường trực cấp cứu, thực hiện tốt 12 điều y đức, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, triển khai một số kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới.

- Xây dựng, củng cố vững chắc mạng lưới chống lao và chương trình ARI trong tỉnh, triển khai và thực hiện tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế về tăng cường cán bộ bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Thực hiện tốt công tác phòng bệnh, tích cực tuyên truyền phòng chống bệnh lao và các bệnh xã hội khác, đặc biệt là lao/HIV, tiến tới xã hội hóa công tác chống lao.

- Ổn định tổ chức, mỗi cá nhân, tổ, khoa, phòng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình; các ban, các hội đồng hoạt động có chất lượng phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đẩy mạnh công tác học tập, nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến, đào tạo tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

- Đẩy nhanh tốc độ thực hiện Dự án Cải tạo và nâng cấp Bệnh viện của UBND tỉnh, Dự án Nâng cấp trang thiết bị, nhà hành chính, nhà tập phục hồi chức năng, nhà cầu, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phòng, chống các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm HIV/AIDS và trái phiếu chính phủ.

Tranh thủ sự giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở Y tế, Dự án Phòng chống lao - Bệnh viện Phổi trung ương, tạo nguồn tăng kinh phí mua trang thiết bị. Trước mắt, tập trung hoàn thiện nhà điều trị 3 tầng, xây dựng nhà cầu nối các nhà, hệ thống sân, vỉa hè và đầu tư máy nội soi khí quản ống mềm, máy X-quang kỹ thuật số, máy chụp cắt lớp CT để thực hiện tốt các kỹ thuật chuyên sâu.

Tin liên quan
Tin khác