Đường dây cho vay nặng lãi tại Lào Cai bị triệt phá hồi tháng 7/2022 |
Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2022, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo NHNN, hiện nay chỉ có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và hơn 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021. Vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng, tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng. Ngoài ra, Việt Nam còn có 4 tổ chức tài chính vi mô với dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng.
Đồng thời, sự phát triển về quy mô của thị trường còn được thể hiện qua việc liên tục có các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các công ty tài chính Việt Nam, điển hình như Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (được Shinhan Bank Việt Nam mua lại và thiết lập hệ sinh thái tài chính cùng với Shinhan Securities và Shinhan Life), Lotte Finance - công ty con của Lotte Card là công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng sở hữu mạng lưới dịch vụ và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc…
Với sự phát triển này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…; qua đó hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.
Công ty tài chính chật vật vì tín dụng đen núp bóng
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám Đốc công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (thương hiệu FE CREDIT) cho hay, hiện nay, tín dụng đen nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt chúng hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển các ứng dụng (app) cho vay. Thậm chí, nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app cho vay uy tín. Với việc hoạt động dưới dạng Fintech nên rất khó để quản lý, kiểm soát các app này. Điều này cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty tài chính. Về mặt dài hạn, có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho tín dụng đen phát triển.
“Các đối tượng lừa đảo lợi dụng uy tín của các công ty tài chính được NHNN cấp phép như FE Credit để chiếm đoạt tiền của người dân thông qua các chiêu trò như tin nhắn mạo danh thương hiệu, gửi các đường link giả mạo trang web công ty, đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt sim điện thoại… khiến người dân hoang mang và từ chối tiếp nhận các cuộc gọi, tiếp xúc từ nhân viên công ty tài chính. Thậm chí, đối với các trường hợp nghi ngờ gian lận, nhân viên công ty cũng không thể liên hệ để xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng vì khách hàng cho rằng đó là các cuộc gọi lừa đảo”, ông Phúc cho biết.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong 3 năm qua, lực lượng Công an đã phát hiện hơn 2.700 vụ, khởi tố gần 3.400 bị can liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, riêng tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự đã tiếp nhận, phát hiện gần 1.600 vụ.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự nhận định, hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng chuyển hướng lập các doanh nghiệp “núp bóng”, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật… Các ứng dụng cho vay nặng lãi thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Chẳng hạn, vào tháng 7/2022, cơ quan Công an đã triệt phá đường dây cho vay qua ứng dụng tại Lào Cai. Các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cho vay các gói từ 2-7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm. Điều tra ban đầu xác định có gần 160.000 người đã vay qua các ứng dụng do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.
Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance), các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ và phải đối mặt cạnh tranh với các công ty Fintech (gồm P2P - cho vay ngang hàng, vay qua ứng dụng, vay ngày …), chuỗi cầm đồ… - các công ty, tổ chức này không bị quản lý chặt chẽ bởi Luật Các tổ chức tín dụng.