Kết quả siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho thấy nhiều polyp trên thành túi mật, trong đó kích thước lớn nhất khoảng 1 cm.
Ảnh minh họa. |
TS.Phạm Công Khánh, Trưởng Khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết nữ bệnh nhân bị đa polyp túi mật.
Polyp túi mật có nhiều loại như polyp cholesterol, u cơ tuyến túi mật, polyp viêm, polyp phì đại thể cơ tuyến, khoảng 95% lành tính. Trong đó, polyp cholesterol chiếm đa số khoảng 40-70%, hình thành do lắng đọng của cholesterol bám vào niêm mạc túi mật.
Polyp nhiều, lan rộng và kèm sỏi như bệnh nhân này có nguy cơ cao tiến triển thành ác tính. Người bệnh cần được phẫu thuật sớm, phòng biến chứng nguy hiểm như ứ trệ dịch mật, rối loạn tiêu hóa, viêm túi mật, viêm đường mật, ung thư túi mật. Loại ung thư này có tiên lượng xấu vì tỷ lệ sống sót sau 5 năm thấp.
Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Sau gây mê nội khí quản, bác sỹ đưa dụng cụ nội soi vào bụng với 3 lỗ nhỏ, cắt túi mật. Túi mật lấy ra có vách mỏng, lòng túi chứa nhiều polyp với nhiều kích thước khác nhau. Hậu phẫu, người bệnh không đau, đi lại, ăn uống tốt, xuất viện sau một ngày. Kết quả giải phẫu ghi nhận polyp cholesterol lành tính.
Nguyên nhân gây polyp túi mật đến nay vẫn chưa xác định chính xác. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ như người trên 50 tuổi, người bệnh tiểu đường, kích thước polyp tăng bất thường, mắc bệnh sỏi mật.
Phần lớn polyp túi mật thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm, chụp MRI, CT bụng. Trong đó, siêu âm là kỹ thuật không xâm lấn, thực hiện nhanh chóng, không đau, an toàn với độ nhạy và độ đặc hiệu tốt đối với polyp túi mật.
Thông thường, polyp túi mật có kích thước dưới 1 cm sẽ không thay đổi sau nhiều năm, người bệnh chỉ cần tái khám theo dõi định kỳ. Phẫu thuật cắt bỏ polyp được chỉ định trong trường hợp kích thước từ 1 cm trở lên hoặc polyp không cuống từ 0,6 cm trở lên hoặc polyp từ 0,6 cm trở lên ở người từ 50 tuổi.
Nguyên nhân gây polyp túi mật hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Theo đó, túi mật là một cơ quan có kích thước bằng quả lê, nằm bên dưới gan, thực hiện chức năng lưu trữ và cô đặc mật (muối mật, cholesterol, chất béo và sắc tố mật).
Sau đó, cơ thể sử dụng mật để phân hủy và hấp thụ chất béo. Polyp có thể dễ hình thành hơn nếu quá trình phân hủy chất béo không diễn ra thuận lợi.
Polyp túi mật ác tính thường hiếm gặp. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành, bao gồm người trên 50 tuổi; người mắc bệnh tiểu đường; kích thước polyp tăng bất thường; người mắc sỏi mật; triệu chứng polyp túi mật…
Các triệu chứng của polyp túi mật thường không đặc hiệu và rõ ràng, nhiều trường hợp còn không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Do đó, tổn thương này thường được phát hiện tình cờ trong quá trình thăm khám. Một số người bệnh có polyp đôi khi nhận thấy những triệu chứng sau: nôn, buồn nôn.
Thỉnh thoảng đau vùng hạ vị do các mảnh cholesterol tách ra khỏi niêm mạc, khó tiêu; vàng da. Polyp đôi khi được xác định thông qua siêu âm ổ bụng, thực hiện khi người bệnh bị đau vùng phần tư phía trên bên phải. Trong trường hợp không có các bất thường khác, polyp túi mật được coi là nguồn gốc của cơn đau quặn mật.
Ngoài ra, không có sự khác biệt trong triệu chứng giữa người bệnh mắc polyp lành tính và ác tính. Trong một phân tích hồi cứu lớn phát hiện có polyp túi mật trên siêu âm bụng.
Kết quả như sau: 64% được chẩn đoán trong quá trình điều trị bệnh không liên quan. 23% có các triệu chứng bất thường ở bụng. 13% cho kết quả xét nghiệm chức năng gan tăng cao.
Polyp cholesterol có thể tách ra và biểu hiện lâm sàng như sỏi mật, gây đau quặn mật, tắc mật, thậm chí là viêm tụy. Thực tế đã có nhiều báo cáo cho thấy polyp gây viêm túi mật không do sỏi, thậm chí là xuất huyết ồ ạt.
Các triệu chứng có thể liên quan đến polyp chẳng hạn như polyp cholesterol, polyp viêm hoặc tăng sản, bao gồm khó tiêu, đau hạ sườn phải, khó chịu…
Để phòng ngừa polyp túi mật, theo các chuyên gia y tế người dân cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống cũng có thể giúp ngăn ngừa tối đa tình trạng hình thành polyp túi mật, bao gồm tránh thức đồ chiên nướng hoặc chứa nhiều chất béo; tránh ăn thực phẩm giàu cholesterol và thực phẩm chế biến sẵn.
Tránh uống sữa có nhiều chất béo, đồ uống có gas. Ăn nhiều trái cây và rau quả. Tăng cường bổ sung axit béo Omega-3. Thêm gừng và nghệ vào thực đơn hàng ngày.
Bên cạnh đó, người dân cần khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần hoặc khi có triệu chứng bất thường. Phát hiện bệnh sớm polyp túi mật giúp theo dõi và có hướng điều trị phù hợp, phòng biến chứng nguy hiểm.