Lời đáp trả của Huawei
Không còn những phần mềm quen thuộc của Google, không có chip 5G của Qualcomm, giới công nghệ tưởng rằng Huawei đã bị dồn đến đường cùng sau các lệnh cấm từ Mỹ. Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ của xứ tỷ dân không chịu khuất phục một cách dễ dàng.
Theo báo cáo của TechInsights, Huawei đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng thị phần smartphone cao cấp toàn cầu năm 2023, chỉ xếp sau Apple và Samsung. Thậm chí, thị phần của công ty còn tăng từ mức 3% trong năm 2022 lên mức 5% vào năm 2023.
Dòng điện thoại Mate 60 giúp Huawei quay trở lại đường đua smartphone cao cấp. Ảnh: Huawei |
Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu này còn kỳ vọng HarmonyOS của Huawei sẽ đánh bại iOS của Apple để trở thành hệ điều hành smartphone phổ biến thứ hai tại Trung Quốc vào năm 2024, chỉ xếp sau Android của Google.
Nguyên nhân giúp Huawei có có thể quay trở lại đường đua smartphone chính là nhờ sự chào sân của dòng điện thoại cao cấp Mate 60. Việc hãng có thể ra mắt mẫu máy này là một điều bất ngờ, nhất khi các nguồn cung ứng chip quen thuộc đã bị chặn đứng.
Theo South China Morning Post, chính Công ty SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, đã cứu Huawei “một bàn thua trông thấy”. Đây chính là đơn vị đã đứng ra sản xuất chip Kirin 9000s cho dòng Mate 60.
Bất chấp các lệnh cấm từ Mỹ, SMIC chỉ mất 2 năm để có thể sản xuất thành công chip 7 nm có trên Kirin 9000s. Theo ông Long Le, người đứng đầu khoa kinh doanh quốc tế tại Đại học Santa Clara, để đạt được tiến trình tương tự, TSMC phải mất tới 3 năm. Thậm chí, Samsung còn phải làm tận 5 năm.
Dẫu vậy, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vẫn bị bỏ lại một khoảng cách khá xa so với thế giới. Đối chiếu với TSMC, công ty này đã có thể sản xuất chip có tiến trình 3nm. Hiện niềm tự hào của Đài Loan đang là đối tác quan trọng của Apple. Dòng chip A17 Pro có trên những mẫu iPhone 15 Pro chính là do một tay TSMC sản xuất.
Ngoài ra, về mặt phần mềm, Huawei cũng đã có những pha “ứng đối” rất nhanh. Chỉ 3 tháng sau khi bị Mỹ liệt vào “danh sách thực thể”, tất cả smartphone của Huawei đều chuyển sang chạy HarmonyOS. Đây là một phiên bản hệ điều hành thay thế Android do hãng tự phát triển.
Huawei không đơn độc
Theo TechInsights, dòng điện thoại Huawei Mate 60 đã làm khơi dậy làn sóng yêu nước trong lòng người tiêu dùng Trung Quốc. Chính sự ủng hộ của các khách hàng nội địa đã giúp công ty có trụ sở ở Thâm Quyến có thể trụ vững tới ngày nay.
Không chỉ vậy, Huawei còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía nhiều doanh nghiệp trong nước. Trong bản cập nhật HarmonyOS Next, hãng đã không còn cho phép cài đặt các ứng dụng Android thông thường với file APK. Với sự thay đổi này, nhiều ứng dụng sẽ phải làm lại để có thể chạy được trên các mẫu máy của Huawei.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng viết lại ứng dụng để tương thích với HarmonyOS. Ảnh: Pexels |
Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẵn lòng thực hiện điều đó, trong đó bao gồm cả những “ông lớn” như Ant Group. Công ty này đang xây dựng phiên bản mới của ứng dụng thanh toán di động Alipay dựa trên nền HarmonyOS. Trước đó, Alibaba cũng đã phát triển phiên bản mới của DingTalk, ứng dụng cộng tác tại nơi làm việc, cho nền tảng này.
Các công ty Internet lớn khác của Trung Quốc như sàn thương mại điện tử JD.com, “gã khổng lồ” trò chơi điện tử NetEase và hãng dẫn đầu thị trường giao đồ ăn Meituan cũng đang tuyển dụng đội ngũ lập trình viên để tạo ra ứng dụng trên HarmonyOS.
Trong một phát biểu vào tháng 8/2023 của ông Richard Yu Chengdong, Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, hiện có hơn 700 triệu thiết bị đang chạy HarmonyOS, với hơn 2,2 triệu nhà phát triển bên thứ ba tạo ứng dụng cho nền tảng này.
Năm 2024 sẽ đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng của Huawei. Đây không chỉ là thời điểm mà HarmonyOS Next được chính thức ra mắt, mà còn là giai đoạn chuỗi cung ứng chip dần đi vào ổn định.
Thêm vào đó, Huawei nhiều khả năng sẽ ra mắt thêm các dòng điện thoại Nova nhắm vào phân khúc tầm trung. Đây mới thực sự là thị trường có sức lan tỏa lớn và có khả năng mang HarmonyOS Next đến với phần đông khách hàng tại Trung Quốc cũng như trên thế giới.