Thời sự
Bình Định hướng tới trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu
Hoàng Anh - 28/03/2014 07:15
Với chiều dài bờ biển trên 134 km, 1.440 km2 diện tích vùng nội thủy và 40.000 km2 diện tích lãnh hải, Bình Định hội đủ điều kiện cơ bản để trở thành địa phương có ngành kinh tế biển phát triển vượt trội.  
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Xuất khẩu nông sản bứt phá trong quý I/2014
Xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản bền vững
Sẵn sàng cho một Festival thủy sản đặc sắc
Mở toang cửa đầu tư thủy sản
Thủy sản Việt Nam hội nhập và phát triển

Sức mạnh kinh tế biển

Tính đến cuối năm 2013, Bình Định có 7.344 tàu cá, trong đó có 2.744 tàu có công suất 90 CV trở lên, với 21.800 thuyền viên, hoạt động khai thác chủ yếu các nghề lưới vây, lưới rê, lưới kéo, câu mực, câu cá ngừ đại dương và câu khơi ngư trường.

Bình Định có 7.344 tàu cá, trong đó có 2.744 tàu có công suất 90 CV trở lên

Ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, tàu thuyền khai thác hải sản tại Bình Định ngày càng có xu hướng vươn ra khơi xa.

Lực lượng tàu thuyền đánh bắt rộng khắp tất cả ngư trường trên cả nước, trải dài khu vực Biển Đông và vùng hoạt động giáp ranh với các nước Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, Thái Lan.

Theo ông Dũng, sản lượng đánh bắt hàng năm của tỉnh đạt gần 170.000 tấn, trong đó sản lượng cá ngừ (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to) đạt gần 9.000 tấn/năm và cá ngừ nhỏ (cá ngừ vằn) khoảng 34.000 tấn/năm. Ngoài ra, sản lượng mực đạt hơn 26.0000 tấn/năm, tôm biển gần 1.300 tấn/năm.

Lợi thế từ kinh tế biển đã giúp Bình Định giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động, nâng thu nhập cho các hộ dân và cộng đồng ngư dân ven biển, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế địa phương.

Quan trọng hơn, đây là ngành kinh tế tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển, tài nguyên của đất nước. Các hoạt động khai thác trên biển của ngư dân góp phần vào sự hiện diện dân sự của ngư dân Việt Nam trên vùng biển khơi, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Với tầm quan trọng như vậy, UBND tỉnh Bình Định đã bám sát Quyết định 393/Qđ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ tín dụng đóng mới tàu cá xa bờ, giúp ngư dân yên tâm “bám biển, bám ngư trường”.

Ngoài chính sách trên, theo Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu đánh bắt hải sản, hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, hỗ trợ dầu. Đến nay, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ gần 182 tỷ đồng theo chính sách này.

Nhìn nhận về chính sách hỗ trợ ngư dân, ông Dũng cho rằng, nghề đánh bắt xa bờ là một trong những nghề đầy gian khổ và tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, cần xây dựng một chính sách tốt để chia sẻ, hỗ trợ giúp ngư dân yên tâm bám biển, ra khơi.

“Bên cạnh những chính sách về hạ tầng, hỗ trợ chuyển đổi nghề, giúp đỡ con em ngư dân, Nhà nước nên xây dựng một chính sách hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa đội tàu, xây dựng đội hậu cần vận chuyển”, ông Dũng kiến nghị.

Dưới góc nhìn chiến lược, tiềm lực phát triển kinh tế biển Bình Định rất lớn và chính quyền tỉnh Bình Định đang quyết tâm xây dựng địa phương thành một trong 5 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất của cả nước, sớm đưa kinh tế biển thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định.

“Dự kiến, cuối tháng 3 này, UBND tỉnh Bình Định sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng đề án xây dựng Bình Định trở thành một trung tâm chế biển thủy hải sản lớn nhất cả nước”, ông Dũng cho biết.

Hướng đến thị trường Nhật Bản

Bình Định cùng với Phú Yên và Khánh Hòa là ba địa phương có thế mạnh về đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu, trong đó Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu khá lớn, nhưng điều kiện chất lượng hàng hóa đặt ra cũng khá khắt khe.

Chính thuận lợi này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đặc biệt ưu tiên lĩnh vực đánh bắt, xuất khẩu cá ngừ, trong đó, nhắm đến thị trường Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu.

Sự quyết tâm này thể hiện qua việc ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần sang Nhật Bản công tác, đàm phán hỗ trợ ngư dân kỹ thuật đánh bắt cá ngừ đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chưa kể, đích thân ông còn mang sản phẩm cá ngừ sang Nhật để giới thiệu cho đối tác khó tính này.

Nhật Bản đang dần mở rộng thị trường hơn cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Đầu năm 2014, các nhà chức trách Nhật Bản đã nới lỏng yêu cầu về chất ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam lên 0,2 ppm (mức trước đó là 0,01 ppm), tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp thủy sản tăng kim ngạch xuất khẩu vào Nhật.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), liên tục trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Riêng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Sản phẩm xuất sang thị trường này chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ tôm, cá ngừ và các loại hải sản khác như bạch tuộc, mực…

Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán giữa 12 quốc gia, trong đó Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, tạo ra nhiều lợi thế để các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Với những cơ hội đang mở ra, chính quyền tỉnh Bình Định đã và đang mời gọi nhiều đối tác Nhật Bản hợp tác với Bình Định trong việc chế biển sản phẩm cá ngừ xuất khẩu, liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn tại Nhật và các tỉnh của Nhật Bản (như Osaka) để đào tạo kỹ thuật đánh bắt cá ngừ cho ngư dân Bình Định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Quốc Dũng cho biết, theo lộ trình, Bình Định sẽ sản xuất chế biến sản phẩm cá ngừ xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản và bước đầu, sẽ cử các chuyên gia kỹ thuật sang Nhật Bản học cách chế biến sản phẩm cá ngừ đạt chất lượng.

Tin liên quan
Tin khác