Đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu |
Đại biểu Cù Thị Hậu đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bỏ quy định tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với người chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo.
Theo bà Cù Thị Hậu, những người phải chấp hành hình phạt tù do lỗi của họ theo các quy định khác của pháp luật, nhưng về nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là đóng và hưởng tương ứng với nhau.
Trước khi chấp hành hình phạt tù, người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở đó, bản thân người lao động đóng thì họ đương nhiên phải được hưởng. Họ bị phạt tù không phải do vi phạm quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà là căn cứ theo các điều khoản quy định khác của pháp luật.
“Như các đồng chí đều biết là những gia đình, con cái, người ta đã khổ như thế nào khi mà bố hoặc mẹ bị phạt tù; nhất là những đứa con có thể bị thất học do nguồn kinh tế của gia đình rất là khó khăn. Chính vì vậy mà tôi nghĩ là dự thảo luật nên bỏ quy định tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp khi chấp hành hình phạt tù. Ban soạn thảo nên nghiên cứu cho phép những người chấp hành hình phạt tù nhưng vẫn được hưởng lương hưu, trợ cấp để cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn, con cái họ được học hành, gia đình họ được chăm lo”, Đại biểu Cù Thị Hậu xúc động nói!
Các đại biểu Cao Thị Xuân (tỉnh Thanh Hóa), đại biểu Nguyễn Trung Thu (tỉnh Long An) cũng góp ý với nhiều điều khoản của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo các đại biểu này, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng/hưởng bảo hiểm xã hội trong điều kiện tuổi nghỉ hưu đã được quy định trong Bộ luật Lao động. Dự thảo Luật cũng cần giảm thiểu các tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đảm bảo tiền lương hưu đối với người lao động khi nhận được không bị sụt giảm nhiều so với trước với yêu cầu là người lao động không nên nghỉ hưu sớm.
Một số đại biểu đề xuất giao thẩm quyền thanh tra đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội vì cơ quan bảo hiểm xã hội đã được nhà nước giao trách nhiệm đối với việc trụ cột an sinh xã hội, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy. Việc bổ sung chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội và bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho tổng giám đốc bảo hiểm xã hội, giảm đốc cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và trưởng đoàn thanh tra thuộc chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội các địa phương là cần thiết để tránh tình trạng doanh nghiệp và người lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều điểm mới như: đã bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và đối tượng người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia, có chính sách hỗ trợ tiền đóng nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Một điểm mới nữa của dự thảo Luật lần này là đã bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày hoặc 7 ngày tùy thuộc sinh thường hoặc sinh con phải phẫu thuật.
Quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cũng được bổ sung. Cụ thể, từ năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và từ năm 2020 đối với các nhóm đối tượng còn lại, theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành....
Công thức tính hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được sửa đổi để đảm bảo cân đối giữa mức đóng góp và mức thụ hưởng, công bằng giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ở các khu vực, thành phần kinh tế khác nhau, đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ.
Xem chi tiết dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại đây.
Xem chi tiết báo cáo giải trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại đây
Hà Quang