- Bình Định khẩn trương lắp camera tại các mỏ khoáng sản để chặn khai thác “chui”
- Quảng Nam: Dừng khai thác nếu mỏ khoáng sản gây sạt lở bờ sông, đất canh tác
- Quảng Nam: Đấu giá khai thác khoáng sản phải được nhân dân trong vùng dự án đồng thuận
- Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra 14 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng
UBND tỉnh Bình Định có chỉ đạo liên quan tới 2 mỏ đất san lấp tại núi Chà Rây, thị xã An Nhơn (UBND tỉnh đã cấp phép khai thác để phục vụ thi công Dự án Tuyến đường kết nối từ Trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại và Dự án Khu vực 1, Khu dân cư dọc Quốc lộ 19 (mới) xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước):
Cụ thể, UBND tỉnh giao Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh và Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh làm việc, yêu cầu Công ty TNHH XD Thuận Đức và Công ty TNHH Hiếu Ngọc nghiêm túc thực hiện việc khai thác theo Giấy phép; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tưới nước đường công vụ, che chắn vật liệu trong quá trình vận chuyển để tránh rơi vãi, gây bụi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực; nếu thực hiện không tốt để xảy ra tình trạng khiếu nại khiếu kiện thì chủ đầu tư và chủ mỏ khai thác phải chịu trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với 2 mỏ khoáng sản này, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp khai thác đất vật liệu san lấp tại khu vực nêu trên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; trong đó, khẩn trương hoàn thành các nội dung về bể lắng, hệ thống mương thu gom, thoát nước mưa, kè chắn trước mùa mưa lũ để tránh nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng đi lại, canh tác của người dân và khu vực lân cận; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc gắn bảng thông báo tại khu vực khai thác nhằm công khai thông tin Giấy phép khai thác để các ngành chức năng, chính quyền và người dân theo dõi, giám sát; rà soát khu vực mỏ khai thác đất san lấp nêu trên và đề xuất xử lý khối lượng đá nhằm giải quyết tận thu khoáng sản, tạo thuận lợi để hoàn trả mặt bằng và tạo cảnh quan khu vực mỏ sau khai thác.
Đối với khu vực khai thác, thu hồi cát làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình thực hiện Dự án Nạo vét sông Kôn đoạn từ đập dâng Phú Phong đến khối Hoà Lạc, thị trấn Phú Phong và xã Tây Phú, huyện Tây Sơn (đã cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hiếu Ngọc), UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh và các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng tổ chức công khai Dự án Nạo vét sông Kôn đoạn từ đập dâng Phú Phong đến khối Hoà Lạc, thị trấn Phú Phong, xã Tây Phú và việc khai thác, thu hồi cát tại khu vực 1 và khu vực 3 của Dự án nêu trên để phục vụ thi công đường ven biển ĐT.639 cho các cơ quan, đơn vị và người dân biết để tham gia giám sát (nội dung này phải được triển khai, thực hiện trước khi tiến hành các hoạt động khai thác).
UBND huyện Tây Sơn phối hợp với Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh đôn đốc Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hiếu Ngọc khẩn trương tổ chức lập phương án cụ thể thi công nạo vét, khai thác cát để khơi thông dòng chảy phân kỳ theo từng giai đoạn và xây dựng phương án ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn tại khu vực mỏ trong hoạt động khai thác cát để gửi cơ quan chức năng thẩm định theo quy định; ký quỹ bảo trì đường bộ tu sửa hạ tầng trong quá trình vận chuyển khoáng sản, đảm bảo mật độ và tần suất vận chuyển phù hợp, đúng tải trọng để
Tỉnh yêu cầu không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân và các kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương; sử dụng xe vận chuyển cát phải có bảng hiệu công trình, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, đồng thời thông tin về hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng khai thác, vận chuyển cát, sỏi để các cơ quan chức năng, chính quyền và người dân địa phương giám sát; thành lập Tổ kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác nêu trên, đảm bảo việc khai thác thực hiện theo đúng phương án khai thác và Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không đúng vị trí, tọa độ đối với Dự án nêu trên nói riêng và trên địa bàn huyện Tây Sơn nói chung.
Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh được giao yêu cầu đơn vị thi công nghiêm túc thực hiện việc lắp đặt thiết bị quẹt thẻ xe ra vào khu vực khai thác, nạo vét cát và xe vận chuyển cát thi công công trình; có biện pháp kiểm đếm, giám sát số lượng xe vận chuyển, khối lượng cát vật liệu thi công công trình; đảm bảo việc sử dụng cát đúng theo mục đích phục vụ công trình giao thông đã được UBND tỉnh chấp thuận; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng sử dụng khối lượng khai thác không đúng mục đích, gây thất thoát nguồn tài nguyên.
Đối với 4 mỏ đất thuộc điểm mỏ TDTS27, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn để phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam, UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án 85 chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh làm việc với các nhà thầu đã được chấp thuận khai thác tại khu vực nêu trên để thống nhất tuyến đường vận chuyển đất vật liệu san lấp, tránh gây bụi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực trong quá trình khai thác, vận chuyển đất.
Đối với mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình thực hiện Dự án Đập dâng Phú Phong, huyện Tây Sơn đã cấp phép cho Công ty cổ phần Xây dựng 47, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh (chủ đầu tư Dự án đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân) và Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư công trình đập dâng Thạnh Hòa 1 thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá) tổ chức thực hiện nghiêm công tác giám sát và nghiệm thu khối lượng đối với Công ty cổ phần Xây dựng 47, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp theo dõi, quản lý theo quy định.
Liên quan đến mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại sông Kôn, xã Tây Xuân, xã Bình Hòa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn đã cấp phép cho Công ty cổ phần đầu tư Phú Hưng Hà Nội, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Tây Sơn và các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra cụ thể khối lượng đã khai thác thực tế (kể cả phần trữ lượng cát doanh nghiệp đang tập kết ven bờ sông), đối chiếu số liệu, chứng từ với cơ quan thuế so với khối lượng đã cấp phép theo Giấy phép số 154/GP-UBND ngày 28/11/2022, chủ động xử lý theo quy định pháp luật, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 10/10/2023.